Thường trực Ban Bí thư: Phải xử lý tận gốc vụ tắt tiếng Quốc ca

23/12/2021 - 14:45

PNO - Sáng 23/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, năm 2021, toàn ngành tuyên giáo đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc, đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Ảnh chụp màn hình phần chào cờ trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào
Ảnh chụp màn hình phần chào cờ trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào ngày 6/12

Bên cạnh đó, toàn ngành đã tập trung cao độ chỉ đạo tổ chức, định hướng công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, từ truyền thông đa phương tiện, qua mạng xã hội đến các hình thức cổ động trực quan, góp phần vào thành công cuộc bầu cử và phòng, chống dịch ở các cấp.

Bên cạnh những mặt đã làm được, theo Thường trực Ban Bí thư, công tác tuyên giáo vẫn còn một số hạn chế, trong đó có những hạn chế kéo dài. 

Tiến độ nghiên  cứu học tập quán triệt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ở một số nơi còn chậm, chất lượng chưa cao. Kiểm tra giám sát, đánh giá thực hiện một số nghị quyết chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực tuyên giáo chưa thường xuyên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh có nơi, có lúc chưa thực chất, chưa thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, chất lượng hiệu quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa cao, chưa làm sáng tỏ một số vấn đề thực tiễn đặt ra.

Việc xử lý tình trạng báo hóa tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp xa rời tôn chỉ mục đích, nhất là các tạp chí điện tử thuộc các hội chưa nghiêm túc. Việc quản lý các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử cá nhân còn hạn chế. Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các gương điển hình, các mô hình hay, cách làm hiệu quả còn ít.

Vẫn theo Thường trực Ban Bí thư, việc tham mưu ngành Tuyên giáo cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết các vấn đề dư luận xã hội quan tâm trên lĩnh vực khoa giáo chưa có nhiều chuyển biến, nhất là về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giáo dục, lao động việc làm. Việc tổ chức đấu tranh ngăn chặn xử lý thông tin xấu độc, quan điểm sai trái thù địch một số thời điểm còn chậm, phương pháp chưa tương xứng, hiệu quả chưa cao.

"Nhiều khi phương pháp xử lý còn chưa tương xứng, hiệu quả chưa cao. Có những lúc vấn đề chưa tới tầm mức nhưng chúng ta sử dụng biện pháp cao, có những vấn đề đòi hỏi biện pháp cao, nghiêm túc thì chúng ta lại sử dụng biện pháp chưa đúng tầm mức" - ông Võ Văn Thưởng nói.

Thường trực Ban Bí thư lấy dẫn chứng sự việc Quốc ca bị tắt tiếng trong trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam và Lào là vi phạm phải xử lý và xử lý tới gốc của vấn đề.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, năm 2022 ngành cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; đồng thời với việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện, biểu dương những địa phương, đơn vị làm tốt, hiệu quả; uốn nắn, chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt.

An Sinh

 
TIN MỚI