Làm dân vận tự nhiên như ăn cơm, uống nước hằng ngày

16/10/2020 - 08:31

PNO - Dân vận hay, dân vận khéo là cách làm dân vận tự nhiên như ăn cơm, uống nước hằng ngày và làm thường xuyên như là một nhu cầu trong cuộc sống.

Dân vận hay, dân vận khéo là cách làm dân vận tự nhiên như ăn cơm, uống nước hằng ngày và làm thường xuyên như là một nhu cầu trong cuộc sống.

Lan tỏa tinh thần “Người già vui, khỏe”

Sáng dậy sớm, tự chạy xe máy đi dạy dưỡng sinh miễn phí cho những người cao tuổi. Trưa quay về lo chợ búa, cơm nước cho con cháu. Chiều cùng các hội viên phụ nữ tham gia hoạt động từ thiện. Thời gian còn lại thì chăm chút vườn cây, nhà cửa… Nhìn vào thời gian biểu năng động ấy của bà, không ai dám nghĩ bà đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”! Bà là Trần Thị Loan, 72 tuổi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN P.Phú Mỹ (Q.7), người vẫn đang miệt mài đi gắn kết cộng đồng, chia sẻ với những mảnh đời khó khăn bằng sự quan tâm và tấm lòng nhân ái.

Bà đến đúng hẹn, với dáng vẻ rắn rỏi, hoạt bát, mái tóc trắng như cước uốn cao. Sau nụ cười ngoại giao, hiền từ, bà lấy điện thoại nhắn tin hồi âm với nhóm bạn bè trên Facebook. 

Cô Trần Thị Loan đang hướng dẫn các học viên trong lớp dưỡng sinh
Cô Trần Thị Loan đang hướng dẫn các học viên trong lớp dưỡng sinh

Bà Loan kể, năm 2001 bà về hưu thì đến năm 2003 bà tham gia lớp đào tạo huấn luyện viên thể dục dưỡng sinh, sau đó về hướng dẫn lại cho chị em. Hằng ngày, bà hướng dẫn bốn lớp tại bốn địa điểm khác nhau theo lịch trình: 5g - 5g30 tại Trường tiểu học Tạ Uyên - H.Nhà Bè, 5g30 - 6g tại chung cư Phú Mỹ, 6g - 6g30 tại chung cư Belleza, 6g30 - 7g tại chung cư Era Town Đức Khải. Học viên tại lớp dưỡng sinh của bà, người trẻ cũng đã 50 tuổi, người cao tuổi nhất ngoài 80. Mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau nhưng mục đích chung khi tham gia lớp dưỡng sinh là để tuổi già có bạn bè, tương trợ nhau trong cuộc sống.

Bà Loan nói: “Tâm lý chung ở người cao tuổi là hay nghĩ: mình già rồi, không đủ sức khỏe tham gia các hoạt động xã hội, rồi tự co mình lại. Con cháu bận rộn với cơm áo gạo tiền khiến người già càng lạc lõng, cô đơn, thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm, hay hờn giận rồi trở nên khó tính. Già mà sống vậy buồn lắm!”. Suy từ bản thân mình, bà Loan muốn làm một người cao tuổi vui vẻ, mạnh khỏe. Vì thế, bà thành lập các lớp dưỡng sinh miễn phí để những người đồng niên được khỏe mạnh, được kết nối đùm bọc với nhau, cùng nhau tham gia các hoạt động để lan tỏa tinh thần tương thân tương ái tới những người già, để ai cũng được “bận rộn”, sống một cuộc sống có ý nghĩa.

Bà Tôn Thị Nguyệt, 74 tuổi, ngụ tại H.Nhà Bè là một trong rất nhiều người cao tuổi cảm thấy cuộc đời được thay đổi kể từ khi tham gia lớp dưỡng sinh của bà Loan. Hoàn cảnh của bà Nguyệt rất éo le, có tới ba cháu trai bị bệnh tâm thần, khiến bà vướng bận vào những nỗi lo, cuộc sống như bức tranh màu xám. Những khi bí bách, bà Nguyệt hay ra đường đi bộ để tìm sự khuây khỏa. Biết được chuyện ấy, bà Loan đã gọi điện thoại thuyết phục bà Nguyệt tham gia sân chơi dưỡng sinh của mình, tránh ra ngoài đường, xe cộ nguy hiểm. 

Tham gia sân chơi, mọi người đóng góp quỹ để dành cho các hoạt động thiện nguyện, nhưng kiên quyết từ chối sự đóng góp của bà Nguyệt và những thành viên có hoàn cảnh khó khăn. Vài ngày không thấy bà Nguyệt đi tập là bà Loan lại gọi điện hỏi han, động viên đến lớp. Bà Nguyệt bị bệnh, cả lớp đến nhà thăm. Nhờ mọi người hết lòng nên bà Nguyệt cũng có chỗ trải lòng, giúp vơi bớt lo âu, phiền muộn, cuộc sống tuổi già trở nên ấm áp.

Tuy nhiên, sự “gắn kết cộng đồng” của bà Loan không chỉ ở bốn lớp thể dục dưỡng sinh mà còn ở rất nhiều hoạt động khác. Bà nhiệt tình ủng hộ việc chăm lo những phụ nữ khó khăn, thường xuyên cùng câu lạc bộ Thể dục dưỡng sinh tổ chức các chuyến thiện nguyện đến trại phong, làng mù và các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi; nấu ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo ở bệnh viện Ung bướu; vận động mọi người tham gia phong trào đi bộ để làm từ thiện...

Thông qua cách sống của mình, bà Loan đã và đang truyền đến mọi người thông điệp: “Hãy là một người già mạnh khỏe, vui vẻ và có ích!”. 

Thanh Huyền

Khuấy động để lôi kéo chị em

Chị Lâm Thị Kiều Trang - cán bộ Hội LHPN H.Củ Chi - nhớ lại: “Vào thời điểm năm 2015, Hội LHPN H.Củ Chi là đơn vị dẫn đầu cụm thi đua các huyện ngoại thành. Đây cũng là năm đầu tiên chị Lê Thị Phương Hồ làm Chủ tịch Hội LHPN H.Củ Chi”. Chị Lê Thị Phương Hồ chia sẻ: “Đạt được kết quả ấy là nhờ sức mạnh của sự đoàn kết của cả tập thể cán bộ hội viên phụ nữ”. 

Ngay khi được chị em tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN H.Củ Chi, chị Phương Hồ ý thức được mình đang gánh một trọng trách lớn là tập hợp các tầng lớp phụ nữ thành một khối thống nhất. Do vậy, chị đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho công tác Hội.

Chị Lê Thị Phương Hồ trò chuyện với hội viên
Chị Lê Thị Phương Hồ trò chuyện với hội viên

Nhưng việc tập hợp chị em đến và gắn bó lâu dài với Hội là không dễ. Sau khi suy nghĩ thấu đáo, chị gợi ý chị em cán bộ Hội: không tập hợp được vào ban ngày thì mời chị em tham gia sinh hoạt vào buổi tối hoặc các ngày cuối tuần. Thêm nữa, trong các buổi sinh hoạt tại các chi tổ Hội, chị em cán bộ huyện hội đều xuống tham dự. Riêng mình, chị Phương Hồ luôn chọn đi những địa bàn xa. Đây là cơ hội để chị tiếp cận, nắm bắt tâm tư, tình cảm của chị em, tìm cách xây dựng các hoạt động phù hợp với thực tiễn. Tỷ lệ tập hợp phụ nữ nhờ vậy đã lên từng năm, đến nay các cơ sở Hội tại Củ Chi có tỷ lệ tập hợp hội viên trên 50%.

Chị em cán bộ, hội viên phụ nữ tại H.Củ Chi đều thừa nhận: chị Phương Hồ có tài điều hành, dẫn dắt và khuấy động phong trào. Nhờ vậy mà các hoạt động Hội ở huyện đã thu hút đông đảo chị em tham gia. Điển hình là ngày hội “Phụ nữ vì cộng đồng” mới đây đã thu hút cả ngàn chị em vào các hoạt động vệ sinh đường phố, thăm và tặng quà cho phụ nữ nghèo, người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Các ngày hội như Nữ tu làm công tác xã hội - từ thiện, Thương nhân làm công tác xã hội - từ thiện; Đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo… do quận hội làm “chủ xị” cũng nhận được sự góp sức của nhiều giới phụ nữ. 

Ngoài ra, bằng sự gần gũi, gắn kết với chị em, chị Phương Hồ đã cùng địa phương vận động 282 hộ dân tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, hiến gần 25.000m2 đất làm đường, xây dựng nông thôn mới.

Thiên Ân

 

Trăn trở với những phận đời

Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi - Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP.HCM - sinh trưởng tại vùng “đất thép Củ Chi”. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học An ninh nhân dân, chị làm trinh sát mười năm rồi chuyển về Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thuộc Công an thành phố.

Đến năm 2014, chị Hồng Tươi bén duyên với công tác Hội, từ đó đã đặt chân đến nhiều bản làng, thôn xóm xa xôi trong cả nước, mang theo quà và học bổng trao tặng bà con và các em học sinh nghèo. Trong những chuyến đi, dù trời mưa hay nắng, đường đi sình lầy hay bằng phẳng, chị luôn là người tiên phong. Đến với bà con, chị có thể ngồi hàng giờ nghe chuyện đời, chuyện mưu sinh để tìm ra hướng giúp đỡ lâu dài. 

Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi trao học bổng cho các em  học sinh vượt khó học tốt
Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi trao học bổng cho các em học sinh vượt khó học tốt

Tại TP.HCM, từ năm 2016, chị cùng chị em trong Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Công an TP.HCM mạnh dạn đưa ra ý tưởng, lên kế hoạch phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thực hiện công trình “Cấp thẻ căn cước công dân cho người có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP.HCM”. Theo đó, những người già neo đơn, bệnh tật sẽ được công an đến tận nhà giúp làm căn cước. 

Ngoài ra, chị Hồng Tươi còn vận động anh chị em cán bộ, chiến sĩ và Mạnh Thường Quân chung tay góp thêm nhu yếu phẩm, ngư cụ, bồn chứa nước để tặng những hoàn cảnh khó khăn. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, đã có gần 4.000 lượt người được hỗ trợ cấp, đổi căn cước công dân mới theo phương thức trên, đồng nghĩa với ngần ấy cảnh đời khó khăn được chị Tươi cùng các chiến sĩ công an chung tay chia sẻ… 

Thảo Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI