Phản biện xã hội cần được… lĩnh hội

26/09/2020 - 12:23

PNO - Từ tháng 3/2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM đã phối hợp với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức nhiều hội nghị lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đóng góp cho dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp tư nhân 

Bà Lương Bạch Vân - Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM - cho rằng, phát huy vai trò các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp ở nước ngoài với doanh nghiệp trong nước là điều cần thiết.

“Công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng đã mở ra triển vọng và cơ hội cho lớp trẻ đi du học và lựa chọn làm việc ở các nước. Mặc dù chưa phải là lực lượng tích lũy nhiều kinh nghiệm nhưng đây sẽ là nguồn lực khởi nghiệp đầy tiềm năng cần được quan tâm, khai thác” - bà Vân nhận định.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM gặp gỡ lắng nghe đóng góp của đại biểu kiều bào tiêu biểu, đại diện cho các chuyên gia trí thức, doanh nhân, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài hồi đầu năm 2020
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM gặp gỡ lắng nghe đóng góp của đại biểu kiều bào tiêu biểu, đại diện cho các chuyên gia trí thức, doanh nhân, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài hồi đầu năm 2020

Ngoài ra, theo bà Vân, sự kết hợp giữa đội ngũ trí thức trong và ngoài nước sẽ giúp chính quyền xử lý tốt các vấn đề mới phát sinh trong đời sống, phản hồi các nhu cầu bức xúc trong nhân dân, đồng thời là nguồn sáng kiến, ý tưởng, giải pháp khả thi để xây dựng và phát triển TPHCM. 

Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 9 - quan tâm đến chỉ số đào tạo doanh nghiệp, lao động. Theo ông, cần áp dụng tối đa công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng trên nền tảng số trong quy trình hành chính để tránh lãng phí nguồn lực, tăng tính minh bạch của nền hành chính công: “Nhóm chỉ số cần cải thiện ngay là đất đai, tính năng động, pháp lý và an ninh trật tự, công khai quỹ đất các quận, huyện, sử dụng quỹ đất hiệu quả hơn”.

Cũng theo ông, cần xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển. Hiện kinh tế tư nhân ở Việt Nam chỉ chiếm 40% GDP, trong khi các nước khác lên đến 80%. Vì vậy, ông đề xuất, cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào một số nhóm mà Nhà nước đang độc quyền.

Tránh hình thức hóa phản biện xã hội

Đối với nhiệm vụ nâng cao chỉ số cải cách hành chính, ông Đặng Quốc Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi - đề nghị, giao cho hệ thống MTTQ lấy ý kiến khảo sát sự hài lòng của người dân. Về chỉ số môi trường kinh doanh, cần nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ để giữ chân doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý phải là “bạn đồng hành” của doanh nghiệp. Cần xây dựng tinh thần xem việc kiểm tra là để hỗ trợ, hoàn thiện doanh nghiệp chứ không phải chỉ để xử phạt.

Ông Nguyễn Kiên Cường - giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nói: “Những gì chúng tôi dạy về ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo quản lý hơn 25 năm trước, tới nay mới dần trở thành hiện thực. Có nghĩa là sự chuyển biến quá chậm”.

Theo ông, có tình trạng cán bộ trẻ có trình độ công nghệ thông tin nhưng thiếu tầm nhìn, trong khi cán bộ lớn tuổi có tầm nhìn nhưng lại thiếu trình độ về công nghệ. Do đó, theo ông Cường, ngoài xem xét quá trình đào tạo phù hợp, cần có những vị trí tham mưu để tư vấn hiệu quả về công nghệ.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - góp ý về một số hạn chế của công tác phản biện xã hội trong hệ thống MTTQ. Theo ông, cần khắc phục tính hình thức. Do phản biện xã hội còn quá hình thức nên chưa động viên được nhân dân trực tiếp tham gia.

Ủy ban MTTQ Việt Nam hiện thiếu các biện pháp chủ động, tích cực để tập hợp và phản ánh trung thực những ý kiến và nguyện vọng của nhân dân. Nhiều ý kiến phản biện gần như chỉ mang tính tham khảo, các chủ thể có thẩm quyền gần như đọc xong rồi để đấy, chậm hoặc không có sự tiếp thu hay phản hồi. Điều này đã làm giảm phần nào giá trị của những ý kiến phản biện.

“Nhiều dự án, kế hoạch đã được đưa ra để lấy ý kiến của nhân dân, nhưng đôi khi vẫn còn là hình thức cho đúng thủ tục, bởi ai phản biện thì cứ việc phản biện, còn các chủ thể được phản biện vẫn cứ làm, bất kể ý kiến phản biện đó thế nào. Đề ra một cơ chế rõ ràng về việc tiếp thu, xử lý các ý kiến phản biện là một nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay” - ông Hậu viết trong văn bản góp ý.

Luật sư Hậu cũng cho hay, cần phân định phạm vi phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Các văn bản của Đảng, Luật MTTQ Việt Nam quy định, chỉ có Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội mới có trách nhiệm phản biện xã hội. Nhưng trên thực tế, nhiều tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, báo chí đã thực hiện chức năng phản ánh, góp ý mang tính phản biện xã hội cao. Thách thức đối với phản biện xã hội của MTTQ là nếu Mặt trận né tránh thì các tổ chức xã hội khác sẽ làm.

Nếu nhận thức không đúng về phản biện xã hội thì dễ bị lợi dụng, không những không tăng sự đồng thuận mà còn gây hoài nghi, khoét thêm mâu thuẫn, bất ổn trong nhân dân.

Theo luật sư Hậu, phản biện xã hội là hoạt động đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, một số văn bản dưới luật và hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định và điều chỉnh một cách trực tiếp, toàn diện vấn đề phản biện xã hội.

Vì vậy, yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phản biện xã hội đang trở nên bức thiết. Nếu có những quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch đối với hoạt động này, nó sẽ phát huy được những mặt tích cực đối với đời sống chính trị, xã hội của đất nước. 

Cần phân loại ô nhiễm để có giải pháp hiệu quả

Nhân dân đề nghị Đảng bộ TPHCM cần phải có quan điểm rõ ràng về phát triển bền vững. Trong dự thảo chương trình giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2025, tầm nhìn 2030, cần bổ sung nội dung phân loại ô nhiễm môi trường và các tác nhân gây ô nhiễm môi trường để có nhận định đúng đắn về mỗi loại ô nhiễm, từ đó mới đề xuất được những giải pháp tối ưu cho vấn đề giảm ô nhiễm.

Trong bảy loại ô nhiễm môi trường, có bốn loại không được nhắc tới trong dự thảo là ô nhiễm phóng xạ, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm sóng điện từ và ô nhiễm ánh sáng. Cần thực hiện xử lý nghiêm và kịp thời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường rồi mới kiểm tra, xử lý.

Giáo sư - tiến sĩ Đặng Lương Mô 
Cố vấn Đại học Quốc gia TPHCM

Nam Anh

 
TIN MỚI