Thị trường bán lẻ biến đổi theo dịch

29/11/2021 - 08:32

PNO - Không quá chú trọng vào mặt bằng lớn, bán thêm hàng hóa dịch vụ mới, sẵn sàng đưa sản phẩm lên xe đẩy… là cách mà nhiều nhà bán lẻ đang làm mới hoạt động kinh doanh sau tác động của dịch COVID-19.

 Đưa cửa hàng lên xe đẩy 

Ông Đặng Thanh Phong - đại diện bộ phận truyền thông của chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh - cho biết dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các thành phố lớn; riêng vùng nông thôn, vùng sâu xa thì ít bị ảnh hưởng hơn. Do dung lượng thị trường tại các khu vực nông thôn không phù hợp để mở các cửa hàng điện máy quy mô lớn như tại các đô thị nên doanh nghiệp (DN) đang triển khai mô hình cửa hàng super mini (siêu nhỏ) với diện tích chỉ khoảng 80-120m2. Hiện hệ thống này đã có 670 cửa hàng như vậy đi vào hoạt động tại nhiều tỉnh/thành. Dự kiến số lượng cửa hàng sẽ tăng lên 800 ngay trong năm 2021.

“Chúng tôi tận dụng cả chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động bán bảo hiểm xe máy và sẽ tiếp tục hợp tác với DN mở quầy cầm đồ ngay bên trong cửa hàng để cung cấp tín dụng cho khách hàng có nhu cầu, kết nối các tổ chức tín dụng khai thác dịch vụ rút tiền. Đây là những dịch vụ sẽ giúp hệ thống tăng thêm doanh thu trong bối cảnh lực cầu chưa hồi phục”, ông Phong chia sẻ.  

Chợ đa năng Gmarket - mô hình bán lẻ tích hợp của Grove Group - ẢNH: N.CẨM
Chợ đa năng Gmarket - mô hình bán lẻ tích hợp của Grove Group - Ảnh: N. Cẩm

Nhiều chuỗi cửa hàng khác cũng khai trương các điểm kinh doanh mới hoặc triển khai mô hình mới ngay sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Kingfoodmart khai trương siêu thị; The Coffee House ra mắt mô hình The Coffee House Now (TCH Now) trên xe đẩy và ki-ốt. Các ki-ốt sẽ đặt tại các cửa hàng bán lẻ như Kingfoodmart, Co.op Food... còn mô hình xe đẩy sẽ triển khai đại trà tại nhiều địa phương. Đối tượng mà chuỗi đồ uống này hướng tới là phục vụ nhu cầu mua mang đi vốn trở nên phổ biến trong giai đoạn dịch bệnh… Ông Lê Bá Nam Anh - Tổng Giám đốc The Coffee House - cho biết: Sau dịch COVID-19, công ty cẩn trọng hơn trong kế hoạch phát triển. Ngoài việc tập trung mở lại toàn bộ cửa hàng trên toàn quốc thì việc chọn mô hình cơ động, ít chi phí, tận dụng các nền tảng công nghệ được xem là phù hợp để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Nhiều DN trong lĩnh vực ăn uống (F&B) cũng áp dụng mô hình thu nhỏ. Phúc Long triển khai mô hình ki-ốt tại các cửa hàng VinMart+ và hướng tới mục tiêu mở 1.000 ki-ốt đến tháng 5/2022. Highlands Coffee, McDonald’s, Ông Bầu, Otoke Chicken, Vinacafé, Passio... cũng đã thử nghiệm mô hình ki-ốt, xe đẩy bán hàng tại một số tuyến phố chính ở TPHCM và Hà Nội.

Ứng dụng số hóa, linh hoạt chuyển đổi

Mới đây, Grove Group cũng mở mô hình bán lẻ tích hợp (Integrated Retail) với tên gọi “Chợ đa năng Gmarket”.  Đây là mô hình bán lẻ hơn 10.000 mặt hàng thiết yếu ứng dụng “số hóa”. Người tiêu dùng khi đặt mua trên website sẽ được cấp một mã số riêng. Khi đến kho hàng tự động chỉ cần nhập mã số này là sẽ lấy được hàng. Khách hàng cũng có thể chọn hình thức giao hàng tận nơi nếu không muốn lấy tại cửa hàng. Ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng Giám đốc Grove Group - chia sẻ: Mô hình được lựa chọn nhằm tránh tối đa việc tiếp xúc khi mua hàng nhằm giảm rủi ro lây nhiễm bệnh dịch. 

Một trường hợp khác, ông Trần Văn Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia - cho biết công ty chuyên nhập khẩu hải sản để phân phối sỉ cho hơn 2.000 nhà hàng, khách sạn trên cả nước. Dịch COVID-19 khiến kênh phân phối này bị sụt giảm hoạt động hơn 80%. DN chuyển hướng sang bán lẻ hải sản đã chế biến sẵn qua website, Facebook, Zalo hay các sàn thương mại điện tử. Sự thay đổi này đã giúp công ty giải quyết được lượng lớn hải sản tồn kho. Hiện DN này thành lập chín chi nhánh bán lẻ tại TPHCM cung ứng hải sản tươi sống và chế biến mang đi. 

Cuộc đua của những “ông lớn”

Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc marketing Haravan - tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự tăng trưởng tập trung vào một số ngành hàng tiêu dùng, ẩm thực, tạp hóa... vì đáp ứng nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người tiêu dùng.

“Hiện các ông lớn bán lẻ đang chạy đua phủ sóng để tăng thị phần vì có tiền, nguồn lực và khả năng chịu lỗ trong một thời gian dài. Họ có thể chấp nhận lỗ hai - ba năm để chiếm lĩnh thị trường, nắm bắt tiềm năng tăng trưởng ngay trong lúc đối thủ - đặc biệt là những nhà bán hàng tầm trung, nhỏ lẻ - đang chết dần do không gồng nổi chi phí mặt bằng. Mục tiêu của các nhà bán lẻ lớn khi mở rộng hệ thống trong thời điểm này không phải là lợi nhuận mà là tăng thị phần nắm giữ. Những DN tầm trung, nhỏ lẻ muốn tồn tại phải chọn thị trường ngách hoặc phải phát triển lên quy mô lớn”, ông Nguyễn Mạnh Tấn phân tích.

Ông Ngô Đình Dũng - Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp quản trị tổng thể ISM, chuyên gia lĩnh vực bán lẻ - cho rằng xu hướng tiêu dùng chuyển sang “đi chợ” trực tuyến đang trở thành áp lực lớn không chỉ đối với DN khởi nghiệp mà cả DN bán hàng lâu năm. Do hạ tầng logistics còn nhiều yếu kém, chi phí cao, hệ thống kho bãi thiếu hụt (nhất là kho bãi lạnh)… trong khi người tiêu dùng luôn muốn được giao hàng nhanh, nhu cầu mua online tăng mạnh, đòi hỏi một quá trình đầu tư nhiều công sức của DN. Nhưng nếu biết tận dụng thời cơ, tiến hành chuyển đổi sớm, triển khai quyết liệt thì sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho DN. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, điều kiện đang thuận lợi để DN thúc đẩy số hóa khi phần lớn người tiêu dùng ngày càng quen dần với các ứng dụng công nghệ, quét mã... Các nhà bán lẻ đang hướng đến tận dụng các cửa hàng và điểm bán như một trung tâm điều phối và xử lý đơn hàng cho khách hàng. Lợi thế này giúp giao hàng nhanh, tiết kiệm chi phí.  

Hành vi tiêu dùng đang thay đổi

Dịch bệnh đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng, người tiêu dùng không còn chi tiêu thoải mái như trước mà chỉ ưu tiên vào các mặt hàng thiết yếu. Trước đây, sản phẩm (SP) kiểu quà tặng với bao bì mẫu mã sang trọng thì dễ bán, nhưng hiện nay người tiêu dùng chú trọng SP theo kiểu “ăn chắc mặc bền”. Do đó, khâu sản xuất cần đưa ra SP mới nhưng phải quay về với những giá trị cơ bản. Hiện nhiều DN lớn, có yếu tố nước ngoài đang thực hiện cấu trúc lại các nhóm SP, cắt giảm lợi nhuận, giảm bớt các chi tiết trên bao bì mẫu mã để giảm bớt giá thành nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng SP. Các nước trên thế giới cũng tăng nhu cầu nhập khẩu các SP thiết yếu, phần lớn là các SP sức khỏe, mì ăn liền, khẩu trang, găng tay, túi rác tự phân hủy… Đây là các mặt hàng mà các DN Việt Nam có nhiều lợi thế nếu biết nắm bắt cơ hội, tìm hiểu được nhu cầu của khách hàng và thị trường. 

Ông Ngô Đình Dũng - chuyên gia lĩnh vực bán lẻ

Nguyễn Cẩm - Hoa Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI