Những đứa trẻ không có ngày sinh

10/04/2014 - 15:26

PNO - PN - “Hơn 400 đứa trẻ ở đây không có giấy khai sinh, cuộc đời chúng còn không có quá khứ, nói gì đến ngày mai …” - là số phận của những đứa trẻ ở ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh…

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhung dua tre khong co ngay sinh

Những đứa trẻ "Việt kiều" ở ấp Tà Dơ tương lai sẽ về đâu?

Không có ngày mai

“Làng những đứa trẻ không ngày sinh “mọc” lên đã hai năm, có 58 hộ với 261 nhân khẩu. Ngoài ra, còn có 106 hộ Việt kiều tự di cư về nước, mua đất, cất nhà xen trong các xóm ấp tại xã Tân Thành với 449 nhân khẩu. Tất cả chung một hoàn cảnh: không một người nào có giấy tờ nhân thân. Thương nhất là những đứa trẻ, chẳng thấy tương lai…”, bà Dương Thị Viết, Bí thư đảng ủy xã kể. Bà nói: “Ban đầu chỉ khoảng ba, bốn hộ trở về, công an ấp còn chưa kịp làm quen, thì chỉ ba bốn đêm sau đã mọc lên một cái làng, rồi họ mua nhà, mua đất khắp trong xã, chính quyền ngăn không kịp. Hỏi ra mới biết, ở Campuchia họ đói. Nghe người dân kể chuyện đường về gian khó, vất vả, có người suýt phải bỏ mạng, chúng tôi không cầm lòng được. Làm sao nỡ đuổi dân đi?”.

Thế là xã xin ý kiến lãnh đạo huyện, cho dân tạm cư, ghi chú số dân, số hộ vào sổ tạm. Nhưng, hơn 400 đứa trẻ không khai sinh, làm sao có giấy tờ đi học? Giải pháp đầu tiên của xã là tập trung tất cả trẻ từ sáu đến 16 tuổi cho đi xóa mù chữ tại một trường tiểu học trong ấp. Nhưng do số trẻ quá đông, việc tổ chức những lớp học không chính thức gặp nhiều rắc rối, thế là bọn trẻ theo trường lớp được vài buổi thì biến mất, lớp học teo tóp dần. Thấy học trò vắng, cô giáo đến tận nhà tìm, mới hay các cô cậu đã theo cha mẹ ra lòng hồ giăng câu, hoặc lên rẫy nhổ mì, làm cỏ. Hỏi sao con không tới trường, cô bé Nguyễn Thị Chinh, 16 tuổi, nói: “Dạ, tại con theo mẹ đi làm rẫy mì”. Nhà Chinh có sáu chị em, từ Chinh đến bé Út Hiền (năm tuổi) đều phải phụ giúp ba mẹ những việc lặt vặt. Con gái theo mẹ làm rẫy, nhổ cỏ, con trai theo ba đi lưới cá ở lòng hồ. Chinh nói: “Con thích đi học lắm nhưng lớn quá mà học chung với tụi nó thấy kỳ…”.

Gần nhà Chinh là nhà của bé Dương Thị Tiền, bảy tuổi. Dù đã đặt tên các con là Tiền, Đô và La nhưng cha mẹ của bọn trẻ vẫn không thoát được kiếp nghèo. Anh Dương Văn Ấm, cha của Tiền kể: “Nuôi được ba đứa này đủ ăn đã là mệt lắm. Tui chỉ mong nó mau lớn chứ học hành gì”.

Bất chấp nghèo khó, đói khổ, sinh con không làm được khai sinh, các gia đình trẻ của làng vẫn liên tục sinh đẻ, nhà nào cũng ba đến bảy con. Trước Tết Nguyên đán 2014, một cặp song sinh của làng chào đời. Bà mẹ trẻ Lê Thị Hiền (sinh 1990) bật khóc khi nhớ lại chuỗi ngày kinh hoàng đó: “Em chuyển dạ sinh mà chồng em đi lưới không có cá. Trong nhà có chưa đến 100.000đ, sinh đôi, hai đứa con khỏe mạnh nhưng đến ngày xuất viện, BV huyện Tân Châu không cho ẵm con về vì em còn nợ tiền viện phí hơn 500.000đ.

Vợ chồng em năn nỉ, khóc hết nước mắt, họ cũng biểu về lấy tiền lên mới cho lãnh con, đành bỏ con lại mà về”. Những người hàng xóm Hiền nghe chuyện cám cảnh, khóc theo, nhưng cũng không gom được đủ tiền cho vợ chồng Hiền. Mãi ba ngày sau, chị Trần Thị Thanh, chị chồng của Hiền rủ lối xóm lên ủy ban xã, sự việc mới tới tai chính quyền. Hôm sau, hai cháu bé được Hội Chữ thập đỏ xã Tân Thành “chuộc” về giúp. Hiền rưng rưng kể về “vận may” của mình nhưng tuyệt nhiên không hề biết tương lai của hai đứa trẻ sẽ như thế nào khi không được làm giấy khai sinh.

Nhung dua tre khong co ngay sinh

Nguyễn Thị Chinh, 16 tuổi, đi học xóa mù được vài buổi thì bỏ luôn

Chính quyền bế tắc?

Thật ra, sau hai năm “làng Việt kiều” xuất hiện, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến xã Tân Thành để giúp đỡ. Tháng 3/2014, Chính phủ đã ra lệnh phát cho mỗi khẩu là Việt kiều Campuchia 45kg gạo. Tuy nhiên, những điều căn bản nhất của cuộc sống người dân “làng Việt kiều” vẫn không được giải quyết. Làng được khoan hai giếng nước sạch nhưng… khô rông rốc, không một giọt nước. Rác ở làng thỉnh thoảng được đoàn viên thành niên xóm ấp gom, hốt nhưng chỉ một tuần sau… đâu lại vào đấy. Cuộc sống lênh đênh ngày xưa khiến người dân của làng đa phần có thói quen “chờ thời”, lưới trúng cá thì mừng, thất thì… thôi, thiếu một sự nhẫn nại, cố gắng để thoát nghèo.

Ông Trần Quang Ghi - Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Ngay từ khi “làng” vừa xuất hiện, xã đã chủ động liên hệ lãnh đạo huyện, tư pháp, công an huyện xin ý kiến chỉ đạo để giúp người dân ổn định cuộc sống. Việc kê khai nhân khẩu không hề đơn giản, vì chỉ có vài người còn giấy tờ tùy thân, giấy tờ gốc để chứng minh mình từng là… người Việt Nam. Theo chỉ đạo từ cấp trên, xã hướng dẫn tận tường cho các hộ quay về Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia chứng thực giấy tờ để làm thủ tục hợp thức hóa các giấy tờ tùy thân. Nhưng, từ đầu năm đến nay, chưa hộ nào làm được vì họ vừa không có tiền, vừa không biết chữ”.

Nếu cứ đợi người dân của “làng Việt kiều” nói riêng và các hộ dân di cư về Tân Thành có tiền và biết chữ thì chẳng biết bao giờ 400 đứa trẻ, hay nói đúng hơn là cả 710 phận người ở đây bớt lênh đênh.

 Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI