Giải trí trực tuyến sau gần hai năm COVID-19 xuất hiện: Các nền tảng trong nước nhập cuộc, chạy đua

11/06/2021 - 11:31

PNO - Gần hai năm dịch COVID-19 xuất hiện, nhu cầu giải trí và hoạt động nghệ thuật trong nước cũng đã có những thay đổi nhất định. Riêng đối với nền tảng/dịch vụ giải trí trực tuyến, các đơn vị cũng đã có khoảng thời gian hai năm với nhiều thuận lợi, lẫn khó khăn trong cuộc chạy đua giành thị phần.

Cơ hội còn hấp dẫn

Không riêng Việt Nam, thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện và có những tác động đầu tiên với thế giới, giải trí trực tuyến gần như thắng thế khi các nước áp dụng lệnh giãn cách xã hội. Nhiều khán giả chuyển dần thay đổi - hay nói đúng hơn là buộc thay đổi thói quen giải trí, khi rạp chiếu, sân khấu ca nhạc, các tụ điểm nghệ thuật đóng cửa. Nhìn ở khía cạnh tích cực, dịch COVID-19 là thời “ăn nên, làm ra” của các nền tảng giải trí trực tuyến có trả phí (hay còn gọi OTT - Over The Top). 

Nhưng đó là chuyện khi dịch vừa xuất hiện, dịch vụ OTT trong nước còn mới làm quen tình hình, mới nhập cuộc. Còn hiện tại, đã gần hai năm COVID-19 tác động đến ngành giải trí trong nước, các OTT cũng đủ thời gian nhận thấy điểm thuận lợi cũng như thách thức mà thời cuộc mang lại, để có những chiến lược phát triển phù hợp. Trong đó, số lượng người dùng tăng mạnh là điểm sáng đầu tiên được các OTT tổng kết lại.

Nhiều phim hấp dẫn được giới thiệu trong mục Xem gì mùa cách ly của FPT Play
Nhiều phim hấp dẫn được giới thiệu trong mục "Xem gì mùa cách ly" của FPT Play

“Với sự tác động của dịch COVID-19 vừa qua, số khán giả xem phim trên Galaxy Play tăng năm lần so với bình thường, và số lượng người dùng mới cũng tăng lên gấp năm lần. Không chỉ các phim Việt chiếu rạp, phim hành động Hollywood được ưa chuộng, mà các thể loại phim gia đình, phim thiếu nhi cũng được quan tâm”, đại diện Galaxy Play cho biết.

FPT Play thống kê: “Trong nửa năm 2021, ứng dụng FPT Play liên tiếp vào Top app of the week (ứng dụng có lượt tải về nhiều nhất tuần) trên App Store tại Việt Nam. Theo Q&Me (dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam - PV), FPT Play đang dẫn đầu cả về lượng người biết đến (70%), lượng người tiếp cận với dịch vụ (39%) và lượng thuê bao trả tiền hiện tại (22%)”. 

Ngoài Galaxy Play và FPT Play, VieON, POPS, Danet… là các ứng dụng OTT trong nước có lượng người truy cập tăng trong thời điểm dịch bệnh. Người dùng đổ lên mạng không chỉ vì có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, mà còn vì sự kém hấp dẫn của các gameshow, cuộc thi âm nhạc trên truyền hình. Khán giả truyền hình đang thiếu các format chương trình hấp dẫn, bùng nổ được như Rap Việt trong năm 2020.

Đại diện một nền tảng giải trí trực tuyến cho biết dịch COVID-19 là cơ hội để các ứng dụng OTT gia tăng lượng người dùng. Tuy nhiên, nếu chỉ xét ở mặt thuận lợi thì chưa đủ bao quát, bởi nhiều đơn vị phải đối diện với một số vấn đề như việc giãn cách xã hội ảnh hưởng quá trình sản xuất các chương trình độc quyền, việc mua bản quyền phim nước ngoài gặp khó khăn, cũng như biện pháp đối phó với web lậu chưa tối ưu.

Cơ trong nguy và ngược lại

Hiện tại, mỗi OTT trong nước gần như đều có sản phẩm “cộp mác” độc quyền để thu hút khán giả, như VieON là ứng dụng duy nhất phát phần ba Penthouse - series phim vạch trần thế giới hôn nhân nổi tiếng hàng đầu Hàn Quốc. Tập đầu tiên lên sóng đã có hơn 6,5 triệu lượt xem (tính đến sáng 10/6), đây là con số ấn tượng. 

Phim Penhouse phần 3 đang được chú ý trên VieON.
Phim Penhouse phần 3 đang được chú ý trên VieON

Với FPT Play, có thể thấy tập đặc biệt kỷ niệm series đình đám Friends mang tên Friends: The Reunion, chiếu độc quyền trên ứng dụng (FPT Play là đơn vị mang HBO Go về Việt Nam) đã nhận được sự chú ý lớn của người hâm mộ. FPT hiện là đơn vị đẩy mạnh nội dung giáo dục học đường trên nền tảng, không chỉ tập trung giải trí đơn thuần.

Cùng với FPT, VieON, POPS cũng không nằm ngoài cuộc đua, khi ngoài thực hiện các nội dung độc quyền khám phá ẩm thực, cảnh đẹp Việt, phim và truyện tranh, ứng dụng khai thác đề tài gây chú ý. Đơn cử như đi sâu vào cuộc sống của giới con nhà giàu Việt qua series Đừng gọi tôi là #RichKid được người xem cực kỳ quan tâm. 

Riêng với Galaxy Play, đơn vị đổ vốn lớn vào việc tăng cường nội dung giải trí mới lạ cho khán giả. Đại diện đơn vị nói mỗi tháng đều tự sản xuất phim độc quyền (Galaxy original). “Trong thời gian qua, chúng tôi đã tự sản xuất và phát hành chín bộ Galaxy original, và dự kiến tiếp tục cho ra mắt thêm sáu phim từ giờ đến hết năm 2021”, người này nói thêm. Ngoài phim độc quyền, các phim rạp từng đạt doanh thu cao như Tiệc trăng máu, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử, Bố già đều được cập nhật trên ứng dụng sau thời gian rời rạp.

Cuộc đua tạo nội dung hấp dẫn trên các ứng dựng trực tuyến vẫn chưa dừng lại. Tuy nhiên, vấn đề lớn mà các nền tảng đang đối mặt là việc các web lậu lấy cắp nội dung. Sau khi tập đầu của Penthouse phần ba lên sóng, phim đã xuất hiện trên các web lậu. Phía Galaxy Play từng cho biết các nội dung độc quyền của đơn vị bị các web lậu dẫn về và đơn vị phải nhờ đến bộ phận “report” (báo cáo) để ngăn chặn. Đáng tiếc thay, việc này xảy ra liên tục, chưa có điểm dừng và thủ đoạn lấy cắp của các web lậu ngày càng tinh vi, khó ngăn chặn. 

Galaxy Play liên tục ra mắt các series sản xuất độc quyền.
Galaxy Play liên tục ra mắt các series sản xuất độc quyền

“Đối với các trang web nhỏ, khi phát hiện lấy cắp, đơn vị dễ dàng báo cáo để chặn hoạt động, nhưng với những trang lớn, phải cần thời gian dẫn đến việc nhiều khán giả xem ở web lậu thay vì đăng ký OTT. Để thay đổi thói quen xem miễn phí thành trả tiền, cần sự chung tay của nhiều đơn vị lẫn ý thức người xem, đây là việc không dễ thực hiện”, đại diện một đơn vị OTT có phim độc quyền hot, cho biết.

Khi dịch bệnh trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, hay cả khi được kiểm soát và cuộc sống trở lại bình thường, dịch vụ OTT vẫn duy trì được xu thế phát triển khi lượng người xem ngày càng trẻ, tiếp cận công nghệ hiện đại. Do đó, việc hạn chế điểm khó liên quan đến vấn đề bản quyền nội dung, tránh bị đánh cắp là vấn đề cấp thiết, cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đơn vị, cơ quan chức năng. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI