Tín dụng đen núp bóng P2P?

18/04/2018 - 18:00

PNO - Dân văn phòng đang rủ nhau đầu tư vào các trang web cho vay để hưởng lợi nhuận cao hơn gửi tiền ngân hàng; một số người chọn vay tiền qua các trang web này để sớm có tiền mà không cần thế chấp.

Chủ các trang web khẳng định đây là hình thức mới, đã thành công từ nhiều năm trước ở nước ngoài, nhưng các chuyên gia lại cảnh báo “coi chừng”.

Người cho vay lẫn người vay đều háo hức

Hàng chục website như tima.vn, doctordong.vn, huydong.com, canvaytien.info, SHA, Mobivi... tấp nập hoạt động, với hàng ngàn lượt vay mỗi ngày.

Hoạt động theo hình thức vay ngang hàng (P2P - peer to peer lending), các đơn vị này có vai trò trung gian, thông qua công nghệ thông tin để làm cầu nối giữa người cho vay (còn gọi là nhà đầu tư) và người cần vay.

Tin dung den nup bong P2P?

Đây là hình thức kinh doanh giống như Grab và Uber. Toàn bộ quá trình đăng ký, thẩm định, cho vay đều trực tuyến và thời gian hoàn tất (từ lúc vay đến giải ngân) chỉ khoảng vài giờ.

Theo dõi các trang web, chúng tôi thấy chỉ trong 1 giờ nghỉ trưa, đã có khoảng 200 đơn vay mới. Cứ cách 1 giờ, lượng khách vay liên tục nhảy lên con số hàng trăm.

Trên các trang web này, có đầy đủ những dịch vụ của các ngân hàng như vay cầm cố tài sản, vay tín chấp theo lương, vay theo hộ khẩu, vay theo hóa đơn điện nước, vay trả góp theo ngày, vay theo đăng ký xe máy, cầm giấy đăng ký ô tô, cầm ô tô, vay mua ô tô trả góp... Phổ biến nhất là những khoản vay từ 1 - 30 triệu đồng, trong  thời hạn 1 năm. 

Chọn trang web tima.vn, chúng tôi tham gia “vay tín chấp theo lương”. Sau khi đăng ký thành viên, nhập thông tin (họ tên, số điện thoại, địa chỉ cư trú), ngay lập tức, trên trang chủ của website xuất hiện tên của chúng tôi với số tiền cần vay.

Chỉ 1 giờ sau, nhân viên của trang này gọi điện thoại đến, kiểm tra “miệng” các thông tin mà chúng tôi cung cấp. Khoảng 1 giờ sau đó, một nhà đầu tư đã chủ động điện thoại liên lạc.

Người này yêu cầu chúng tôi gửi qua Zalo hoặc Facebook hồ sơ vay gồm bản chụp chứng minh nhân dân/hộ chiếu, hợp đồng lao động, sao kê 3 tháng lương gần nhất; lãi suất mà vị khách này thỏa thuận là 25%/năm. Nhà đầu tư mà chúng tôi tiếp xúc là nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần đang đi tìm khách hàng.

Vị này nói: “Chị may mắn lắm đó. Đi vay, nếu gặp chủ đầu tư là ngân hàng, công ty tài chính thì chị có thể yên tâm. Trường hợp chủ đầu tư là người bình thường, đó có thể là “tín dụng đen” trá hình, nếu sau này không đủ tiền trả, chị sẽ sống không được, chết không xong”. 

Thực tế, lượng khách hàng tìm đến các trang web có dịch vụ P2P ngày càng đông. Nhiều nhân viên ngân hàng hoặc các công ty tài chính coi đây là mảnh đất màu mỡ để “săn” khách, đáp ứng doanh số mà ngân hàng đề ra.

Tin dung den nup bong P2P?

Nhưng theo chúng tôi tìm hiểu, ban đầu, nhà đầu tư trong những trang web này đều là những đối tượng đầu tư tự do, chỉ cần có 10 triệu đồng là có thể cho vay, nếu người vay không trả tiền đúng hạn thì trang web chỉ hỗ trợ đòi tiền giúp chứ không có nghĩa vụ chi trả cho nhà đầu tư. 

“Sau hai năm hoạt động, hiện có 10.675 người tham gia cho vay và cũng đã có hơn 1,5 triệu người vay. Đơn vị đã giải ngân hơn 23.000 tỷ đồng” - đại diện một website cho biết. Lượng khách vay tiếp cận các website này ngày càng tăng, phần lớn là giới sinh viên, người lao động - đối tượng khó vay ngân hàng và cần tiền gấp trong ngày. 

Không khác gì chợ đen

Đầu năm 2018, Trung Quốc tuyên bố sẽ xóa sạch 157 doanh nghiệp cho vay online P2P quy mô nhỏ, chỉ chừa lại một công ty nhà nước duy nhất, do các doanh nghiệp cho vay online công bố lãi suất khoảng 10%/năm nhưng thực tế, con số này thường lên tới gần 40%/năm.

Nói về loại hình cho vay P2P tại Việt Nam hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cảnh báo, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho một đơn vị vận hành dịch vụ P2P nào, pháp luật cũng chưa có những quy định ràng buộc cụ thể đối với dịch vụ này.

Thực tế, dù huy động vốn, cho vay giống ngân hàng, công ty tài chính, nhưng các đơn vị kết nối này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, môi giới hoặc cầm đồ.

Do đó, không loại trừ có những website “tín dụng đen” trá hình, người vay có thể lâm vào cảnh mất khả năng trả nợ do phải chịu lãi suất quá cao. 

Thực tế này được chứng minh khi chúng tôi dùng thông tin giả tiếp tục đi vay. Nhân viên trang web T.M. chỉ xác minh bằng cách hỏi qua loa vài câu về nơi ở rồi lập tức chuyển hồ sơ của chúng tôi cho một nhà đầu tư tên Hùng tại Q.Tân Bình, TP.HCM.

Trang web kết nối giữ số tiền “khủng”

Sau khi đăng ký cho vay, nhà đầu tư sẽ chuyển tiền vào tài khoản riêng của trang web trung gian.

Trong thời gian chờ chuyển tiền sang tài khoản cá nhân của người vay, đơn vị kết nối huy động được số tiền rất lớn, không thua gì ngân hàng.

Họ cũng có thể sử dụng số tiền này để đầu tư vào các lĩnh vực khác.  

Theo chúng tôi tìm hiểu, Hùng là tay cho vay nặng lãi với lãi suất 30%/năm. Hiện Hùng đăng ký làm nhà đầu tư của hàng chục website hoạt động theo mô hình P2P, mỗi ngày có thêm chục lượt khách hàng thay vì phải khó nhọc dán tờ rơi như trước đây. 

Khi vay qua kênh này, những quy định về lãi suất đều do các nhà đầu tư tự đưa ra và điều khoản không rõ ràng nên sẽ bất lợi cho người vay. Chị Trần Thị Diễm (ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM) vay 18 triệu đồng với lãi suất ghi là 2,99%/tháng, dù đã trả được 7 tháng (mỗi tháng 1 triệu đồng) nhưng số nợ vẫn còn gần 14 triệu đồng.

Chị khiếu nại với nhà đầu tư thì mới biết họ tính lãi suất theo dư nợ ban đầu chứ không phải theo dự nợ giảm dần, nên lãi suất thực tế là gần 4%/tháng. Chị Diễm làm dữ thì bị nhà đầu tư hăm dọa sẽ dùng bạo lực buộc chị trả nợ.

Theo ông Đàm Thế Thái - Phó tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH HD Saison, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu kỹ hơn về mô hình này để có hình thức quản lý, tránh những dịch vụ “tín dụng đen” trá hình mượn tiếng đổi mới để cho vay với lãi suất “cắt cổ”. 

Không nên cấm hình thức cho vay P2P vì đây là một xu thế tất yếu của thời đại công nghệ số.

Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có những quy định, biện pháp quản lý, cụ thể như quy định rõ chức năng, tư cách pháp nhân đăng ký hoạt động, vốn điều lệ, hợp đồng tín dụng để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư lẫn bên đi vay.

Nếu P2P bỏ qua các bước thẩm định truyền thống (phải có hồ sơ vay, nhân viên thẩm định hồ sơ) và dùng công nghệ thông tin để thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng thì Nhà nước phải quản lý thế nào để bảo đảm việc thẩm định mới này phù hợp với pháp luật và thực tế. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu  

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI