Mang nghệ thuật dân gian ra đường đi bộ vào dịp giỗ Tổ

09/04/2019 - 08:02

PNO - Có những loại hình nghệ thuật dân gian lần đầu tiên sẽ xuất hiện tại đường đi bộ ở Festival Nghệ thuật dân gian Việt Nam lần thứ I, diễn ra từ ngày 13 - 15/4 đúng dịp giỗ Tổ Hùng Vương.

Tổng đạo diễn chương trình, NSND Vương Duy Biên nói: “Thường thì nghệ thuật dân gian ít khi được xuất hiện ở những sân khấu chính, nhà hát lớn, mà chỉ tồn tại ở làng xã, thôn bản, từ tháng này qua năm khác. Giờ đây, nghệ thuật ấy được xuất hiện ở những chỗ đông người hơn, có sự tương tác lớn, để con cháu chúng ta hiểu hơn về nền nghệ thuật dân gian đang tồn tại ở Việt Nam”.

Theo đó, không gian đường đi bộ Nguyễn Huệ được xem là nơi tương tác lý tưởng cho nghệ thuật, nhất là những loại hình nghệ thuật ngoài trời.

Mang nghe thuat dan gian ra duong di bo vao dip gio To
NSND Vương Duy Biên - Tổng đạo diễn Festival và bà Lưu Thị Hồng Diễm - Trưởng ban tổ chức Festival.

Ở đâu cũng có chung một bộ môn nghệ thuật dân gian nào đó. Bản thân chúng ta đều sống với điều đó và nó sẽ theo chúng ta từ tấm bé tới khi trưởng thành. Từ ý tưởng đó, chúng tôi biến đường đi bộ thành không gian cho Festival Nghệ thuật dân gian. Không gian này sẽ được thiết kế để các nghệ nhân thấy gần gũi với nơi mình sống và diễn xướng”, NSND Vương Duy Biên nói thêm.

Festival Nghệ thuật dân gian Việt Nam lần I là chương trình tập hợp trình diễn những bộ môn nghệ thuật dân gian với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ mọi miền đất nước Việt Nam. Trong khuôn khổ festival lần thứ I, rất khó để mang đủ tất cả loại hình của 54 dân tộc xuống phố đi bộ nên ban tổ chức sẽ lựa chọn những loại hình tiêu biểu của từng miền, tạo được sân chơi mới cho nghệ thuật dân gian xuất hiện.

Ngoài những loại hình nghệ thuật dân gian quen thuộc như múa cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử, Múa Khmer… thì lần đầu tiên, sẽ có những loại hình khác như Trò Xuân Phả (Thanh Hóa), Múa Xòe, Múa Sạp (Tây Bắc), múa bóng rỗi... xuất hiện tại festival lần này. Ban tổ chức sẽ không can thiệp vào các tiết mục của đồng bào.   

Mang nghe thuat dan gian ra duong di bo vao dip gio To
Múa bóng rỗi sẽ xuất hiện tại Festival Nghệ thuật dân gian Việt Nam lần I.

Sẽ có 5 sân khấu được đặt tại Festival. Các tiết mục diễn ra luân phiên từ sáng đến chiều để người dân có thể xem nhiều chương trình khác nhau. Mỗi tiết mục dài khoảng 25 - 30 phút/lần diễn. Trước khai mạc, sẽ có đoàn diễu hành tạo không khí lễ hội.

Bà Lưu Thị Hồng Diễm, Trưởng ban tổ chức Festival kỳ vọng lễ hội nhận được hiệu ứng tốt của dư luận cũng như sự ủng hộ của các nhà tài trợ để có thể tạo được thương hiệu festival định kỳ tại TP.HCM qua từng năm. Đây là một hoạt động bổ ích, tạo nên bảo tàng “sống” về văn hóa, nhằm “kéo trẻ em cũng như người lớn khỏi chiếc điện thoại di động” về với truyền thống, về với văn hóa dân tộc.

Qua câu chuyện múa bóng rỗi từng bị ứng xử thiếu văn minh, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên cho rằng cách nhìn nhận, đánh giá về nghệ thuật dân gian tới nay vẫn chưa có sự đồng nhất. Nếu biết và hiểu những sáng tạo của cha ông ta, sẽ biết kết nối quá khứ với hiện tại để tiến đến tương lai.

Mang nghe thuat dan gian ra duong di bo vao dip gio To
Trò diễn Xuân Phả - một trò chơi dân gian nổi tiếng của Thanh Hóa.

Trả lời câu hỏi của Báo Phụ nữ Online, chương trình dàn trải suốt 3 ngày, nội dung lại chỉ trình diễn mà không có các hoạt động khác như giao lưu, tọa đàm chuyên sâu về nghệ thuật dân gian, nói chuyện với nghệ nhân, liệu có gây cảm giác “loãng”, “cưỡi ngựa xem hoa” không, Ban tổ chức cho biết, những tọa đàm, hội thảo là công việc của các nhà chuyên môn; còn ban tổ chức là những người “hành động” và đưa những ý tưởng đi vào thực tiễn. 

Ngoài việc tái hiện không gian, cảnh quan truyền thống, hòa mình vào các trò chơi cũng như các hình thức diễn xướng nghệ thuật đặc trưng của mỗi miền, các nghệ nhân đều sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của công chúng đối với từng loại hình nghệ thuật dân gian tại từng không gian cụ thể. Bên cạnh đó, thông tin giới thiệu thêm về các bộ môn nghệ thuật bằng tiếng Việt và tiếng Anh cũng sẽ được trưng bày trước mỗi không gian diễn xướng.

Lễ hội sẽ được tổ chức đúng dịp giỗ Tổ với mục đích tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước. Không gian lễ hội sẽ trải dài khắp tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ (từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến đường Ngô Đức Kế).

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI