Tốt nghiệp 'đại học cuộc đời’ mới mong không thất nghiệp

28/10/2014 - 08:19

PNO - PNO – Để không thất nghiệp khi ra trường, chẳng còn cách nào khác, phải học hành nghiêm túc trong giảng đường và tốt nghiệp loại ưu trong “đại học cuộc đời”. Ở Việt Nam, bằng ĐH thứ hai này không phải ai cũng có.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tot nghiep 'dai hoc cuoc doi’ moi mong khong that nghiep

Nguồn ảnh: internet.

Trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, danh sách sinh viên ra trường thất nghiệp lại dài thêm.

Theo chia sẻ của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, giáo sư Lee Ju Ho trong hội thảo về khuynh hướng và sáng kiến trong đổi mới giáo dục Đại học (ĐH) do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 16/10 vừa qua, nước này cho đóng cửa các trường ĐH hoạt động không hiệu quả, để sinh viên thất nghiệp khi ra trường. Cụ thể, dưới thời ông làm Bộ trưởng, có 6 trường bị “trảm”.

Nhìn lại Việt Nam, nếu cũng học theo Hàn Quốc, có lẽ đóng cửa không xuể.

Thống kê do bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu ra cho thấy năm 2013, số có bằng ĐH ở độ tuổi 21- 29 thất nghiệp là 101.000 người. Một con số quá khủng khiếp!

Cử nhân thất nghiệp nhiều đến nỗi có tờ báo làm hẳn một tuyến bài cử nhân giấu bằng ĐH, xin làm công nhân, nhưng vẫn không được nhận vì xem tay không có vết chai!

3 thanh niên tôi biết đang làm công việc bốc dỡ hàng cho Công ty Coca Cola đều là thạc sĩ báo chí, được đào tạo ở Học viện Báo chí - Tuyên truyền. Hai chị em trong gia đình bạn tôi đều tốt nghiệp bằng giỏi ngành sư phạm văn và sư phạm lịch sử Trường ĐH Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, mãi không xin được việc, “phải” thi tiếp cao học, trở thành thạc sĩ. Thế mà hai từ thất nghiệp vẫn ám ảnh 3 năm nay. Hai chị em này phải đi học tiếp trung cấp kế toán, làm cho công ty tư nhân, chờ cơ hội làm cô giáo trong mong manh hy vọng.

Âu thế cũng là những bạn trẻ năng nổ, tìm được việc trái ngành có thu nhập tàm tạm. Chuyện cử nhân vứt xó bằng ĐH, đi bán rau, chạy xe ôm, làm nhân viên giao hàng vất vả sớm hôm đều không phải chuyện lạ ở Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn và các trường ĐH vẫn tuyển sinh vô tội vạ như hiện nay, chắc chắn danh sách cử nhân thất nghiệp năm 2014 và các năm sau càng dài thêm.

Học viện Báo chí - Tuyên truyền, trung tâm đào tạo những người làm báo lớn nhất cả nước, nhưng những gì sinh viên được học bây giờ vẫn là rất nhiều những bài giảng 10 năm, 20 năm trước còn y nguyên, từ những giảng viên đã thôi làm báo cả chục năm nay.

Tệ hại nhất khi chúng tôi biết rằng, có nhiều giảng viên báo chí trẻ mới ra trường được giữ lại giảng dạy luôn, khi kinh nghiệm làm báo của họ chỉ hơn một sinh viên đồng trang lứa chút xíu.

Nhiều bạn trẻ chán nản: “Các trường ĐH đang đào tạo sinh viên theo kiểu sản xuất hàng hóa đồng loạt, còn tiêu thụ như thế nào thì mặc kệ, do thị trường quyết định”.

Sự thật đang là như vậy ở Việt Nam. Có sự liên kết nào giữa những người làm hoạch định nhân sự, 5 năm - 10 năm tới, 63 tỉnh thành trên cả nước thiếu bao nhiêu giáo viên, nhân viên chế tạo máy, dược sĩ… để cùng bàn bạc với hệ thống các trường ĐH đào tạo ra số chỉ tiêu tương ứng hay chưa?

Tot nghiep 'dai hoc cuoc doi’ moi mong khong that nghiep

Nguồn ảnh: internet.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường, cho hệ thống giáo dục về tình trạng sinh viên thất nghiệp. Trước hết, đó là do lỗi của chính sinh viên.

Tại sao trong cùng một môi trường đào tạo, có người rất giỏi, nhiều công ty xin nhận, lương rất cao; còn có nhiều người lay lắt hồ sơ khắp nơi mà vẫn không tìm được việc làm?

Kỹ năng mềm, kỹ năng thuyết trình, ngoại ngữ, tin học, trải nghiệm cuộc sống không có, 4 - 5 năm ĐH chỉ vùi đầu vào giáo trình hoặc các trò giải trí thâu đêm suốt sáng, không làm thêm, không hoạt động tình nguyện… Ra trường, sinh viên vẫn có một bằng cử nhân đấy, nhưng nhà tuyển dụng nào dám nhận?

Sinh viên thế hệ mới cần sự năng động, tự tin, không cứng nhắc, chăm chăm nhắm vào một ngành nghề mình đã được học trong trường ĐH.

Theo tôi, có cơ hội, cử nhân tốt nghiệp có thể thử sức ở bất cứ công việc nào phù hợp, để có thu nhập, có trải nghiệm, có thể đây cũng chính là con đường để đến với công việc đúng đam mê.

Chưa bao giờ bằng cử nhân, thạc sĩ lại phổ cập như hiện nay. Để cạnh tranh trong cuộc đua khốc liệt giành được công việc và vị trí như mơ ước, chẳng còn cách nào khác, phải học thật trong giảng đường và tốt nghiệp loại ưu “đại học cuộc đời” để thấy mình năng động, thông minh hơn, nhiều kiến thức, trải nghiệm hơn. Ở Việt Nam, bằng ĐH thứ hai này không phải ai cũng có.

NGUYỄN THÚY HẰNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI