Giúp phụ huynh xử trí khi trẻ bị xâm hại tình dục

30/05/2016 - 23:10

PNO - Sáng 27/5, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề Phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em...

Sáng 27/5, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề Phòng, chống xâm hại tình dục (XHTD) phụ nữ và trẻ em cho hơn 100 nữ cán bộ, hội viên (HV) Hội Người mù TP.HCM. Vấn đề được nhiều HV đặt ra là làm cách nào giúp trẻ nhận dạng XHTD? Khi trẻ bị XHTD, phụ huynh (PH) cần nhờ cơ quan, đơn vị nào giúp đỡ?

Chị Lê Thị Phúc (SN 1972, HV Hội Người mù Q.6) chia sẻ: “Đề cập đến vấn đề giới tính với con là chuyện khá nhạy cảm. Tôi nghĩ, chỉ cần dặn cháu ra ngoài đừng nghe lời người lạ, không đi với người lạ thôi, những vấn đề khác cứ từ từ cháu lớn sẽ hiểu. Tuy nhiên, bây giờ khác với thời chúng tôi ngày xưa, các cháu tiếp cận công nghệ thông tin rất sớm, có nhiều chuyện tò mò hơn nên đôi khi cha mẹ cũng khó giải thích cặn kẽ những thắc mắc của con”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng, báo cáo viên tại hội nghị, cho rằng, thực tế nhiều PH thường ngại đề cập trực tiếp những vấn đề liên quan đến tình dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung và sức khỏe tình dục nói riêng. Điều này vô tình làm cho trẻ thiếu thông tin và kỹ năng tự bảo vệ. Để giúp trẻ nhận dạng XHTD cũng như bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị XHTD, điều cốt lõi là PH cần gần gũi lắng nghe con, thay vì né tránh giáo dục giới tính cho con một cách khoa học hoặc nghiêm trọng hóa vấn đề khiến trẻ sợ hãi.

Giup phu huynh xu tri khi tre bi xam hai tinh duc
ThS Nguyễn Thị Toàn Thắng chia sẻ với chị em cách thức giúp trẻ nhận dạng XHTD

Học sinh lớp 4, 5 là lứa tuổi nên biết về giới tính, vì đây là giai đoạn các em tiến gần đến tuổi dậy thì, bắt đầu quan tâm nhiều hơn về những chuyện liên quan đến giới tính và tính dục. Để dạy kỹ năng cho trẻ ở độ tuổi này, cần giúp trẻ biết phân biệt đâu là những va chạm an toàn và không an toàn, “quy tắc đồ lót” với vùng cơ thể riêng tư mà trẻ cần bảo vệ, cách thức nhận diện kẻ có ý đồ xâm hại trẻ, cách giúp trẻ đối phó và tự bảo vệ mình… Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, trẻ bị XHTD còn có thể hoảng loạn tinh thần và bị ám ảnh suốt đời, nên PH cần kiểm tra bộ phận sinh dục của con, nếu phát hiện vết xước, bầm tím hoặc sưng thì nhẹ nhàng lựa lời hỏi con nguyên nhân.

Nếu phát hiện con bị XHTD, PH cần đưa con đến trung tâm y tế khám tổn thương sản khoa, nhanh chóng trình báo cơ quan công an, Hội PN địa phương, đừng vì sợ xấu hổ, mất danh dự gia đình mà không dám lên tiếng. Nếu nghiêm trọng, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn, tìm cách xoa dịu tổn thương và ám ảnh cho trẻ. ThS Nguyễn Thị Toàn Thắng cũng nhấn mạnh, trẻ bị XHTD thường có xu hướng mặc cảm, dằn vặt và chán ghét chính mình, nên PH cần ân cần chia sẻ, tạo sự tin tưởng để trẻ kể lại sự việc; không nên nóng giận, chửi bới, đánh đập khiến trẻ thêm sợ hãi, tổn thương.

Bà Di Thị Diệu, Trưởng ban Công tác phụ nữ Hội Người mù TP.HCM cho biết, trước đây, hội cũng đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, lồng ghép vào đó là vấn đề giới tính, sức khỏe tình dục cho chị em HV. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, hội được Hội LHPN TP.HCM hỗ trợ một chuyên đề riêng về phòng, chống XHTD phụ nữ, trẻ em. “Tôi hy vọng, trong thời gian tới, Hội LHPN TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình hướng dẫn kỹ năng phòng, chống XHTD, đặc biệt là cho bé gái khiếm thị. Các bé vốn thiệt thòi nên rất cần thông tin để biết cách bảo vệ mình và bảo vệ bạn bè khỏi những kẻ xấu” - bà Diệu nói.

Các dấu hiệu cảnh báo trẻ bị xâm hại tình dục

Mặc dù những biểu hiện dưới đây vẫn chưa chứng tỏ trẻ bị xâm hại nhưng đó là những dấu hiệu cảnh báo mà chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý:

- Thay đổi tâm trạng, trở nên thu mình, trầm cảm, cáu giận bất thường hay trở nên hung hăng.

- Bỏ nhà, đi đâu đó một thời gian.

- Học hành sa sút, bỏ học không lý do.

- Có tiền, quà tặng, điện thoại... không rõ nguồn gốc.

- Lạm dụng chất gây nghiện (bao gồm cả ma túy và rượu).

- Có các hành vi tính dục không phù hợp với lứa tuổi.

- Có hành vi hay gây rối.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI