Doanh thu âm nhạc phát trực tuyến năm 2024 vượt mốc 20 tỉ USD

21/03/2025 - 10:30

PNO - Theo IFPI, tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp thu âm trên toàn thế giới, doanh thu âm nhạc toàn cầu đã có sự tăng trưởng liên tiếp trong 10 năm.

Trong Báo cáo âm nhạc toàn cầu 2025 của IFPI mới đây cho thấy, tổng doanh thu thương mại đạt 29,6 tỉ USD vào năm 2024, tăng 4,8%.

Hoạt động trong một thị trường cạnh tranh cao, khoản đầu tư dài hạn của các công ty thu âm vào sự nghiệp của nghệ sĩ, cùng với việc phát triển nhiều hình thức trải nghiệm thú vị cho người nghe đã tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường toàn cầu trong năm 2024.

Báo cáo
Tài liệu Báo cáo Báo cáo âm nhạc toàn cầu 2025 của IFPI

Phát trực tuyến theo đăng ký là nguồn tăng trưởng chính với mức tăng 9,5%, số người dùng tài khoản đăng ký tăng 10,6% lên 752 triệu người trên toàn cầu.

Một trong những vấn đề chính được nhấn mạnh trong báo cáo của IFPI này là vai trò của AI trong âm nhạc. Các công ty thu âm đã nắm bắt được tiềm năng của AI trong việc nâng cao khả năng sáng tạo của nghệ sĩ và phát triển những trải nghiệm mới mẻ và thú vị cho người hâm mộ. Tuy nhiên, các nhà phát triển AI “thu thập” âm nhạc được bảo vệ bản quyền để đào tạo các mô hình của họ mà không được chủ sở hữu quyền cho phép gây ra mối đe dọa rất thực tế và hiện hữu đối với nghệ thuật của con người.

Theo báo cáo của IFPI, doanh thu phát trực tuyến năm 2024 lần đầu tiên đã vượt mốc 20 tỉ USD để đạt 20,4 tỉ USD, chiếm 69,0% tổng doanh thu âm nhạc ghi âm.

Doanh thu phát trực tuyến trả phí tăng 9,5% vào năm 2024, trong khi các định dạng phát trực tuyến có quảng cáo chỉ tăng khiêm tốn hơn là 1,2%.

Định dạng vật lý có một năm đầy thách thức, với doanh thu giảm -3,1%, điều này trái ngược với hiệu suất mạnh mẽ vào năm 2023 khi doanh thu tăng vọt 14,5%. Doanh thu đĩa than tiếp tục tăng trưởng vào năm 2024, tăng 4,6%, đây là năm tăng trưởng thứ 18 liên tiếp.

Doanh thu từ biểu diễn đạt 2,9 tỉ USD vào năm 2024, tăng 5,9% với năm thứ 4 doanh thu tăng liên tiếp. Ba trong số bảy khu vực trên thế giới đạt mức tăng trưởng hai chữ số gồm Trung Đông và Bắc Phi, châu Phi cận Sahara và châu Mỹ Latinh. Trung Đông và Bắc Phi (MENA) là khu vực tăng trưởng nhanh nhất với 22,8%.

Là khu vực lớn thứ 3 trên toàn cầu, doanh thu tại châu Á tăng 1,3% vào năm 2024. Điều này trái ngược với hiệu suất mạnh mẽ vào năm 2023 trên cả định dạng vật lý và kỹ thuật số, khi doanh thu tăng vọt 14,4%. Tuy nhiên, Châu Á vẫn duy trì vị thế là thị trường vật lý lớn nhất, chiếm 45,1% doanh thu vật lý toàn cầu vào năm 2024. Do đó, sự sụt giảm về doanh thu vật lý (-4,9%) đã tác động đến tốc độ tăng trưởng chung của khu vực. Thị trường lớn thứ hai thế giới, Nhật Bản, không thay đổi so với cùng kỳ năm trước (-0,2%) do doanh thu vật lý giảm, trong khi Trung Quốc, xếp hạng thứ 5 trên toàn cầu, đã tăng doanh thu 9,6%.

Victoria Oakley, Tổng giám đốc điều hành IFPI cho biết: “Vai trò thiết yếu của âm nhạc trong cuộc sống được chứng minh bằng sự phát triển liên tục của ngành công nghiệp toàn cầu. Công nghiệp âm nhạc vẫn nhiều còn tiềm năng lớn để phát triển hơn nữa, thông qua đổi mới, sự phát triển của công nghệ mới và những kế hoạch đầu tư cho nghệ sĩ, đầu tư để phát triển hệ sinh thái âm nhạc toàn cầu”.

Những diễn biến tích cực này không đến một cách tình cờ mà là quá trình sáng tạo, tầm nhìn và nỗ lực tuyệt vời của các nghệ sĩ và nhạc sĩ trên toàn cầu. Cùng với đó là công sức, sự đầu tư và niềm đam mê của các công ty thu âm và đội ngũ nhân sự. Với các hãng thu âm, doanh thu khả quan giúp họ trở thành nhà đầu tư kiên nhẫn, lâu dài và nhất quán vào các nghệ sĩ, sự đổi mới và văn hóa.

Anh Vy (theo ifpi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI