Giữa đại dịch COVID-19, người mua nhà trả góp… thoi thóp

06/04/2020 - 12:00

PNO - Đại dịch COVID-19 khiến nhiều người mua nhà theo hình thức vay ngân hàng trả góp lâm vào cảnh lao đao, có nguy cơ bị chủ đầu tư phạt lãi suất, thanh lý hợp đồng.

Nguy cơ mất nhà vì mất nguồn thu nhập 

Giữa năm 2019, chị Nguyễn Thị Thu (Q.3, TP.HCM) mua căn hộ H3.12 dự án Eco Green trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM với giá gần 3,1 tỷ đồng. Vợ chồng chị vay ngân hàng 1 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm. Trung bình mỗi tháng, vợ chồng chị phải trả góp tiền gốc và lãi gần 16 triệu đồng. Tuy nhiên, gần hai tháng qua, vợ chồng chị vẫn chưa trả được đồng nào. Vừa qua, ngân hàng đã hoãn giải ngân thanh toán tiền căn hộ chị mua; chủ đầu tư nhiều lần gửi thư dọa xử phạt và thanh lý hợp đồng. 

“Vợ chồng tôi làm giáo viên dạy trường quốc tế, tổng thu nhập gần 40 triệu đồng/tháng hoàn toàn có khả năng chi trả cho ngân hàng. Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, trường chỉ trả cho mỗi giáo viên 3,5 triệu đồng/tháng; vợ chồng tôi tiêu xài rất tiết kiệm nhưng không còn tiền để trả ngân hàng” - chị Thu than. Hiện chị đã gửi đơn xin ngân hàng giảm, giãn nợ và vẫn đang chờ xem xét. 

Mất việc, thu nhập giảm sút do dịch COVID-19 khiến nhiều người mua nhà trả góp lao đao
Mất việc, thu nhập giảm sút do dịch COVID-19 khiến nhiều người mua nhà trả góp lao đao

Tương tự, cuối năm 2019, vợ chồng anh Nguyễn Chí Quốc (Q.7) mua căn hộ dự án Aurora trên đường Bến Bình Đông, Q.8 với giá gần 2,5 tỷ đồng. Vợ chồng anh phải vay thêm ngân hàng 1,3 tỷ đồng, lãi suất 11,45%/năm; mỗi tháng phải trả gốc và lãi gần 18 triệu đồng. Thế nhưng, gần ba tháng qua, vợ chồng anh vẫn chưa trả cho ngân hàng được đồng nào. Hậu quả, sau nhiều lần nhắc nhở, chủ đầu tư đã phát văn bản xử phạt trả chậm và đòi thanh lý hợp đồng trong tối đa 10 ngày nếu anh Quốc vẫn không đóng tiền. 

Theo anh Quốc, vợ anh làm giáo viên; từ khi dịch bệnh xảy ra, mỗi tháng chỉ còn được nhận hơn 2,7 triệu đồng tiền lương. Anh là phó giám đốc một công ty du lịch có trụ sở ở Q.3, thu nhập trước đây gần 45 triệu đồng/tháng nhưng nay chỉ còn 5 triệu đồng/tháng. Hiện tiền lương của vợ chồng anh chỉ đủ gói ghém trong sinh hoạt gia đình, không còn tiền đóng cho ngân hàng. Vừa qua, anh đã gửi thư cầu cứu nhưng ngân hàng cho biết chỉ xem xét giảm lãi suất, không giãn thanh toán hoặc cơ cấu lại nợ cho anh. 

“Phao” chưa đủ giải cứu

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các ngân hàng, nhiều khách hàng vay cá nhân mua nhà gần đây đã ồ ạt nộp hồ sơ xin hỗ trợ. Các ngân hàng cũng đã tung ra các gói hỗ trợ nhưng vẫn còn “dè xẻn”, khó giúp khách hàng vượt qua khó khăn. 

Kinh doanh đình đốn, áp lực lãi vay từ các ngân hàng khiến hàng loạt ngành hàng lao đao
Kinh doanh đình đốn, áp lực lãi vay từ các ngân hàng khiến hàng loạt ngành hàng lao đao

Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank - cho biết, trong tháng 3/2020, TPBank cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục triển khai việc này trong các tháng tới. TPBank cũng xem xét giảm lãi suất cho vay với khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân đang vay, với mức giảm từ 0,5-1% so với lãi suất trên hợp đồng, tổng dư nợ dự kiến được giảm lãi khoảng 30.000 tỷ đồng. “Ở nhóm khách hàng cá nhân vay mua nhà, chúng tôi chỉ hỗ trợ bằng cách giảm lãi trực tiếp trên hợp đồng, không hỗ trợ cơ cấu lại nợ giống như doanh nghiệp” - ông Nguyễn Hưng nói. 

Chiều 31/3, Ngân hàng Public Bank cũng thông báo sẽ hỗ trợ khách vay mua nhà, mua xe bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bằng hình thức cơ cấu lại nợ. Do quá trình xét duyệt cần thời gian nên ngân hàng đề nghị khách hàng liên hệ với ngân hàng trong thời gian sớm nhất. 

Một số ngân hàng khác cho biết, sẽ hỗ trợ khách hàng nhưng không đại trà. Theo đại diện Vietcombank, có quá nhiều khách hàng gặp khó khăn nên nếu ngân hàng không gia hạn nợ, giảm lãi suất, các khoản vay sẽ rơi vào nợ xấu. Ngân hàng phải dùng lợi nhuận để hỗ trợ rủi ro cho khoản nợ này, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh doanh.

“Trước mắt, chúng tôi quyết định không hỗ trợ đại trà mà chỉ hỗ trợ những cá nhân vay bị cách ly. Người cách ly là công chức, viên chức, công nhân lao động phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế, văn bản xác nhận giảm thu nhập; người kinh doanh nhỏ lẻ, người cho thuê nhà trọ cũng phải chứng minh hoạt động kinh doanh bị gián đoạn. Nếu chứng minh được việc bị giảm thu nhập, khách hàng sẽ được giảm lãi trực tiếp hoặc gia hạn nợ trong vòng một năm” - đại diện Vietcombank cho hay. 

Ông Phan Đình Tuệ - Phó giám đốc Sacombank - cho biết, ngân hàng đang soạn thảo quy định nội bộ liên quan đến chính sách hỗ trợ cho khách hàng cá nhân theo hướng cân nhắc từng trường hợp chứ không hỗ trợ đại trà. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Hoàng, trông chờ sự hỗ trợ từ ngân hàng là hơi khó, bởi các ngân hàng cũng là những đơn vị kinh doanh, phải cân đo đong đếm nguồn thu, chi. Vì vậy, để gỡ khó cho người vay vốn, cần có sự tiếp sức mạnh hơn từ cơ quan quản lý nhà nước bằng các gói hỗ trợ. 

Cách đây khoảng một tháng, Chính phủ đã tung gói 280.000 tỷ đồng hỗ trợ khách vay bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời gian qua, các ngân hàng đã triển khai gói này để hỗ trợ cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân vay vốn, với lãi suất giảm khoảng 2-2,5% so với lãi suất cũ. Tuy nhiên, gói này chủ yếu chỉ hỗ trợ cho đối tượng vay mới, trong khi nhu cầu vay mới lại rất ít do việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, còn khách vay cá nhân cũng không có nhu cầu vay do phải gói ghém chi tiêu. 

Giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại tại TP.HCM cho biết, thời điểm này năm ngoái, ông ký hồ sơ vay mỏi tay, nhiều nhất là nhóm khách hàng vay mua bất động sản, mua xe (cá nhân lẫn doanh nghiệp). Nhưng hiện tại, lượng khách vay sụt giảm khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm trước; lượng khách hàng tất toán khoản vay cũng nhiều hơn.

“Có người bán nhà, bán xe, bán xưởng hoặc mượn người thân để tất toán khoản vay nhằm giảm bớt áp lực trả nợ trong giai đoạn này và thời gian tới” - vị giám đốc này chia sẻ. 

Thanh Hoa - Hùng Phan 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI