Phương Mỹ Chi và những bản bolero “già” nửa thế kỷ

12/12/2021 - 14:09

PNO - Nữ ca sĩ mang đến màu sắc mới mẻ cho các ca khúc, khiến nỗi buồn nhẹ tênh, man mác nhưng vẫn len sâu vào cảm xúc của người nghe.

Bolero lâu phai (viết trại đi của từ lofi) là dự án làm mới những ca khúc bolero kinh điển của Phương Mỹ Chi. Hiện có 3 ca khúc tuổi đời hơn nửa thế kỷ đã được cô giới thiệu là Hồn trinh nữ, Lẻ bóng, Nỗi buồn gác trọ. Ở tuổi 18, giọng hát của Phương Mỹ Chi tình, kỹ thuật hơn. Sự trải nghiệm ít nhiều cũng giúp nữ ca sĩ cảm thụ được những ca khúc chất chứa nhiều nỗi niềm, đã sống với khán giả nhiều thập niên này.

Hình ảnh Phương Mỹ Chi trong sản phẩm Hồn trinh nữ
Hình ảnh Phương Mỹ Chi trong sản phẩm Hồn trinh nữ

Phương Mỹ Chi mở đầu seires với Hồn trinh nữ, sáng tác của Trịnh Lâm Ngân (tên gọi chung của 3 nhạc sĩ Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân), dựa trên bài thơ Viếng hồn trinh nữ của thi sĩ Nguyễn Bính (được in lần đầu trong tập thơ Lỡ bước sang ngang, xuất bản năm 1940). Thập niên 70, Hồn trinh nữ đã phổ biến trong làng nhạc. 

Bản thu nổi tiếng nhất thời điểm đó có thể kể đến như của ca sĩ Dạ Hương, Thanh Thúy. Bản phối do ca sĩ Dạ Hương thể hiện có tiết tấu nhanh, dồn dập nhưng vẫn da diết nhờ sự phối hợp độc đáo của tiếng trống, sáo cùng giọng hát vang vọng, nhẹ nhàng. Giọng ca liêu trai của Thanh Thúy lại được thể hiện trên nền bản phối chậm, vang rền, gợi cảm giác u buồn. 

Hồn trinh nữ từng được sử dụng 1 đoạn trong tuồng cải lương nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ là Lan và Điệp. Hầu như không ai không rơi nước mắt khi những giai điệu này vang lên, xót thương cho một kiếp người lận đận, đau khổ. Sau này, Hồn trinh nữ gắn với tên tuổi của ca sĩ Như Quỳnh, qua bản phối rất độc đáo, kết hợp tiếng mõ nghe da diết, não nề. 

Vẫn giữ lấy nỗi buồn của tác phẩm nhưng Phương Mỹ chi thể hiện tâm sự ấy nhẹ nhàng hơn. Cô như người kể chuyện quá khứ cho khán giả nghe. Phương Mỹ Chi phô diễn giọng hát tình cảm, chín chắn hơn nhờ bản phối không quá cầu kỳ, đủ dẫn dắt cảm xúc của khán giả. Đoạn điệp khúc, nữ ca sĩ xử lý mới lạ hơn nhờ cách ngắt chữ, nhịp khác biệt với tiền bối, cũng như những đoạn lơi chữ nhẹ nhàng, hát như không, hát như thì thầm kể chuyện.

Chất giọng trong trẻo của Phương Mỹ Chi hòa hợp với tinh thần của tác phẩm này, mang đến sự nhẹ nhàng nhưng da diết, khôn nguôi.

* Hồn trinh nữ - Phương Mỹ Chi:

Lẻ bóng của nhạc sĩ Lê Dinh, Anh Bằng cũng nổi tiếng từ đầu thập niên 70, qua loạt giọng hát đình đám thời bấy giờ như: Thanh Thúy, Giao Linh, Băng Châu, Phương Dung... Trong đó, thành công nhất là bản thu của ca sĩ Thanh Thúy. 

Phương Mỹ Chi tiếp tục phát huy thế mạnh ở chất giọng trong, vang kết hợp cùng những giai điệu chậm, hiện đại tạo nên phiên bản mới cho ca khúc này. Cô tách chữ khá độc đáo, hoặc nhấn nhá bằng việc lên cao bất ngờ.

Phương Mỹ Chi hát Lẻ bóng
Phương Mỹ Chi mang hình ảnh cổ điển, nhẹ nhàng trong Lẻ bóng

Phương Mỹ Chi tâm sự rằng cô mạo hiểm vì dám phá cách, đổi mới trong cách hát lẫn cách hòa âm với chất liệu lofi. Nhưng nữ ca sĩ tự tin vào khả năng và tâm tư có thể chinh phục được Lẻ bóng, mong khán giả cũng có thể cảm nhận được điều đó.

“Khi thực hiện, tôi nghĩ mình cần tiếp nối nuôi dưỡng ca khúc này theo cách của mình, để khán giả thế hệ sau như tôi, nhất là các bạn trẻ sẽ phần nào cảm nhận được hồi ức về những cuộn băng, những chiếc đĩa ngày xưa”, nữ ca sĩ nói.

* Lẻ bóng - Phương Mỹ Chi:

Nỗi buồn gác trọ do nhạc sĩ Hoài Linh, Mạnh Phát sáng tác vào đầu thập niên 60. Đến nay, ca khúc này đã được hàng chục giọng ca nổi tiếng thể hiện. Trong đó, thành công nhất không thể không nhắc đến ca sĩ Phương Dung. Bà thu âm nhạc phẩm này năm 16 tuổi. Sáng tác cũng đưa tên tuổi Phương Dung trở thành ngôi sao thời điểm đó. 

Nỗi buồn gác trọ được sáng tác theo điệu habanera. Bản phối cho ca sĩ Phương Dung có tiết tấu nhanh, hơi sôi động, nhưng nội dung ca khúc lại thể hiện nỗi buồn. Phương Mỹ Chi làm mới với bản phối chậm, nhẹ nhàng. 

* Nỗi buồn gác trọ - Phương Mỹ Chi:

Hiện, các sản phẩm của Phương Mỹ Chi đều được khản giả đón nhận nồng nhiệt với hàng trăm ngàn lượt nghe trên YouTube, được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Khán giả Lê Sơn Phúc viết: “Cách phối nhạc đến giọng hát càng nghe càng hay, nghe lần đầu thấy đơn giản lần hai lần ba càng ngày càng thấm”.

Một khán giả lớn tuổi bình luận trên mạng xã hội: “Tôi nghe Hồn trinh nữ lần đầu trong tuồng Lan và Điệp, đến nay đã ngót nghét nửa thế kỷ. Nay nghe cháu hát lại thấy bài hát mới mẻ hẳn, nhưng vẫn rất xúc động”.

Khán giả Huỳnh Phước Thành chia sẻ sau khi nghe Lẻ bóng của Phương Mỹ Chi: “Phá cách nhưng không phá nát, nhẹ nhàng và sâu lắng, đưa nhạc bolero đến với giới trẻ một cách mới lạ, một cách để giữ vững sự phát triển của âm nhạc Việt Nam”.

“Một cách làm mới thật hợp với thị hiếu trẻ ngày nay. Nói chung đây là một trải nghiệm âm nhạc rất mới đối với  người trẻ như mình khi nghe những ca khúc bất hủ như thế này”, khán giả Dolly Thu nhận xét.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI