Sân khấu Hàn Quốc đang thay đổi cách thưởng thức nghệ thuật

09/04/2025 - 14:29

PNO - Ở Hàn Quốc, ngày càng có nhiều vở diễn sân khấu khán giả không chỉ đến để xem biểu diễn, mà còn trở thành một phần của buổi diễn.

Từ việc hát cùng với các diễn viên đến việc đứng ngay trên sân khấu nhâm nhi đồ uống, làn sóng sân khấu tương tác và nhập vai đang thách thức văn hóa thưởng thức sân khấu vốn thụ động của Hàn Quốc.

vở nhạc kịch ″Once″
Các diễn viên biểu diễn hoà nhạc trước phần biểu diễn vở nhạc kịch Once

Những tác phẩm sân khấu này đang xoá bỏ điều mà các nhà phê bình gọi là “chuẩn mực khán giả như tượng”, với yêu cầu cứng nhắc, quy định người xem phải ngồi yên lặng suốt buổi diễn. Thay vào đó, ranh giới giữa sân khấu và khán phòng đang được xoá mờ, khuyến khích khán giả thưởng thức vở diễn một cách thoải mái và tham gia chủ động hơn.

Ở vở nhạc kịch Once, khán giả có thể bước lên sân khấu 30 phút trước khi buổi diễn bắt đầu. Tại đây, họ có thể mua đồ uống từ quầy bar trên sân khấu và tương tác với bối cảnh.

Mười phút trước giờ diễn, các diễn viên sẽ xuất hiện từ giữa đám đông để bắt đầu một buổi hoà nhạc trước buổi diễn, sau đó mới chuyển tiếp vào phần biểu diễn chính.

Conor Hanratty - Phó đạo diễn của vở nhạc kịch Once phiên bản Hàn - cho biết các diễn viên mong muốn tạo sự kết nối gần gũi giữa khán giả và người biểu diễn trước khi câu chuyện bắt đầu thông qua phần "tiền diễn".

Trong một sự phá cách khác, vở nhạc kịch Red Cliff, kết hợp thể loại pansori, một hình thức âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, đã tổ chức các “ngày hát cùng nhau” vào thứ Tư và thứ Năm, khuyến khích khán giả cùng hát với dàn diễn viên trong tiết mục Oath of the Peach Garden (Lời thề vườn đào) ở phần chào kết.

Vở diễn truyền thống Hàn Quốc ″Red Cliff″ đang được trình diễn tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Sejong ở trung tâm Seoul. [SÂN KHẤU JEONGDONG]
Vở diễn Red Cliff - Ảnh: Sân khấu Jeongdong

Vở diễn cũng chào đón những phản hồi từ khán giả, bao gồm cả tiếng reo chuimsae, những tiếng hò reo cổ vũ đặc trưng trong pansori. Nhà hát thậm chí còn chia sẻ video lên mạng xã hội để hướng dẫn người xem cách cổ vũ, hò hét chuimsae một cách thích hợp trong buổi biểu diễn.

Một số vở diễn còn đi xa hơn, cho phép khán giả tương tác không chỉ trước hoặc sau phần chính, mà ngay cả trong vở diễn. Vở nhạc kịch Shadow: A New Musical – The Beginning, dựa trên câu chuyện về vua Yeongjo và thái tử Sado của Hàn Quốc, đã bỏ hoàn toàn ghế ngồi trong các buổi diễn vào ngày 22 và 23/3. Hình thức “đứng xem” gợi nhớ đến các buổi hòa nhạc rock, tạo điều kiện cho sự tương tác năng động hơn giữa khán giả và sân khấu.

Vở nhạc kịch London Record cho phép khán giả quay video buổi diễn và thoải mái ăn uống trong suốt chương trình, điều hiếm thấy ở sân khấu Hàn Quốc.

Trong các thể loại vốn linh hoạt hơn về thói quen thưởng thức như múa, các màn trình diễn nhập vai đã trở nên phổ biến. Đoàn múa Argentina Fuerza Bruta, nổi tiếng với việc biến toàn bộ không gian thành sân khấu biểu diễn, sẽ quay trở lại Hàn Quốc lần thứ sáu kể từ năm 2013. Vở diễn mới nhất của họ, Aven, sẽ mời khán giả di chuyển cùng các nghệ sĩ trong không gian biểu diễn.

″Red Cliff″ kết hợp giữa múa hiện đại và pansori (hát kể chuyện truyền thống Hàn Quốc) để kể câu chuyện về ba vị anh hùng của Tam Quốc (57 TCN-668 SCN). [SÂN KHẤU JEONGDONG]
″Red Cliff″ kết hợp giữa múa hiện đại và pansori để kể câu chuyện về ba vị anh hùng - Ảnh: Sân khấu Jeongdong

Vở Decadance do Nhà hát Ballet Seoul trình diễn gần đây cũng có sự tham gia của khán giả. Trong một phân đoạn, một khán giả được mời lên sân khấu nhảy cùng các vũ công chuyên nghiệp. “Tôi không biết nhảy, nhưng một khi bước lên sân khấu, tôi thấy mình chuyển động một cách rất tự nhiên"- khán giả này chia sẻ sau buổi diễn.

Trong kịch nói, tính tương tác được thể hiện qua cách thay đổi phần kết. Vở kịch dài tập Shear Madness, hiện đang công diễn tại Daehak-ro, quận Jongno, trung tâm Seoul, thay đổi nội dung dựa trên phản ứng của khán giả. Vở diễn cho phép họ tham gia vào quá trình phá án giả định. Cái kết mỗi buổi diễn sẽ khác nhau tùy vào phán đoán và tương tác của khán giả với diễn viên.

“Văn hóa xem nhạc kịch và kịch nói ở Hàn Quốc xưa nay vốn rất cứng nhắc. Việc xuất hiện nhiều hình thức đa dạng hơn, tôn vinh tính cộng đồng trong thưởng thức sân khấu là một tín hiệu tích cực”, giáo sư Won Jong-won, chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và truyền thông tại Đại học Soonchunhyang nhận định.

Thảo Nguyên (theo Koreajoongangdaily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI