Khi âm nhạc kể chuyện bảo tồn

17/01/2023 - 08:28

PNO - Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối khán giả với thế giới tự nhiên xung quanh, truyền tải thông điệp về việc thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Kế nối cảm xúc với thiên nhiên 

Anthony Albrecht - đồng sáng lập Bowerbird Collective, một tập thể chuyên sản xuất các tác phẩm đa phương tiện kể những câu chuyện về môi trường nhằm mục đích tăng cường kết nối cảm xúc với thế giới tự nhiên - cho biết: “Chúng tôi đam mê âm nhạc và có lẽ chúng tôi cũng yêu thiên nhiên không kém”. 

Nhạc sĩ kiêm nhà địa lý học Alex Paullin - người sáng lập tổ chức Conservation Music - ẢNH: INTERNET
Nhạc sĩ kiêm nhà địa lý học Alex Paullin - người sáng lập tổ chức Conservation Music - Ảnh Internet

Bowerbird Collective đã sản xuất nhạc nền cho tập Our Country (tạm dịch: Thiên nhiên diệu kỳ) của kênh Australian Geographic (kênh chính thức của tạp chí Địa lý Úc). Our Country được 25 nhà quay phim lịch sử tự nhiên chuyên nghiệp quay, khám phá những cảnh quan thiên nhiên của Úc, từ rừng nhiệt đới, đại dương và sa mạc, tôn vinh sự hùng vĩ và đa dạng của những nơi hoang dã; trình chiếu trên các màn hình khổ lớn, mang đến trải nghiệm ấn tượng, thú vị. Âm nhạc đi kèm rất mạnh mẽ và hỗ trợ đắc lực cho khung cảnh tự nhiên như nước chảy róc rách trên đá, những chú gấu túi lạo xạo trong tuyết hay những cơn bão hoành hành trên bầu trời.  

Bản chất khiêm tốn nhưng đầy uy lực trong các giai điệu Bowerbird Collective mang đến khiến âm nhạc trở nên hoàn toàn phù hợp với bộ phim. Những âm thanh tuyệt diệu của đàn cello và violon được kết hợp xuyên suốt Our Country trong những đoạn chuyển cảnh giữa các môi trường sống khác nhau ở Úc, đưa khán giả vào một hành trình khám phá thiên nhiên ngoạn mục.  

Âm nhạc của Bowerbird Collective mang đậm màu sắc tự nhiên đến mức có hẳn một dự án mang tên Songs of Disappearance (tạm dịch: Bài hát về sự biến mất) nói về thực trạng của các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm tiếng hót của 53 loài chim có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất ở Úc. Album nằm ở vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng ARIA, vượt qua Taylor Swift,  ABBA và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác vào đầu năm nay. “Ước mơ của chúng tôi là trở thành những người sáng tạo tích cực, biến những câu chuyện bảo tồn thành buổi biểu diễn trực tiếp và những trải nghiệm hấp dẫn, tăng cường kết nối cảm xúc với thiên nhiên” - Anthony nói.

Simone - đồng sáng lập Bowerbird Collective - hy vọng rằng sự kết nối này sẽ truyền cảm hứng cho mọi người, cả trong nước và quốc tế, để bảo vệ các kỳ quan thiên nhiên của Úc.

Karina Holden - người từng 3 lần đoạt giải Emmy và là nhà sản xuất của Our Country - cho biết: “Hình ảnh trong Our Country sẽ khiến bạn choáng ngợp, cùng với âm thanh sẽ khiến bạn thêm say đắm trong sự choáng ngợp đó”.

James Sakala (trái) và Theresa N’gambi - hai trong số các nghệ sĩ sáng tác bài hát Samalilani - ẢNH: CONSERVATION MUSIC
James Sakala (trái) và Theresa N’gambi - hai trong số các nghệ sĩ sáng tác bài hát Samalilani - Ảnh: Conservation Music 

Kêu gọi bảo vệ môi trường bằng tiếng hát 

Nhiều năm trước, gia đình Maureen Lupo Lilanda (Zambia) thường đến thăm vùng nông thôn vào dịp cuối tuần. Khi quay về, họ mang theo nhiều loại trái cây và rau quả tươi xanh. “Lúc đó, mọi thứ đều phong phú, nhưng bây giờ, khi chúng tôi trở lại thì không có gì để thu hoạch” - Lilanda nói. 

Hệ thống thủy lợi ở Zambia rất lạc hậu, hầu như không đáp ứng được việc canh tác nông nghiệp. Trong nhiều thập niên, người dân nơi đây chỉ dựa vào nguồn nước mưa để trồng trọt. Lilanda ước tính trong 20 năm qua, số lượng những cơn mưa đã giảm dần.

Lilanda là ca sĩ có giọng hát đặc trưng ở Zambia và một lượng lớn người theo dõi. Thời niên thiếu, cô nổi tiếng và được chú ý khi hát những ca khúc về bảo tồn thế giới tự nhiên. Giờ đây, cô là một trong số ngày càng nhiều ca sĩ ở miền nam và miền đông châu Phi sử dụng âm nhạc để truyền tải thông điệp về việc thích nghi và ngăn chặn biến đổi khí hậu. Cô đã cùng một số nhạc sĩ nổi tiếng người Zambia (Theresa N'gambi, James Sakala, Pompi và Shaps Mutambo) sáng tác bài hát Samalilani (tiếng Anh có nghĩa là bảo tồn). “Nếu bài hát giống như một sản phẩm quảng cáo, mọi người chắc chắn sẽ không đón nhận. Bài hát càng chân thực càng dễ chạm đến cảm xúc của người nghe và đó là thách thức lớn nhất khi sáng tác ca khúc Samalilani” - Sakala chia sẻ. 

Lilanda nói với tờ Nation Lifestyle rằng ý tưởng ban đầu của bài hát Samalilani do Theresa N'gambi viết với sự hỗ trợ của Conservation Music - một tổ chức âm nhạc đang thực hiện sứ mệnh phát đi tín hiệu cảnh báo về các vấn đề biến đổi khí hậu. “Vì vậy, họ mời tôi tham gia dự án và tôi đã có mặt trong video âm nhạc này" - cô nói.

Video mở đầu bằng một cảnh quay với những hình ảnh đầy nhức nhối. Đó là hình ảnh phần còn lại của một gốc cây bị cháy; lòng sông khô cằn; một bức tường lửa cắt xuyên qua một khu rừng xanh tốt. 

Lời bài hát đề cập đến một số vấn đề môi trường cấp bách mà Zambia đang phải đối mặt như nạn phá rừng và đốt than, riêng phần điệp khúc kêu gọi người nghe chung tay bảo vệ rừng và động vật hoang dã.

Tại Zambia, Lilanda có kế hoạch tiếp tục sử dụng tiếng nói của mình để lan tỏa phong trào trồng lại rừng. Cô cũng muốn viết các bài hát cho trẻ em để truyền cảm hứng về sự tôn trọng đối với môi trường tự nhiên. Sakala còn có kế hoạch tiếp tục viết về các vấn đề môi trường Zambia đang phải đối mặt, thậm chí còn dành album thứ hai của mình cho chủ đề này.

“Âm nhạc là một công cụ cảm xúc. Nó đi thẳng vào trái tim mỗi người” - Sakala nói.

Âm nhạc có thể thay đổi thế giới 

Nhà thám hiểm địa lý quốc gia Alex Paullin đã đi khắp châu Phi với tổ chức phi lợi nhuận của mình - Conservation Music - trong 3 năm (2017-2019) để tổ chức các hội thảo và tập hợp các cộng đồng nhằm tạo ra những bài hát về bảo vệ môi trường. 

Simone Slattery chơi violon và Anthony Albrecht chơi cello tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập công viên quốc gia Flinders Chase (Úc) vào tháng 10/2019 - ẢNH: THE ISLANDER
Simone Slattery chơi violon và Anthony Albrecht chơi cello tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập công viên quốc gia Flinders Chase (Úc) vào tháng 10/2019 - Ảnh: The Islander . Cây violon của Simone Slattery (đồng sáng lập Bowerbird Collective) được sản xuất tại Paris vào năm 1726 và cây đàn cello của Anthony được sản xuất tại London vào năm 1740. Cả hai đều là những nhạc cụ cổ được bảo quản cẩn thận.

Vừa là nhà địa lý vừa là nhạc sĩ, Paullin đã được truyền cảm hứng để thành lập Conservation Music sau chuyến thăm đồng bằng sông Okavango của Botswana - nơi được cho là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên vĩ đại cuối cùng của châu Phi.

Vào tháng 3/2018, Paullin và nhóm của anh đã khởi động sáng kiến mới nhất mang tên K2K. Các thành viên của nhóm đã thực hiện chuyến hành trình từ Cape Town (thủ đô của Nam Phi) đến Kilimanjaro (Tanzania). Trong khoảng thời gian 13 tháng, ở mỗi khu vực, họ dành 1 tháng để lên ý tưởng thu âm 1 bài hát truyền đi thông điệp về các vấn đề môi trường mà khu vực đó đang đối mặt. “Chúng tôi chưa từng gặp một cộng đồng nào mà mọi người ở đó không ca hát và nhảy múa” - Paullin nói.

Tháng 8/2018, nhóm của Paullin đã hợp tác với một nhóm người Zambia để sáng tác ca khúc Sons of October (tạm dịch: Những đứa con của tháng Mười) lấy cảm hứng từ nhạc reggae (một thể loại âm nhạc có nguồn gốc từ Jamaica vào cuối năm 1960) về những hiểm họa của biến đổi khí hậu. Thông qua hình ảnh phong trào đấu tranh giành độc lập, giải phóng đất nước vào tháng 10/1964 của Zambia, bài hát kêu gọi người dân Zambia đoàn kết để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. 

Chương trình K2K của Conservation Music kết thúc vào tháng 3/2019 sau khi truyền bá âm nhạc qua Nam Phi, Lesotho, Zimbabwe, Zambia, Swaziland, Botswana và Tanzania.

“Tôi rất vui khi thu hút càng nhiều người càng tốt với ý tưởng rằng âm nhạc có thể thay đổi thế giới” - Paullin nói.

Thuỵ Ngọc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI