"Người vô hình" ở Hà Nội đã được cấp giấy khai sinh sau 30 năm tồn tại trên đời

16/03/2021 - 15:54

PNO - Trải qua nhiều năm ròng rã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, người đàn ông tại Hà Nội cuối cùng đã được cấp giấy khai sinh sau khi đã tồn tại 30 năm trên đời.

Hôm nay (16/3), anh Lê Quốc Dũng (sinh năm 1991, hiện trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) đạp xe đến trụ sở UBND phường Bồ Đề để nhận giấy khai sinh mà cơ quan này cấp cho anh.

Suốt 30 năm qua, anh Dũng sinh sống tại Hà Nội nhưng không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Bạn bè vẫn gọi vui anh là “người vô hình”.

Anh Dũng vui mừng cầm tờ giấy khai sinh sau khi đã sinh sống 30 năm tại Hà Nội
Anh Dũng vui mừng cầm tờ giấy khai sinh sau khi đã sinh sống 30 năm tại Hà Nội

Trải qua hơn 6 năm "gõ cửa" nhiều cơ quan chức năng, đến khi Bộ Tư pháp vào cuộc, vụ việc của anh mới được giải quyết dứt điểm. Kết quả chính là tờ giấy khai sinh mà anh mừng rỡ cầm trên tay.

"Hôm nay là một ngày ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Tờ giấy này có ý nghĩa rằng tôi đã tồn tại trên đời này" - anh Dũng không giấu được sự sung sướng và cho hay sẽ tiếp tục làm thủ tục để được cấp thẻ căn cước công dân và các giấy tờ pháp lý khác.

Theo lời kể, ngày 17/11/1991, khi vừa sinh được một ngày tuổi, anh Dũng bị bỏ rơi trên phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội). Anh được một gia đình đưa về nuôi dưỡng, nhưng thời điểm này họ không làm thủ tục nhận nuôi cũng như đăng ký khai sinh cho anh.

Năm 2014, sau khi người nhận nuôi anh qua đời, anh rời đi mà không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Cũng từ lúc này, anh Dũng cố gắng tìm mọi cách, đơn thư đến nhiều cơ quan khác nhau để xin cấp giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân nhưng không giải quyết được.

Theo hướng dẫn của Sở Tư pháp Hà Nội, anh Dũng tìm đến UBND phường Bồ Đề đăng ký khai sinh. UBND phường Bồ Đề yêu cầu anh có xác nhận một số thông tin khi còn cư trú tại phường Trúc Bạch và phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội).

Thế nhưng, dù đã được cả hai phường nêu trên xác nhận từng cư trú trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến năm 2009 nhưng UBND phường Bồ Đề vẫn không thể tiến hành đăng ký khai sinh cho anh Dũng. Lý do vì UBND phường này không xác định được nguồn gốc sinh ra và lớn lên của anh.

Vụ việc được báo chí phản ánh, hồi tháng 1/2021, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) - đã chỉ đạo và tham gia đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại UBND quận Long Biên.

Tại buổi làm việc, ông Khanh nhấn mạnh nguyên nhân để xảy ra vụ việc trước hết là do lỗi của bản thân đương sự và những người nuôi dưỡng. Trong suốt thời gian sinh sống tại địa phương, công dân đã không thực hiện nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, đăng ký cư trú với cơ quan đăng ký hộ tịch, cơ quan công an có thẩm quyền dẫn tới vụ việc kéo dài, khó thực hiện việc kiểm tra, xác minh làm cơ sở để giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh.

Ông Khanh đề nghị anh Dũng tự khai một bản tường trình chi tiết quá trình sinh sống, cư trú, học tập, làm việc từ trước đến nay, kèm theo thông tin đầy đủ về các cá nhân/người làm chứng có thể xác nhận những nội dung nêu trên và gửi về Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

Tiếp đó, trên cơ sở kiểm tra, xác minh của các cơ quan liên quan, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhận định có đủ cơ sở xác định anh Dũng là trẻ bị bỏ rơi, được gia đình bà K.T.M. (trú phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội; đã mất) nhận về nuôi vào năm 1991.

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị UBND phường Bồ Đề tiếp nhận hồ sơ đăng ký, sử dụng kết quả xác minh và đơn tường trình của anh Dũng để xác định nội dung đăng ký khai sinh cho anh. Khi đăng ký khai sinh, phần khai về cha mẹ để trống, dân tộc là dân tộc Kinh, quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và quê quán là TP. Hà Nội…

Đến nay, sau khi nộp tiền phí và hoàn tất thủ tục, anh Dũng đã được cán bộ UBND phường Bồ Đề trao giấy khai sinh.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI