Nơi trao truyền giá trị nhân văn

24/02/2024 - 09:39

PNO - Nếu mỗi đứa trẻ lớn lên đều được đắm mình trong các giá trị nhân văn của lễ hội, được người lớn hướng dẫn, giảng giải các nghi lễ, phong tục của làng thì chắc chắn giá trị nhân văn của lễ hội sẽ được trao truyền và kế thừa trọn vẹn.

Từ đầu thế kỷ XX, khi viết cuốn Việt Nam phong tục, học giả Phan Kế Bính đã thống kê và nhận xét: nghỉ lễ ở châu Âu và lễ tiết ở Việt Nam là tương đương nhau. Lễ hội có lẽ là khoảng thời gian cần nghỉ ngơi trong cuộc sống, để mỗi người thoát khỏi những lo toan thường nhật, hướng đến đời sống tinh thần. Dân gian nói “đông như hội”, “vui như hội”, “nát nón xem bơi, tả tơi xem hội” phải chăng là vì thế?

Với lịch sử hơn 400 năm, hội vật làng Sình (tỉnh Thừa Thiên - Huế) luôn đề cao tinh thần thượng võ - Ảnh: Thuận Hóa
Với lịch sử hơn 400 năm, hội vật làng Sình (tỉnh Thừa Thiên - Huế) luôn đề cao tinh thần thượng võ - Ảnh: Thuận Hóa

Trong bài viết Hội hè dân gian với làng quê đổi mới, cố giáo sư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh vai trò của lễ hội trong việc củng cố tinh thần cộng đồng của làng quê. Lễ hội giúp con người không chỉ thông cảm lẫn nhau mà còn cảm thông và hòa với trời đất, cảnh vật xung quanh. Đó chẳng phải là đặc trưng văn hóa làng xã của người Việt hay sao?

Phần lớn lễ hội ở nước ta diễn ra ở không gian làng, bản, phum, sóc nên mỗi lễ hội có một chủ thể khác nhau, đó chính là thiết chế xã hội của làng, bản, phum, sóc đó. 

Hơn 20 năm trước, trong lớp của học trò trường huyện chúng tôi, làng bạn nào mở hội là chúng tôi lại nhận được lời mời “về làng mình chơi hội”. Khi đó, chúng tôi chỉ nhìn thấy các gia đình chuẩn bị đón khách của cha mẹ, khách của con cái ra sao, dự lễ hội của làng như thế nào. Sau này, tôi mới nhận ra, lễ hội mang trong nó giá trị giáo dục dân làng với rất nhiều kỹ năng: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đón khách, kỹ năng gia chánh, kỹ năng tham gia vào tập thể để thực hành các nghi thức… Lễ hội cũng nhắc mọi người nhớ đến công lao của tiền nhân khai lập, bảo vệ, cứu giúp dân làng.

Cụm từ “hội làng tôi” như lời nhắc nhớ, răn dạy mỗi cá nhân về tinh thần cộng đồng, sự hiểu biết về cội nguồn, truyền thống của làng xã mình. “Hội làng tôi” còn như niềm tự hào, sự khẳng định cộng đồng mình trước cộng đồng khác. 

Lễ hội vốn là hạt nhân gắn kết cộng đồng, mọi người cùng chung ước vọng. Lễ hội cũng vốn gắn với tâm thế bình an của người dự hội, bởi mục đích nguyên sơ của đi lễ hội là để lắng lại, để thanh lọc tâm hồn và gửi gắm những yêu thương, ước nguyện của bản thân vào đất trời huyền bí hay những bậc anh linh đã hòa vào hồn dân tộc.

Vậy mà những ngày đầu mùa lễ hội này, vẫn xảy ra những vụ việc như người bán nước mía ở cổng đền Trần (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) gom nước mía thừa, rửa ống hút nhựa để tiếp tục bán cho du khách; những người dân xã Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) chớp thời cơ làm xe ôm, ngăn cấm các phương tiện giao thông; nhiều mặt trái của lễ hội vẫn bị phơi bày trên các phương tiện truyền thông. Những hiện tượng này dường như đã đi lệch khỏi giá trị nhân văn cốt lõi của lễ hội.

Nhưng cũng trong mùa lễ hội này, đã lấp lánh đâu đó những sự đổi mới, văn minh, như việc bố trí các máy bán hàng tự động trong khuôn viên đền Sóc để hội Gióng bớt hàng rong; sự rực rỡ, hoành tráng, đầy hào khí của chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” trong lễ hội đền Hai Bà Trưng.

Ở lễ hội đền Cổ Loa, ban tổ chức đã ngỏ ý muốn người dự hội đóng góp ý kiến để rút kinh nghiệm cho những lần tổ chức sau; mỗi người dân Cổ Loa cũng đều nhận trách nhiệm quan sát các khu vực diễn ra lễ hội để nhanh chóng thông báo đến lực lượng giữ gìn trật tự, an ninh của lễ hội khi xảy ra lộn xộn.

Nếu mỗi đứa trẻ lớn lên đều được đắm mình trong các giá trị nhân văn của lễ hội, được người lớn hướng dẫn, giảng giải các nghi lễ, phong tục của làng thì chắc chắn giá trị nhân văn của lễ hội sẽ được trao truyền và kế thừa trọn vẹn.

Minh Tuệ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI