Khu nhà trọ hùn nhau nấu bánh chưng

30/01/2022 - 16:13

PNO - Năm nay mấy mẹ con không về quê nhưng gia đình vẫn ấm cúng với những cuộc gọi, những hướng dẫn từ xa của bà để con cháu ở quê biết cách cúng kiếng, thắp hương nguyện cầu năm mới bình an, phát đạt.

Bà Nguyễn Thị Bích và cháu nội Phan Thị Anh Thư cắm hoa đào, trang hoàng căn trọ chuẩn bị đón xuân
Bà Nguyễn Thị Bích và cháu nội Phan Thị Anh Thư cắm hoa đào, trang hoàng căn trọ chuẩn bị đón xuân

Dừng xe máy ở chốt đèn đỏ, chợt thấy “cô gái Sài Gòn đi tải… củi” ngộ ngộ, nhiều người hỏi “chở củi chi vậy?”, “giờ người ta toàn nấu bằng điện, bằng gas, cây củi hầu như tuyệt chủng rồi”. 

“Cô gái” ấy nhìn sang tươi cười, đáp gọn: “Chở củi để cả khu trọ nấu bánh chưng tết”. Mọi người ồ lên, rồi chưa kịp hỏi câu thứ hai, đèn xanh đã bật, mỗi người rẽ một hướng mà nghe hương vị mùa xuân len nhẹ vào hồn.

“Cô gái Sài Gòn đi tải… củi” ấy có cái tên mộc mạc Nguyễn Thị Bích, làm trong ngành chăm sóc cây xanh đô thị, tuổi U60, đã lên chức bà. Xuân này, do dịch bệnh và đơn vị bà làm phải phục vụ suốt tết nên bà không về quê Bảo Lộc, Lâm Đồng. Bà cùng con trai, con dâu, cháu nội ăn tết tại căn trọ ở P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM. 

Hỏi ra mới biết các căn trọ bên cạnh cũng không về quê, bà liền rủ rê: “Hay là hùn nhau nấu bánh chưng cho vui” và được hàng xóm nhiệt liệt hưởng ứng. Ngặt nỗi hàng xóm chẳng ai rành cách gói. Bà đã trải qua “năm mươi mấy nồi bánh chưng”, lại thường gói bánh phụ chùa nên tự “ứng cử” làm chủ trì. Từ rằm tháng Chạp, khu trọ đã phân công nhà nào mua nếp, đậu; nhà nào mua thịt; nhà nào mua lá chuối, lá dong, dây lạt… Với 18kg nguyên liệu, kiếm đâu ra nồi để nấu? May thay, khu trọ đã mượn được nồi của một nhà bán bắp luộc. 

Củi là những nhánh cây khô bà Bích xin từ công ty cũ, chở về phơi ở cái sân hình chữ U giữa các căn trọ, bên hai chậu bông giấy bén hơi xuân đã rực rỡ sắc hồng. Nơi đây sắp sửa nổi lửa nấu bánh ngày giáp tết, nơi đây là tâm điểm háo hức của người lớn và các bé. Bọn trẻ cứ bám mẹ, bám bà hỏi đã gần tới ngày nấu bánh chưa. “Nấu bánh chưng cho tụi nhỏ có kỷ niệm tuổi thơ, cho người lớn đỡ chạnh lòng nhớ quê. Dân tứ xứ với nhau, cùng là công nhân, cùng cảnh nghèo nên thăm hỏi, qua lại khi khó khăn, bệnh hoạn hay lễ tết lại càng quý. Được chủ nhà trọ cảm thông, quan tâm tạo điều kiện vui tết, mọi người cùng khu trọ thêm gắn bó, thắt chặt tình cảm như những người thân” - bà Bích chia sẻ.

Ba năm trước, bên nồi bánh chưng bập bùng ở khu trọ cũ, bà đã cùng các con cháu và các gia đình phòng trọ cạnh bên chuyện trò rôm rả đủ chuyện trên đời. Ký ức tết xưa lại ùa về với những câu chuyện buồn vui. Chuyện anh kia nấu bánh chưng mà ngủ quên không châm nước khiến nồi bánh khét lẹt, chỉ ăn được lớp trên và có mùi lạ lạ không giấu vào đâu được. Hay như nhà nọ nấu nồi bánh gần chín mà bị trộm khiêng mất, bất ngờ và buồn quá, tức quá nên bật khóc; các nhà bên cạnh thấy vậy góp lại cho, vô tình nạn nhân trở nên “giàu” bánh chưng nhất xóm. Đông đúc, vui vầy nhưng có khi không gian bánh chưng cũng rưng rưng những chuyện đời… 

Nhắc đến bánh chưng, bà Bích lại nhớ bố mẹ, nhớ cái thời còn là bé con ở làng quê Nghệ An trông chờ tết để được mặc áo mới, được ăn bắp nướng, khoai lang thơm lừng nướng trong mớ than hồng của nồi bánh to kềnh. Bên những cái bánh chưng lớn còn có những cái bánh nhỏ xíu chỉ cần nước sôi lên, trở bánh một lần là chín liền để kịp đáp ứng cơn thèm của lũ trẻ. Nhưng có khi cô bé Bích nằm chờ trên cái chiếu bố đã trải cạnh khu nấu bánh nghe người lớn kể chuyện rồi ngủ lúc nào không hay… 

Bố là thầy giáo, năm nào cũng có nhiều học sinh không về quê ăn tết nên nồi bánh của bố cứ thế mà nở ra. Các công đoạn làm bánh đúng là “vui như tết” khi các cô cậu xúm lại thành một dây chuyền khép kín. Người đưa lạt, người gấp lá, người gói, người cho vào nồi, người tiếp củi vào lò… 

Năm nay mấy mẹ con không về quê nhưng gia đình vẫn ấm cúng với những cuộc gọi, những hướng dẫn từ xa của bà để con cháu ở quê biết cách cúng kiếng, thắp hương nguyện cầu năm mới bình an, phát đạt. Ăn tết ở nhà trọ Sài Gòn, trang hoàng phòng trọ, tranh thủ dắt nhau du xuân ngắm đường hoa và đặc biệt là hàn huyên bên lửa ấm nồi bánh chưng sẽ là trải nghiệm đáng nhớ của bà và gia đình… 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI