Nữ đạo diễn trẻ người Ý nuôi ước mơ về dòng phim tư liệu chính luận ở Việt Nam

19/06/2021 - 11:48

PNO - Chỉ sau hai tháng ở Việt Nam, Teresa Carante đã ra mắt công ty phim của mình - My Dog & I - vào tháng 3/2020. Công ty này không có văn phòng, Teresa vừa là nhân viên, cũng vừa là giám đốc.

Dụng cụ làm việc của Teresa được tối giản hết mức có thể với một công ty làm phim - thực hiện những bộ phim ngắn về trẻ em và thú cưng. Tất cả những gì cô có, chỉ là một máy quay phim, một máy ảnh và một máy tính xách tay đã cũ mòn. Từ lâu, nữ đạo diễn trẻ này đã quen với việc một mình làm hết tất cả công đoạn làm phim tư liệu ngắn. Bộ phim đầu tay của cô - I’m Coming Home (2014) cũng ra đời theo cách đó.

My Dog &I đã sản xuất hai bộ phim ngắn cho khách hàng với giá từ 300-500 USD. Teresa lập ra dự án làm phim này để tạm thời kiếm tiền trang trải cuộc sống trong lúc bị kẹt lại Việt Nam do COVID-19. 

Teresa Carante quốc tịch Ý, đến Việt Nam từ tháng 1/2020 để thăm cha và người chị đang sống tại đây. Chuyến đi kéo dài hơn một năm, trong khi Teresa chỉ dự định vài tháng rồi trở về Úc - nơi cô đang học tập và làm việc. Tình hình đại dịch hoành hành ở Úc khiến cô đạo diễn trẻ mất phương hướng với dự định phát triển nghề nghiệp, Teresa quyết định ở lại Việt Nam trước khi tìm được lời giải đáp cho mình. 

Trong một năm ở Việt Nam, Teresa cố gắng sử dụng sở trường làm phim tư liệu để thực hiện bộ phim tư liệu 10 phút về hoạt động giải cứu chó và các nỗ lực chữa trị cho các chú chó bị ngược đãi, cho Tổ chức Fight Dog Meat (Úc). Chính tổ chức này đã cung cấp cho Teresa rất nhiều báo cáo bằng hình ảnh về hoạt động thực tế giải cứu loài chó. Đây là dòng phim tư liệu Teresa theo đuổi từ lâu, ghi lại mối liên hệ giữa con người và động vật trong tự nhiên và trong gia đình. Cô quan niệm, động vật và con người luôn tương trợ nhau trong cuộc sống theo một cách tự nhiên nhất. Tuy nhiên, với ngoại hình của một người phương Tây, Teresa rất khó tiếp cận một số hiện trường tại Việt Nam. Chẳng hạn việc xông vào các lò mổ hoặc nhà hàng giết mổ chó để có những thước phim rõ nét, với cô, gần như bất khả thi.

Teresa tốt nghiệp thạc sĩ nhân học xã hội tại Úc, cô có thể nói lưu loát tiếng Anh, Tây Ban Nha ngoài tiếng mẹ đẻ là Ý. Cô cũng giao tiếp cơ bản được bằng tiếng Pháp, Nhật và Indonesia. Tuy nhiên, một năm ở Việt Nam, Teresa chưa thể học được tiếng bản xứ, điều này gây ít nhiều khó khăn cho cô khi làm phim. Vì vậy, Teresa luôn lưỡng lự về việc nên đi hay ở lại Việt Nam, bởi ngôn ngữ là một rào cản rất lớn để cô có thể hiểu người bản địa trước khi làm phim tư liệu về họ. Hơn nữa, Việt Nam không chuộng thể loại phim này, nên đất diễn của cô rất ít.

Điều thuận lợi với cô là Teresa dễ tiếp cận với những người phương Tây ở Việt Nam. Cô gặp nhiều người đồng cảnh ngộ với mình tại đây, và  thước phim tư liệu về những người Úc “mắc kẹt” tại Việt Nam vì COVID-19 ra đời, được phát trên đài ABC (Úc). 

Teresa kể: “Tôi đang biên tập một câu chuyện của những người từng đi săn voi trộm vì quá nghèo trên cao nguyên Đắk Lắk. Nay họ lại chính là người chăm sóc những chú voi. Trong họ, tình yêu thương đã hình thành qua nhiều ngày tháng chăm sóc loài động vật to lớn này. Qua những lần làm phim kể về mối quan hệ giữa con người và động vật, tôi nhận ra lâu nay động vật vẫn giúp con người tìm lại bản ngã chân thật của mình. Chỉ cần chúng ta biết lắng nghe và cảm nhận. Điều này trùng khớp với triết lý của riêng tôi, là luôn chân thật với bản thân và bảo vệ chân lý đến cùng”.

Mỗi sáng thức dậy trong căn nhà thuê ở quận Gò Vấp, TP.HCM công việc đầu tiên của Teresa không còn chỉ là chỉnh sửa phim hay kịch bản như trước kia, cô đang dấn thân vào các dự án chụp ảnh và làm phim cùng RICE Channel TV, một kênh giải trí xã hội. Song song đó, cô cũng tiếp tục biên tập các thước phim tư liệu theo phong cách chính luận mà cô vẫn làm trước giờ. Cuộc sống khó khăn không làm nữ đạo diễn độc lập này chùn bước.

Việt Nam không phải là thị trường của phim tư liệu, không có nhiều người thích xem loại phim này. Dù vậy, ký ức về  thời gian quay phim ở Đắk Lắk, hình ảnh về người dân và thiên nhiên ở đó khiến cô cảm thấy cuộc sống thật diệu kỳ. Những kỷ niệm về đêm lửa trại cùng uống rượu gạo trong rừng, với cô, thật sự vô giá. Trái tim Teresa tự nhắc nhở: “Hãy chân thật với chính mình và lắng nghe lời giải đáp đang chờ ngoài kia”. Cô chợt có một niềm tin mãnh liệt rằng, một ngày nào đó, phim tư liệu chính luận sẽ được nhân rộng ở Việt Nam, và cô sẽ là một trong những người đang đóng góp vào việc phát triển dòng phim này tại một nơi không phải quê hương mình.

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI