Vitamin khen

07/01/2017 - 06:30

PNO - Trong cuộc sống hiện đại, các nhà tâm lý từng viết không biết bao nhiêu cuốn sách về mọi vấn đề trong quan hệ vợ chồng.

Một trong những lời khuyên được nhắc đến nhiều nhất, mà dường như ai cũng biết là vợ chồng hãy chịu khó khen nhau.

Vitamin khen
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thế nhưng, chỉ một lời khen đơn giản nhưng chẳng phải ai cũng có thể dành được cho người bạn đời, hoặc biết ngợi khen đúng liều lượng, hoàn cảnh để mật ngọt thấm được vào lòng đối tượng, không bị phản tác dụng.

Giỏi giang gì ông ấy!

“Vợ chồng sống với nhau cả đời chứ có phải người dưng nước lã đâu mà cần phải lấy lòng nhau, phải nịnh với chả khen! Việc ai thì người ấy làm, nghĩa vụ thì phải lo cho tròn, sao còn phải đợi khen”. Nghĩ vậy nên không ít lần chị Thanh xa xả với chồng, thậm chí chê bai anh thẳng thừng trước mặt mọi người.

Anh Hùng, chồng chị, nào phải người không ra gì. Khi cưới chị, anh chỉ là một người thợ, nhưng đến lúc có hai mặt con, anh đã thành một cai thầu uy tín. Được vậy là nhờ tính anh kỹ lưỡng, trung thực, chịu khó học hỏi... Không chỉ thế, anh còn được tiếng trong xóm là người chồng, người cha mẫu mực, biết chăm lo cho gia đình, vợ con. Thế nhưng chẳng bao giờ nghe chị Thanh khen chồng được một lời.

“Giỏi giang gì ông ấy? Bạn bè ông ấy giờ nhà lầu, xe hơi; còn mấy mẹ con tôi chắc hết đời cũng chỉ chui trong căn nhà cấp bốn này. Mọi người cứ khen ông ấy hiền lành với chả trung thực, kỹ lưỡng... những cái ấy chỉ có tốt cho người ngoài mà thôi. Vợ con chỉ mong ông ấy khôn ngoan, lanh lợi mới được nhờ. Đàn ông gì mà an phận, lúc nào cũng lảm nhảm “biết đủ là đủ”, tôi nghe nhàm tai rồi…”.

Nghe vợ ca thán, tị nạnh với bạn bè, người quen, đôi lúc anh Hùng cũng chạnh lòng, cố nhận thêm việc, kiếm thêm tiền mang về, nhưng kiểu gì chị cũng chẳng bằng lòng, vẫn chê bai anh chỉ biết… kiếm bạc cắc, chẳng ra gì.

Mỗi khi có người biện minh là anh tuy không giỏi làm giàu nhưng biết đỡ đần vợ, dạy bảo con cái, chị quật lại ngay: “Tôi chẳng cần ông ấy làm việc đàn bà. Ông ấy cứ dốc hết sức mà kiếm tiền, để việc nhà cho tôi lo thì tốt hơn”.

Cũng… cá tính mạnh như chị Thanh, nhưng chị Hằng thì tiếp thu và nhanh chóng vận dụng những lời khuyên từ người quen và cả những bài báo đọc. Chị tin rằng, vợ chồng cũng cần khen ngợi nhau đôi chút, xem như động viên tinh thần.

Một hôm về đến nhà, thấy chồng đang hì hụi dọn dẹp cái góc phòng làm việc lúc nào cũng bừa bộn, chị thật sự vui trong bụng, muốn khen chồng nhưng vẫn giữ kiểu nói mát mẻ: “Ôi trời, không biết hôm nay chiều có mưa to không. Kiểu này chắc thành phố lại ngập nặng rồi! Chồng tôi hôm nay cũng biết dọn dẹp nữa…”.

Anh Thành đang có tâm trạng nên ngẩng lên, ngường ngượng thanh minh: “Hôm nay cơ quan cúp điện, anh về sớm chẳng biết làm gì, dọn dẹp chút cho nó gọn”. Chị được thể, “khen” tiếp: “Khiếp, anh làm em suýt nữa thì đột quỵ. Nhưng dọn rồi thì ráng giữ, đừng có mai lại xả tiếp thì cũng bằng không”.

Cái giọng nghe như chì chiết của vợ khiến anh gai cả… lỗ tai. Đang lau dọn, anh vứt toẹt cái giẻ, bỏ ra phòng khách bật ti vi lên xem, miệng lầm bầm: “Không làm cũng chửi, làm thì cũng cạnh khóe, khỏi làm cho khỏe”.

Tối, ấm ức, chị Hằng gọi điện tâm sự với cô bạn: “Cái bọn chuyên gia tâm lý rách việc, hướng dẫn là vợ chồng phải khen nhau cho nó tình cảm, động viên cho chồng có hứng thú làm việc. Vậy mà tao khen ông ấy xong lại còn cãi nhau to hơn”.

Cô bạn nghe kể chi tiết sự việc, phá lên cười: “Mày khen kiểu đó thì cãi nhau là phải rồi! Ai bảo mỉa mai, giễu cợt làm gì. Mày thấy vui vì ông ấy dọn dẹp thì nói vui, sao lại nói kiểu đó, ai mà chịu được”.

Chị Thu Hương, một cô giáo dạy văn, thì khác hẳn, luôn tự hào mình là người biết cách khen để khích lệ người đàn ông của mình. Thậm chí, cô còn sử dụng lời khen như một vũ khí để đánh bại các tình địch, vì không phải ai cũng biết cách khen đàn ông. Cô thường nói: “Cứ khen đi! Phải làm sao cho anh ấy nghĩ anh ấy là ông hoàng của mình thì anh ấy không bao giờ bỏ mình”.

Thế nhưng, những lời “có cánh” của cô lại phản tác dụng, chỉ khiến anh ta ảo tưởng về mình, cuối cùng là bỏ công việc đang làm, nhảy vào một lĩnh vực mới. Ảo tưởng cả về chuyện tình cảm với cô, anh ta đinh ninh họ là “một cặp trời sinh”.

Sau một thời gian, anh ta làm ăn thua lỗ, Hương thì ngày càng mỏi mệt khi thật lòng hiểu rõ anh chàng chẳng “ngon lành” như những gì mình ca tụng. Họ chia tay trong thất vọng ê chề, chỉ còn giữ được một chút kinh nghiệm về chuyện sử dụng quá liều “vitamin khen”!

Để lời khen thật sự là liều thuốc bổ

Không ít lần tiếp xúc với những cặp vợ chồng hạnh phúc, chúng tôi từng được nghe họ bày tỏ bí quyết của bản thân. Hoàng Vân Khánh, giám đốc thương hiệu giày Hồng Hạnh tâm sự: “Mình cũng là người mạnh mẽ, vững vàng, đâu phải yếu ớt, bất lực gì; nhưng với anh ấy, nhiều khi cứ nói quá lên một chút, khen quá lên một chút, cũng chẳng sao. Kiểu như: “Không có anh thì em biết làm sao” hay “Anh là chỗ dựa lớn nhất của mẹ con em”... Ông nào được nghe như thế mà không thích? Đàn ông vốn luôn muốn được chở che, bảo bọc cho vợ con, đâu ai thích bị xem là đồ vô dụng, bạc nhược. Cứ để anh ấy hiểu giá trị của mình mà có trách nhiệm, tự hào”.

Chia sẻ thêm về chuyện khen chồng, chị bảo, quan trọng nhất là mình phải thật sự hiểu được những gì anh ấy làm và làm tốt, những gì anh ấy cố gắng vì mình, vì gia đình. Lời khen không thể ném ra khơi khơi không cần biết chồng mình đã làm gì, đã cố gắng ra sao.

Thỉnh thoảng hãy khen chồng trước mặt mọi người. Việc đó có thể làm anh ấy có chút ngượng ngùng, nhưng thích thì chắc chắn vẫn rất thích. Khen cũng là một nghệ thuật, phải phù hợp, đúng lúc, nếu lúc nào cũng có thể khen thì lại thành giả tạo.

Song Văn     

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI