Phim kỳ ảo, giả tưởng Việt: Đi mãi chưa thành đường

25/09/2019 - 07:20

PNO - Với thực tế phim Việt còn hạn chế ở khâu kịch bản như hiện nay, thì việc theo đuổi những câu chuyện mang màu sắc kỳ ảo là điều vô cùng phiêu lưu.

Phim Việt chứa những tình tiết đậm chất kỳ ảo, giả tưởng (fantasy) dù đã xuất hiện cách đây hơn chục năm, nhưng để nâng lên hẳn thành một thể loại thì vẫn chưa. Tất cả chỉ mới dừng lại ở việc thêm thắt những yếu tố đó như một thứ “gia vị” lạ cho những thể loại quen thuộc như kinh dị, tâm lý, tình cảm…

Điểm xuyết là chính

Vừa qua, đoàn phim Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp (CHP Entertainment sản xuất, đạo diễn Luk Vân) đã có buổi “khoe phim” (showcase) giới thiệu những hình ảnh đầu tiên về tác phẩm ngôn tình này. Điểm đáng chú ý trong bộ phim sắp ra rạp vào ngày 4/10 tới, là nội dung mang màu sắc giả tưởng xuyên không, kể về mối tình ngàn kiếp giữa Mai - một cô gái thời hiện đại, và Nhật - một chàng trai sống vào thời nhà Trần. Trong phim, bối cảnh xã hội đương đại khéo léo đan xen thời phong kiến, tạo nên một bộ phim cổ trang - hiện đại lạ mắt.

Phim ky ao, gia tuong Viet:  Di mai chua thanh duong
Phim Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp chứa nhiều yếu tố kỳ ảo, giả tưởng như một cách làm mới cho mô-típ tình yêu nam - nữ đã cũ trên màn ảnh

Một tuần trước đó, đoàn phim Pháp sư mù (ra mắt vào ngày 8/11) cũng có buổi “khoe phim” tương tự, với những đoạn trích hé lộ câu chuyện thế giới tâm linh bí ẩn, cùng những tình tiết mang tính hư ảo về bùa chú, phép thuật. Nếu Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp dùng yếu tố siêu thực như một cách làm mới mô-típ tình yêu quen thuộc, thì Pháp sư mù lại tận dụng yếu tố này như một phương thức qua cửa kiểm duyệt. Ngay từ những cảnh đầu phim, dòng chữ “Tất cả những gì xảy ra trên phim chỉ là giả tưởng” như một “lá bùa” để Hội đồng duyệt khỏi bắt bẻ, còn khán giả không phải thắc mắc những gì diễn ra trên phim liệu có thật và logic không?

Mười mấy năm trước, các nhà làm phim thương mại đã thử sức với chất giả tưởng trong bộ phim Hồn Trương Ba da hàng thịt (2006), Nụ hôn thần chết (2008), Giải cứu thần chết (2009). Ý tưởng táo bạo, mới mẻ, hài huớc, cùng những cảnh quay kỳ ảo đã giúp những bộ phim tết này đạt doanh thu khả quan. Sau thành công đó, điện ảnh Việt mỗi năm đều đặn trình làng một, hai phim hơi hướm giả tưởng, thường là chuyện liên quan đến tâm linh, thỉnh thoảng pha thêm chút khoa học.

Tuy vậy, màu sắc giả tưởng trong các phim chỉ dừng lại ở tính điểm xuyết, chủ yếu để gây cười (Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu, Hồn papa da con gái, Người lạ ơi), tăng thêm chất kỳ bí (Bóng ma học đường, Lời nguyền huyết ngải, Cậu chủ ma ca rồng) hoặc chỉ để tăng tính bay bổng cho các pha hành động (Lửa Phật, Siêu nhân X, Tấm Cám: Chuyện chưa kể), chứ chưa đủ sức nâng lên thành một thể loại riêng biệt như hài, tình cảm, kinh dị, hành động…

Mạo hiểm cao, thành công thấp

Làm phim kỳ ảo, giả tưởng không thể thiếu những cảnh quay kỹ xảo tốn kém. Điều này khiến các nhà làm phim e ngại khi muốn đầu tư một tác phẩm thuần giả tưởng. Nhà sản xuất Quỳnh Chi chia sẻ: “Dòng phim này không chỉ tốn tiền mà còn tốn thời gian, vì xử lý các cảnh kỹ xảo rất lâu. So với những phim tôi đã làm trước đây, Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp tốn kinh phí gấp đôi”.

Tương tự, nhà sản xuất Hồng Tú cho biết: “Ban đầu dự tính kỹ xảo có 700 shot, nhưng quay xong đã thành 1.000 shot, kinh phí cho phần này chiếm hết 1/3 trong con số ước tính từ 17-20 tỷ đồng”. Những bộ phim có yếu tố giả tưởng khi ra rạp đều khiến người ta không khỏi giật mình về độ chịu chơi của nhà đầu tư. Lửa Phật, Tấm Cám: Chuyện chưa kể hay Người bất tử đều tiêu tốn một triệu đô la trở lên. 

Thông thường, rủi ro cao đi kèm thành công lớn, nhưng trong làm phim, điều này là không hẳn. Những phim mang hơi hướm giả tưởng thời kỳ đầu như Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết thắng lớn về doanh thu (một phần cũng nhờ chiếu dịp tết), nhưng những phim về sau không được may mắn như vậy, trừ Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Lý do khi mới xuất hiện, phần kỹ xảo trong những phim này khiến khán giả háo hức đón chờ, nhưng khi sự mới lạ đó qua đi, người xem không còn bận tâm đến những cảnh quay “ảo tung chảo” ấy nữa, mà chuyển hướng vào nội dung câu chuyện. 

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng làm Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Siêu nhân X chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của phim giả tưởng là thuyết phục khán giả tin vào những gì biên kịch tưởng tượng. Hạn chế của những phim Việt có yếu tố này thường là làm không tới về đời sống nhân vật cũng như cảnh trí”.

Thật khó tìm thấy sự thuyết phục từ những ý tưởng quá bay bổng, nhưng chả có mục đích gì khác ngoài việc chọc cười nhạt nhẽo, kiểu một nhà khoa học bị biến thành con chó (phim Hoán đổi thân xác), hay chuyện một cô gái từ sao Kim đến trái đất, vừa gặp một chàng trai đã đòi động phòng để bản thân được tăng “level” trên vũ trụ (phim Người lạ ơi).

Một số phim ý tưởng “phăng” có vẻ thú vị, nhưng đường dây câu chuyện càng tiến triển càng có lỗ hổng, như tình huống trung tướng De Bray đã hiểu rõ khả năng đáng gờm ở người bất tử Hùng qua hai lần bắt hụt hắn, vậy mà đến lần thứ ba truy bắt cũng chỉ dẫn theo vài chục tên lính gác và một mũi thuốc mê (phim Người bất tử), hay chuyện hai nhân vật Đức Cường và Huy Long được miêu tả là ma cà rồng hùng mạnh, nhưng suốt phim, khán giả chỉ thấy hai anh chàng này đi loanh quanh trong biệt thự với phong thái cố tỏ ra lạnh lùng (phim Cậu chủ ma cà rồng)... 

Rõ ràng phim giả tưởng có lợi thế là rộng đất cho biên kịch thả trí tưởng tượng bay cao, nhưng với thực tế phim Việt còn hạn chế ở khâu kịch bản như hiện nay, thì việc theo đuổi những câu chuyện mang màu sắc kỳ ảo là điều vô cùng phiêu lưu. Và thành công đếm trên đầu ngón tay của những phim có yếu tố giả tưởng cũng cho thấy lối làm phim thể loại này, dù đã đi, nhưng sẽ khó mà thành đường. 

Hương Nhu

đã dùng hiệu ứng, nhưng không ai nhận ra


Nói đến phim kỳ ảo giả tưởng, dù muốn dù không, công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI) cũng là điều kiện cần để nhà sản xuất có được những tác phẩm ưng ý. Tuy nhiên, chắc chắn CGI còn là một “con dao hai lưỡi”. Bởi dù chi phí có lớn đến mức nào, để tạo ra các hiệu ứng đặc biệt, nhưng lại kém duyên, thì chẳng những không làm khán giả “đã đời”, mà chính CGI sẽ phá hủy một bộ phim giả tưởng. 

E.T. The Extra-Terrestrial là một trong những tác phẩm kinh điển sử dụng CGI từ khi nó còn rất thô sơ. Đạo diễn thiên tài Steven Spielberg đã giới thiệu cho cả thế giới biết câu chuyện một người ngoài hành tinh trên chiếc xe đạp bay vào năm 1982. Bên cạnh những cảnh quay sử dụng hiệu ứng rõ ràng, có một điều đã được thay đổi trên phim so với bản quay gốc. Ít ai biết rằng đạo diễn đã “biên tập” lại hình ảnh ban đầu khi cảnh sát chĩa súng vào bọn trẻ. Spielberg đã dùng kỹ thuật số bấy giờ để xóa đi khẩu súng, và thay vào đó bằng chiếc máy bộ đàm. Đây là điều chỉnh được coi là đã xóa bỏ một thực tế khủng khiếp, giúp ý tứ phim vô cùng liền mạch.

Phần lớn khi xem Harry Potter, chúng ta đều cảm nhận những kỹ xảo tuyệt vời. Nhưng trong Harry Potter And The Half-Blood Prince, nhìn cụ Dumbledore trút bỏ suy nghĩ khỏi đầu bằng một cây đũa thần, khán giả phải tự hỏi loại chất lỏng sền sệt được sử dụng trên phim là gì? Hóa ra, hình ảnh ấy được chèn vào bằng CGI làm người xem ớn lạnh nhưng vẫn “sạch sẽ”. Thế giới đẹp đẽ trong phim Bridge To Terabithia được tạo ra bởi hai nhân vật chính, Jess và Maybelle, và hầu hết sẽ không thực hiện được nếu không có hiệu ứng đặc biệt. Khi khán giả trông thấy hai nhân vật chính hiện ra trong thế giới Terabithia khổng lồ, không ai biết rằng họ không hề có mặt trong phân đoạn đó. Chính CGI đã tạo ra họ với mục đích để cảnh quay trông có vẻ thực hơn.

Chúng ta ai cũng mong nhìn thấy các anh hùng thời thơ ấu trong những bộ phim Disney được thể hiện trên màn ảnh bởi các diễn viên người thật. CGI đã giúp chúng ta điều đó. Cô bé Lọ Lem Cinderella là một điển hình. Các hiệu ứng đặc biệt không quá “nhiệt tình” và mọi thứ đều rất đáng tin như thể các bà tiên đang hiện diện thực sự. Người ta đã phải ngả mũ trước nhóm hiệu ứng đặc biệt của CGI vì đã làm cho chiếc giày thủy tinh vừa vặn với chân của Lọ Lem, bởi trớ trêu thay, trên bản phim gốc, chiếc giày ấy không hề vừa với bàn chân của nữ diễn viên Lily James.

Riêng đôi chân của Faun trong Pan’s Labyrinth lại thực sự là một pha chế đỉnh cao của đạo diễn Guillermo del Toro. Ông “cho phép” diễn viên điều khiển chân của quái nhân bằng chân của chính mình. Và trong phần hậu kỳ, CGI đã được sử dụng để loại bỏ chân của nam diễn viên ra. Đó là lý do tại sao các chuyển động của Faun trên màn ảnh rất liền mạch và tự nhiên. 

An An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI