Nhớ những ngày chùi lư cho nội

21/01/2023 - 12:03

PNO - Cứ sau 23 tết nội lại huy động vài đứa cháu trai chùi lư. Không năm nào tôi vắng mặt, bởi bộ lư to nhất trên bàn thờ đặt ở nhà tôi.

Theo ký ức của tôi, từ khi lẫm chẫm biết đi tôi đã quẩn quanh chân ông vào dịp đó. Lớn dần được nội sai việc này việc nọ như đưa giẻ lau hay đem lư phơi nắng hoặc mang lư vào. Nhớ lúc 2 anh em cùng khệ nệ xách chiếc đỉnh ra phơi mà thèm muốn được tự mình chùi bông sen, chân đế, con lân, quả đào… những phần tháo ra từ bộ lư. Nội nói lư nhà tôi là lư vuông trái đào tam sư với 3 món gồm 2 chân đèn hai bên và đỉnh xông trầm có con lân trên cao, 2 quả đào treo hai bên. Tháo rời tất cả ra bộ lư có 16 chi tiết. Chùi lư theo quy trình của nội gồm các bước: lau sạch bụi, bôi dầu, phơi nắng, đánh bóng đến khi sáng loáng. Nếu có chi tiết nào chưa sáng thì phải bôi lại dầu, phơi nắng và đánh bóng lại. 

Nhìn người lớn chùi lư sáng bóng thật thích, cứ ước nội cho cầm cái nùi giẻ nhúng vào chén dầu chùi lư. Rồi cũng đến này tôi đủ “tiêu chuẩn” chùi lư, nội giao cho tôi chùi 2 cái dĩa tròn trên 2 chân đèn, đây là bộ phận dễ chùi nhất trong các bộ phận của lư. Tôi tự tin dùng giẻ chấm dầu thoa đều khắp mặt mâm. Xong, mang ra phơi nắng. Chốc chốc tôi lại sốt ruột chạy ra xem mâm nóng lên chưa, đến nổi nội phải nói chừng: “chừng nào nội kêu mới được đem vào”.

Khi nội cho đem mâm vào tôi hăm hở miết mạnh giẻ lên mặt mâm. Từng chút, từng chút, mặt mâm sáng lên. Tôi tự hào đưa nội kiểm tra để xin được chùi cái khác. Nội cười chỉ cho xem các đường tròn khắc chìm vẫn đen thui. Rìa mâm vẫn còn giống như chưa được chùi đến. Tôi lại phải bôi dầu đem phơi và đánh bóng lại. Ì à ì ạch ba lần, bốn lượt cho đến khi ai nấy chùi xong các bộ phận của mình, nội tự tay chùi lại 2 cái mâm của tôi để hoàn tất công việc. Cứ như vậy mỗi năm tôi được giao chùi những chi tiết khó hơn. Đến lúc tôi được chùi 2 trái đào và con lân thì nội mất. 

Nội mất một ngày đầu đông khi chưa đến ngày chùi lư. Năm đó, hôm anh em tôi đem lư ra chùi để chuẩn bị ăn tết, đứa nào đứa nấy rưng rưng nhớ nội. Nhớ những câu chuyện nội kể khi chùi lư. Nào là giảng nghĩa bàn thờ phải chưng bày thế nào cho đúng và ý nghĩa của nó. Nào là chuyện ngày xưa khi còn ông sơ, ông cố cứ mỗi lúc tết sắp đến là nội phải theo ông cố đến nhà chủ điền để phụ việc nhà chủ. Việc chùi lư thường được giao cho nội vì nội có tánh kỹ lưỡng. Và vì ông chủ điền đánh giá cao tính tình của nội mà nội được cho đi học trường làng cùng với con của ông ấy. Từ đó nội mới biết đọc, biết viết để sau này khi được ông cố cho đi học nghề nội nhanh tiến bộ. Những câu chuyện như lịch sử gia tộc được nội kể khi chùi lư anh em tôi nhớ mãi. Nó như lời khuyên để chúng tôi rèn luyện tính tình và siêng năng học tập. Nhưng cũng vì thế mà anh em tôi cứ nhìn bộ lư là nhớ đến nội.

Anh em tôi lớn lên có nhiều năm không thể về nhà ăn tết, chứ nói gì đến việc chùi lư. Ba đi làm xa, mẹ và các chị em gái đành phải nhờ dịch vụ, chuyện mà ông nội không thích vì sợ làm hư bộ lư của ông. Sau này tôi cũng không có thời gian để chùi bộ lư của nội năm nào. Chỉ biết giao cho tiệm chùi lư quen biết. Họ cam kết sử dụng thuốc chùi tốt không làm mòn lư, dù cũng phải dùng máy quay để chùi. Bộ lư sáng bóng hơn hẵn lúc tôi chùi. Nhưng mỗi năm khi cúng rước ông bà về ăn tết, nhìn di ảnh nội mặc áo dài khăn đóng ngồi bên bộ trường kỷ tôi vẫn lo nội không vừa ý khi tôi không tự mình chùi lư như nội đã dạy nhiều năm trước. 

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI