Khổ như giáo viên bình chọn sách

11/04/2022 - 06:32

PNO - Giữa lúc các thầy cô giáo đang dồn sức ôn luyện cho học trò, chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ II thì lại bị chất cho thêm cái gánh: bình chọn sách giáo khoa cho năm học mới.

Ngợp với phiếu đánh giá

Với việc mỗi bộ sách hiện nay hơn chục cuốn thì để đánh giá hết tất cả các bộ sách, mỗi giáo viên sẽ phải điền hơn 50 tờ phiếu. Chỉ riêng việc ghi ngày tháng, ký tên, đánh dấu kiểm (đạt, khá, tốt) vào ô ý kiến cũng có thể đã mất cả ngày hoặc ít cũng là một buổi, chưa kể việc phải viết thêm nhận xét về ưu, khuyết điểm của từng cuốn sách. Khi mỗi thầy cô giáo hoàn thành phần đánh giá của mình và nộp về cho tổ trưởng bộ môn thì nỗi khổ sẽ tăng lên nhiều lần khi thầy, cô tổ trưởng sẽ phải xem hết đống phiếu ấy, tổng hợp đánh giá để báo cáo lên cấp trên.

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Đ., giáo viên tiểu học tại quận Gò Vấp, nói: “Để đánh giá một cuốn sách thì giáo viên phải đọc. Không phải là đọc lướt qua mà phải nghiền ngẫm xem liệu cuốn sách đó trình bày hợp lý chưa, phân bổ bài học ra sao, phù hợp với năng lực học sinh không, có thuận lợi cho thầy và trò trong quá trình giảng dạy - học tập? Đó chắc chắn không thể là việc một vài ngày hay vài buổi là xong”. Đánh giá cuốn sách môn mình dạy còn đỡ, theo cô Đ., khổ hơn nữa là phải đánh giá những cuốn ngoài chuyên môn của mình. Giáo viên toán sẽ đánh giá gì về sách âm nhạc, mỹ thuật, lịch sử - địa lý? Giáo viên Anh văn liệu có biết về phần mềm Logo của môn tin học để cho ý kiến nhận xét?

Với hàng chục cuốn sách giáo khoa các môn, thầy cô giáo sẽ cần bao nhiêu thời gian để nghiên cứu từng cuốn và cho đánh giá hay sẽ chỉ làm qua loa? (ảnh minh họa)
Với hàng chục cuốn sách giáo khoa các môn, thầy cô giáo sẽ cần bao nhiêu thời gian để nghiên cứu từng cuốn và cho đánh giá hay sẽ chỉ làm qua loa? (ảnh minh họa)

Trong bối cảnh bình thường mới - thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch, các thầy cô giáo ngoài chuyện lo giảng dạy theo chương trình còn phải dành thời gian ôn lại kiến thức bị hổng cho học sinh trong những ngày tháng học online, vừa phải lo phòng, chống dịch và vô số công việc chuyên môn tại trường thì việc phải dành thời gian đọc và nghiền ngẫm hàng chục cuốn sách, phải nói thẳng, là điều bất khả.

Khi việc bình chọn sách trở thành nhiệm vụ phải hoàn thành, khó tránh việc thầy cô giáo sẽ làm qua loa cho xong, bởi dù có muốn thực hiện nghiêm túc cũng khó làm được khi họ không đủ chuyên môn lẫn thời gian. Đương nhiên, với một kết quả bình chọn qua loa, chất lượng những cuốn sách được chọn để dạy cho học sinh sẽ khó mà đảm bảo các tiêu chí như khoa học, hiện đại, dễ tiếp thu… Ngoài ra, một việc tưởng nhỏ nhưng lớn là số lượng cả chục phiếu bình chọn nhân với số giáo viên phải thực hiện đánh giá sẽ là một khoản tiền không hề nhỏ lẽ ra có thể tiết kiệm.

Liệu có cách làm khác?

Luật Giáo dục 2019 quy định rõ: “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Nghĩa là thẩm quyền quyết định chọn sử dụng bộ sách giáo khoa nào để giảng dạy thuộc về UBND cấp tỉnh. Trách nhiệm tham mưu cho UBND ra quyết định chọn sách đương nhiên thuộc về Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) địa phương. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở GD-ĐT hoàn toàn có thể tổ chức một hội đồng thẩm định sách giáo khoa gồm các chuyên gia về giáo dục học, các thầy cô giáo nhiều kinh nghiệm, giỏi chuyên môn để đánh giá sách theo đúng chuyên môn và chịu trách nhiệm cho từng nội dung đánh giá của mình.

Lập một hội đồng chọn sách cũng là tiết kiệm thời gian, công sức cho hàng trăm ngàn thầy cô giáo hiện đang căng mình với những nhiệm vụ thường xuyên tại trường, tránh những bình chọn kiểu đối phó cho xong. Ngoài ra, còn là chi phí in ấn, nhân sự tổng hợp, báo cáo…

“Một chương trình, nhiều bộ sách” là một chủ trương đúng, cho phép các tỉnh, thành có thể chọn lựa bộ sách phù hợp với đặc trưng phát triển của địa phương mình, năng lực học sinh của mình. Việc đánh giá, bình chọn các bộ sách trước khi quyết định cũng là việc làm cần thiết để đảm bảo mục tiêu giáo dục, vì lợi ích của học sinh. Song ngành giáo dục cần nghiên cứu cách làm khoa học, hiệu quả thiết thực. Những giáo viên dạy giỏi môn toán sẽ có thể chọn chính xác cuốn sách toán cho năm học mới hơn là tất cả thầy cô giáo ở tất cả bộ môn. Với kết quả từ hội đồng chọn sách uy tín gồm những giáo viên giỏi và các chuyên gia, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu cho UBND chọn tài liệu chính xác và mang tính khả thi cao. 

Trong buổi họp phụ huynh trước khi trẻ lớp 6 trở lại trường, giáo viên chủ nhiệm (dạy toán) lớp con của người viết đã nhờ phụ huynh thường xuyên theo dõi việc học của các con. Thầy nói: “Sách toán rất khó. Tôi đi dạy nhiều năm rồi còn thấy khó huống chi các con”. Ai đã chọn cuốn sách “rất khó” ấy cho học sinh? Tất cả các thầy cô giáo - nghĩa là không ai cả.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI