NHỮNG NỮ ĐẢNG VIÊN “CHÂN ĐẤT” - BÀI 1: Người tiểu thương sống chan hòa và hết lòng vì mọi người

14/10/2022 - 14:32

PNO - Họ là những người lao động bình dị, là tiểu thương, chủ nhà trọ… vốn chỉ quan tâm chuyện kinh doanh, buôn bán hằng ngày. Thế nhưng, khi bắt gặp lý tưởng và tình yêu với Đảng, họ đã không ngại dấn thân.

Người nữ tiểu thương Nguyễn Thị Thanh Diệu, 39 tuổi, được nhiều bạn hàng yêu mến nhờ có tấm lòng “lá lành đùm lá rách” và sự nhiệt thành trong mọi công việc, nhất là những việc vì cộng đồng. Đến nay chị đã có tám năm tuổi Đảng.

Phấn đấu vào Đảng theo cách của mình 

Đến chợ Nhị Thiên Đường (Q.8, TP.HCM) hỏi chị Diệu bán quần áo thì ai cũng biết. Bà mẹ hai con này đã gắn bó với chợ suốt 18 năm qua trong vai trò tiểu thương kiêm kế toán ban quản lý (BQL) chợ. 

Nói về chuyện được đứng vào hàng ngũ của Đảng, chị nói: “Thấy tôi vào Đảng, ai cũng nghĩ tôi phải phấn đấu dữ lắm. Đúng là phải phấn đấu nhưng theo cách của mình nên không thấy khó khăn. Tôi phấn đấu bằng cách làm tốt nhất nhiệm vụ được giao, lắng nghe nguyện vọng, chia sẻ khó khăn và giải quyết nhu cầu cho bà con tiểu thương cũng như tất cả những ai đang mưu sinh ở chợ”.

 

Nữ tiểu thương Nguyễn Thị Thanh Diệu (bên trái) đang giới thiệu sản phẩm cho khách
Nữ tiểu thương Nguyễn Thị Thanh Diệu (bên trái) đang giới thiệu sản phẩm cho khách

Trong cuộc sống, ngoài những lo toan của người mẹ, người vợ cho gia đình, chị Diệu chan hòa với bạn hàng và mọi tiểu thương. Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, chị một mình bám trụ tại văn phòng BQL suốt hai tháng để coi ngó chợ cũng như hỗ trợ địa phương phòng chống dịch khi cần. “Hai đứa nhỏ ngày nào cũng điện thoại dặn mẹ phải cẩn thận giữ gìn sức khỏe. Lúc đó chỉ muốn được ở ngay bên con, nhưng tôi biết, trong cơn hoạn nạn của cả thành phố, nghĩa vụ mình phải chu toàn” - chị nói về tình riêng và trách nhiệm chung. Khi dịch đi qua, thành phố bước vào “bình thường mới”, chị Diệu lại cùng với BQL hỗ trợ tiểu thương chuyển hướng kinh doanh, vay vốn, tư vấn cho bà con gặp rắc rối nhằm giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. 

Nói về cái sự nhiệt tình vì mọi người, chị nhớ lại, hồi mới “chân ướt chân ráo” đến chợ, với nghề kế toán, chị không quản ngại đỡ một tay sổ sách cho BQL. Ngoài cơ hội phát huy chuyên môn, chị còn cảm thấy hạnh phúc khi được cùng anh chị em tiểu thương lên kế hoạch quyên góp để dựng lại nhà, xây lại cầu cho đồng bào miền Tây. 

Hồi đầu tháng Chín, biết chị hay giúp người, có hai mẹ con chị kia dắt nhau đến sạp chị Diệu xin đồ mặc. Người mẹ rất tự trọng, chỉ nhận quần áo chứ không cần gì khác. “Tôi vẫn thường gom hàng tồn ở sạp chở lên Đồng Nai để một người bạn chuyên làm công tác xã hội đem tặng những người đang thiếu thốn, cho nên chuyện này khiến tôi nảy ra ý tưởng sẽ quy tụ nhiều tiểu thương hơn, trước hết là ở các ngành hàng quần áo, giày dép, đồ tiêu dùng, tập hợp đồ tồn kho để giúp những người khó khăn” - mắt chị Diệu sáng lên.

Nữ tiểu thương 39 tuổi chân thành: “Tôi vẫn là mình với tất cả những tố chất và lòng trắc ẩn. Vào Đảng rồi, tôi xác định và củng cố tất cả những việc tốt đã làm, đang làm và sắp tới sẽ làm để nỗ lực hơn nữa”.

Lấy cái tích cực để cảm hóa những tồn tại 

Cái khéo léo của một đảng viên nơi cộng đồng thương nhân luôn là sự bình dị đúng nghĩa “đầy tớ cho nhân dân”, nhưng không có nghĩa là theo đuôi quần chúng, hạ thấp trình độ nhận thức, phẩm chất chính trị, mà là luôn luôn vững vàng trên lập trường, quan điểm của Đảng và Nhà nước để trao đổi, sẻ chia với bà con. 

Năm 2017, nhân việc chị được phân công hỗ trợ giám sát công trình lắp đặt hệ thống báo cháy, máy bơm chữa cháy tại nhà lồng chợ, chị đã chủ động vận động mỗi hộ kinh doanh trang bị một bình chữa cháy ngay tại quầy sạp, ki-ốt bằng những phân tích thuyết phục về lợi ích với tiểu thương. Năm nay, cùng với tinh thần phục hồi kinh tế sau dịch, chị Diệu lại tiếp tục vận động bà con tiểu thương niêm yết giá cả trên từng mặt hàng kinh doanh để cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Ngoài tuyên truyền, nhắc nhở, chị cùng BQL thường xuyên kiểm tra, lập danh sách những hộ thực hiện theo đúng yêu cầu để nêu gương cho những hộ còn lại. “Tại sao không lấy cái tích cực để cảm hóa những vấn đề còn tồn tại!” - chị giải thích. 

Sắp tới, BQL chợ Nhị Thiên Đường sẽ sắp xếp lại quầy sạp đang bỏ trống theo phương án “cho mượn sạp để kinh doanh” nhằm bảo đảm khai thác hết công năng quầy sạp, lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông và không để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường… Phương án này còn nhằm giúp đỡ và hỗ trợ giảm bớt khó khăn ban đầu cho những tiểu thương muốn vào chợ để kinh doanh đúng ngành hàng. Để chuẩn bị cho việc tiếp nhận tiểu thương hiện đang kinh doanh tự phát trên các tuyến đường Bông Sao, Hoàng Minh Đạo, Bùi Minh Trực, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Nhị Thiên Đường kiểm tra những quầy sạp hiện đang để trống có vị trí thuận lợi, có thể kinh doanh, để đưa bà con vào sạp kinh doanh ổn định cuộc sống.

Phương án “cho mượn sạp để kinh doanh” đang nhận được sự ủng hộ của các tiểu thương cũ cũng như mới. BQL dự kiến sẽ vận động chủ sạp không lấy tiền thuê trong 30 ngày đầu; các khoản do BQL chợ thu theo quy định (gồm bảo vệ hàng hóa đêm, trật tự kinh doanh, phí chợ, vệ sinh…) cũng sẽ miễn trong 30 ngày. Tất cả ý tưởng và phương án ấy đều có sự góp ý của chị Diệu.

Chị Diệu hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN P.5, Q.8, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chợ Nhị Thiên Đường. 

Quốc Ngọc 

Bài 2: 13 năm bồi đắp tình yêu với Đảng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI