Thứ trưởng Bộ Y tế: “Chúng ta đang có dịch sởi”

18/04/2014 - 17:29

PNO - PNO - Bộ Y tế đã nhều lần giải thích không công bố dịch sởi vì nhiều quy định. Tuy nhiên, tại buổi họp báo lần đầu tiên từ khi dịch bệnh sởi bùng phát, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phải công nhận: “Chúng ta đang...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thu truong Bo Y te: “Chung ta dang co dich soi”

Buổi họp báo chiều 18/4 được giới hạn trong 1 giờ đồng hồ

Tại cuộc họp báo được Bộ Y tế giới hạn trong khung 1 tiếng đồng hồ chiều 18/4, nhiều câu hỏi của phóng viên xoay quanh việc giấu dịch của Bộ Y tế cũng như các biện pháp triển khai chậm dẫn đến nhiều ca tử vong. Buổi họp không có mặt của Bộ trưởng Bộ Y tế mà do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì.

* Phóng viên: Thưa Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh sởi đã quá “nóng” và đang là nỗi lo của nhiều gia đình. Phải chăng Bộ Y tế quá chậm trễ trong việc đối phó với bệnh sởi?. Chỉ khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi thị sát và có chỉ đạo thì Bộ Y tế mới triển khai nhiều biện pháp. Ngay thời điểm này Bộ vẫn không công bố dịch để cả cộng đồng chung tay nhằm khống chế bệnh sởi đang diễn ra?

- Ông Nguyễn Thanh Long: Hiện nay việc công bố dịch được thực hiện theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện công bố dịch. Sởi là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương. Hiện nay, các địa phương thấy rằng dịch vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Khi có 2 tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao.

Tuy nhiên, việc không công bố không có nghĩa là không có dịch. Tháng 5/2012, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch sởi, định nghĩa rất rõ: một ổ dịch sởi là 3 trường hợp trở lên. Chỉ cần 2 trường hợp dương tính trở lên là công bố có dịch sởi. Trong các văn bản chỉ đạo các địa phương, Bộ đề nghị phòng chống dịch sởi. Trong các văn bản của Bộ Y tế, đều nói rất rõ là phòng chống dịch sởi. Công bố hay không công bố thì chỉ có một trường hợp nghi ngờ mắc sởi đã phải triển khai biện pháp phòng chống. Cho đến thời điểm này, chúng ta đang có dịch sởi, 61/63 tỉnh đang có dịch sởi. Chúng ta đang có dịch sởi.

Thu truong Bo Y te: “Chung ta dang co dich soi”

Bệnh nhi bị sởi nằm la liệt ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

* Như vậy là Bộ khẳng định đã có dịch sởi. Với các phản ứng dồn dập gần đây của Bộ như cấp máy thở, thuốc men, đi kiểm tra đôn đốc tình trạng phòng chống dịch tại các địa phương… nhưng có thông tin máy thở vừa được cấp cho các bệnh viện đã hỏng. Máy móc thì còn trong kho nhưng để khi viện kêu mới cấp, để nhiều bệnh nhân tử vong oan vì thiếu thiết bị?

- Bộ đã xin ý kiến cấp tất cả 42 máy thở cho các bệnh viện. Tất cả máy thở được cấp nằm trong cơ số dự trữ quốc gia phân bổ cho Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện của Hà Nội có phương tiện cho điều trị bệnh sởi. Đây là những máy mới, chưa qua sử dụng. Tất cả máy đã được cấp hết theo đề nghị của các bệnh viện.

* Tại sao suốt một thời gian dài Bộ Y tế vẫn khẳng định chỉ có 25 ca tử vong do sởi nhưng sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đi thị sát, Bộ lại công bố con số cao gấp 4 lần?

- Bộ Y tế không giấu thông tin về dịch sởi. Có 3 nguyên nhân tử vong do sởi. Đó là bản thân virus sởi gây ra, dẫn tới biến chứng nguy hiểm là viêm cơ tim; viêm phù phổi cấp, không cấp cứu kịp vượt ngoài khả năng y học và thứ ba là não viêm.
Trong thời kỳ đầu do chính virus sởi gây ra thì con số 25 là chính xác. Còn các bệnh kia có liên quan đến sởi hay không cần được xét nghiệm chính xác mới công bố. Nên cùng một lúc không thể nói tử vong do sởi hay không.

* Dịch sởi vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có biện pháp quyết liệt hơn không?

-Tới đây Bộ sẽ nâng mức độ đáp ứng với dịch cao hơn. Công tác chống dịch sẽ có cập nhật trong ngày. Tiếp tục tổ chức hoạt động truyền thông hướng dẫn người dân đưa con em mình đi tiêm chủng. Phối hợp các báo, giao lưu khán giả có nhu cầu. Cử chuyên gia ngành y phổ biến, định hướng các bà mẹ, phụ huynh đưa con em mình đi tiêm chủng.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác điều trị, phòng chống bệnh sởi tại Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, 5 đoàn sẽ kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi, tình trạng bệnh nhân nhập viện, công tác phát hiện, khám sàng lọc, rà soát lại số mắc và tử vong theo độ tuổi tại từng địa phương, tình hình triển khai công tác tiêm chủng… Ngay chiều 18/4, Bộ Y tế đã ban hành quyết định hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: tính đến ngày 18/4, số bệnh nhân đã giảm, bệnh viện đang quyết liệt làm giảm tải và giảm tử vong trong toàn bệnh viện, không riêng gì bệnh sởi. Bệnh viện đang thực hiện chiến lược giảm bớt số cháu nằm ghép tại khoa lây, khoa hô hấp; dành riêng cho 50 bé thở ô xy, đội ngũ đủ để chăm sóc các cháu. Với các bé đang thoái chuyển bệnh, giảm sốt, trẻ tỉnh hơn chỉ còn ho thì không nên giữ, mà cho các cháu về nhà. Hàng ngày gia đình đưa bé đến khám.

Bảo Thoa ghi

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu