Để nhà vệ sinh không còn là nỗi ám ảnh của học sinh

25/12/2022 - 07:10

PNO - Hiện nay, đa phần các trường học tại TPHCM đều chú trọng giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ, tuy vậy, ở một số nơi, nhà vệ sinh vẫn khiến học sinh ngán ngại bước chân vào.

“Nín thở” khi vào nhà vệ sinh

Mới đây, một học sinh Trường THCS Trường Chinh (quận Tân Bình) phản ánh đến Báo Phụ nữ TPHCM về việc nhà vệ sinh của trường cũ, bẩn. Đặc biệt, vào giờ ra chơi, khi học sinh đổ dồn đến nhà vệ sinh cùng một thời điểm thì nơi đây như... bãi chiến trường. Học sinh nào nhanh chân vào trước còn đỡ, chứ nếu chậm chân đến sau thì ám ảnh bởi nhà vệ sinh lúc đó không chỉ bẩn mà còn bốc mùi.

Trường THCS Trường Chinh (quận Tân Bình) có phòng lớp khang trang nhưng hệ thống nhà vệ sinh đã xuống cấp - ẢNH: B.M.
Trường THCS Trường Chinh (quận Tân Bình) có phòng lớp khang trang nhưng hệ thống nhà vệ sinh đã xuống cấp - Ảnh: B.M.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hệ thống nhà vệ sinh tại Trường THCS Trường Chinh đã cũ và xuống cấp. Sàn nhà, chân tường và hố ga thoát nước có nhiều cặn bẩn bám lâu ngày. Tường ở một số vị trí đã bị thấm, van xả nước chảy khá yếu.

Bà Phạm Thị Trịnh - Hiệu trưởng nhà trường - thừa nhận thời gian qua có nghe phản ánh của học sinh, phụ huynh về tình trạng nhà vệ sinh không sạch sẽ. Nguyên nhân là do hệ thống nhà vệ sinh của trường được xây dựng từ năm 2005, đến nay đã xuống cấp. Trong khi đó, số lượng học sinh đông, sáng và chiều mỗi buổi tập trung khoảng 1.000 em.

Vào những thời điểm như giờ ra chơi thì tình trạng quá tải nhà vệ sinh là không thể tránh khỏi. Do nhà vệ sinh đã quá cũ nên thoát nước chậm, ở một số vị trí mối nối còn bị rò rỉ, dễ mốc mùi, cho nên dù học sinh có ý thức thế nào thì sau mỗi giờ ra chơi đều rất bẩn. 

Nhà trường luôn chú trọng việc đảm bảo vệ sinh cho học sinh, cho nên ngoài 2 biên chế phục vụ, trường thuê thêm 2 nhân viên hợp đồng để lau dọn liên tục. Do đó, tình trạng nhà vệ sinh bẩn, hôi là có nhưng tùy thời điểm chứ không phải thường xuyên trong ngày. Theo bà Trịnh, vừa qua trường cũng có một số sửa chữa nhỏ như thay van xả nước, tuy vậy chỉ đỡ được phần nào. Hệ thống nhà vệ sinh vận hành hơn 17 năm nên muốn khắc phục triệt để thì phải xây mới. Do đó, từ năm ngoái trường đã làm hồ sơ xin UBND quận phê duyệt kinh phí sửa chữa với tổng số tiền khoảng 1,1 tỉ đồng.

Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp), học sinh phản ánh nhà vệ sinh khá cũ, sàn thường xuyên lênh láng nước, có phòng còn không có nước xả. Bà Trương Thúy Hà - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết vừa qua, trường tổ chức 2 cuộc đối thoại với học sinh thì cả hai lần đều nhận được phản ánh về nhà vệ sinh. Mỗi lần nhận được ý kiến của học sinh, nhà trường đều quan tâm và khắc phục kịp thời.

Theo bà Hà, thực tế tình trạng nhà vệ sinh bẩn là có nhưng chỉ mang tính thời điểm, vào những lúc tập trung đông người như giờ chơi hoặc sau khi ăn trưa. Nguyên nhân một phần do hệ thống nhà vệ sinh đã cũ và chật chội. Năm học này, trường đưa vào hoạt động nhà vệ sinh mới gồm 5 phòng đã giúp “chia tải” cho hệ thống cũ. Bên cạnh đó, trường yêu cầu nhân viên phục vụ lau dọn thường xuyên để giữ nhà vệ sinh sạch sẽ nhất có thể.

Một học sinh THPT ở quận 8 than rất ngán ngại nhà vệ sinh của trường bởi vừa bẩn vừa khai, không có giấy vệ sinh, thỉnh thoảng lại cúp nước bất chợt. Do đó, trừ khi quá cần thiết em mới “nín thở” đi vào nhà vệ sinh. Tuy đã học gần hết 3 năm ở đây nhưng số lần em vào nhà vệ sinh của trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Quan trọng nhất là ý thức giữ gìn

Là một trong những trường học có hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ, được ví đẹp như... khách sạn, bà Tống Thị Mai Hương - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1) - chia sẻ trường may mắn được quận quan tâm, đầu tư sửa chữa mới hệ thống nhà vệ sinh từ năm 2019. Từ đó đến nay, nhà trường đặc biệt chú trọng công tác giữ gìn, bảo trì để nhà vệ sinh suốt 3 năm lúc nào cũng sạch như mới.

Nhà vệ sinh Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1) luôn được giữ sạch đẹp - Ảnh: P.T.
Nhà vệ sinh Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1) luôn được giữ sạch đẹp - Ảnh: P.T.

Theo bà Hương, kinh nghiệm là nhà trường chú trọng xây dựng ý thức của cả đội ngũ, từ ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên đến học sinh. Lãnh đạo thường xuyên nhắc nhở trong các buổi họp để các nhân viên thấy được yêu cầu công việc, chủ động sắp xếp thời gian. Yêu cầu là nhà vệ sinh lúc nào cũng phải sạch sẽ, thơm tho. Trường phân công phục vụ phụ trách và chịu trách nhiệm cụ thể đối với từng khu vực.

Những lớp học có nhà vệ sinh trong lớp thì các cô bảo mẫu sẽ phụ trách việc giữ sạch nhà vệ sinh. Đối với giờ cao điểm ra chơi, ăn cơm, giờ học sinh thức dậy, bảo mẫu và phục vụ phải túc trực để giữ cho nền nhà vệ sinh sạch sẽ, khô ráo. Bên cạnh đó, trường tăng cường hệ thống quạt treo tường để nhà vệ sinh luôn thông thoáng, khô ráo. Mỗi buổi trưa đều có công ty chuyên nghiệp xịt rửa nhà vệ sinh trong 1,5 tiếng.

“Để giữ gìn nhà vệ sinh sạch đẹp thì việc xây dựng ý thức của học sinh rất quan trọng. Tại trường, chúng tôi sinh hoạt với các em mỗi thứ Hai đầu tuần, chụp những hình đẹp của trường để học sinh thấy khuôn viên, nhà vệ sinh của trường sạch đẹp như thế nào, từ đó nhắc nhở các con luôn giữ gìn mọi thứ sạch sẽ.

Bên cạnh đó, thầy cô cũng nói để các con biết là học sinh 7 giờ mới đến trường nhưng các cô phục vụ từ 5 giờ đã phải có mặt ở trường để dọn dẹp mọi thứ sạch sẽ tinh tươm. Nhờ vậy, các con biết trân trọng, có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh. Ngay việc mở vòi nước ra sao để không bắn tung tóe, rửa tay 6 bước như thế nào, cả cách lấy giấy vệ sinh... đều được giáo viên hướng dẫn rất tỉ mỉ cho các em” - bà Hương nói.

Ông Trần Công Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) - cũng cho rằng quan trọng nhất là người đứng đầu hiểu đúng tầm quan trọng của nhà vệ sinh. Nếu đầu tư xây nhà vệ sinh mới mà không quản lý chặt hay chăm sóc kỹ thì cũng vẫn mất vệ sinh, hư hao thiết bị. Ở trường THPT Phú Nhuận, nhà vệ sinh đa phần cũ từ 14 năm trước, nhưng luôn đảm bảo sạch sẽ. Đầu tiên là xây dựng ý thức cho học sinh. Bên cạnh đó, trường yêu cầu nhân viên phải liên tục lau dọn, khử trùng, để nến thơm, đảm bảo không có tình trạng học sinh không dám vào nhà vệ sinh vì bẩn, hôi. 

Trường cũng vận động mạnh thường quân hỗ trợ một phần chi phí vận hành nhà vệ sinh, mỗi năm tẩy rửa công nghiệp 1 lần. Đối với nhân viên lau dọn là hợp đồng ngắn hạn nên trường cũng quan tâm đến đời sống tinh thần để họ gắn bó với trường, làm việc tận tình.

Nên có biên chế nhân viên vệ sinh

Phó giáo sư, tiến sĩ Chu Văn Thăng - nguyên Trưởng bộ môn Sức khỏe môi trường Trường đại học Y Hà Nội - đánh giá, hiện nay đa phần nhà vệ sinh trường học đã được đầu tư, cải thiện tốt. Tuy vậy, tỉ lệ nhà vệ sinh trên số học sinh hiện còn thấp. Các trường cũng gặp khó khăn trong khâu vận hành nhà vệ sinh. Bởi hiện không có biên chế nhân viên vệ sinh mà thuê hợp đồng thời vụ, trong khi làm thời vụ thì không ràng buộc, nhiều người thích thì làm không thì thôi, hoặc làm ẩu.

Bên cạnh đó, nhân viên lau dọn hiện nay rất ít được hướng dẫn kỹ năng vệ sinh đúng cách. Chẳng hạn những quy tắc như vệ sinh từ cao xuống thấp, từ trong ra ngoài, chỗ nào sạch làm trước, chỗ nào bẩn làm sau... thì không phải nhân viên nào cũng biết. Nhiều nhân viên thường vệ sinh không đúng chuẩn, đổ nước lênh láng ra sàn vừa dễ bẩn, lại khiến nhà vệ sinh luôn ẩm ướt, trơn trượt...

Do đó, để giải quyết căn cơ vấn đề vận hành nhà vệ sinh thì cần xem xét biên chế nhân viên vệ sinh chuyên nghiệp cho các trường.

Nhà vệ sinh là khu vực bị chê nhất trường học

Theo kết quả khảo sát đề án đo lường chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM năm 2022 của Sở GD-ĐT TPHCM, nhà vệ sinh là khu vực nhận được điểm đánh giá thấp nhất của phụ huynh, học sinh.
Qua khảo sát, phụ huynh và học sinh hài lòng cao nhất ở môi trường giáo dục và thấp nhất ở tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đáng chú ý, trong các hạng mục về cơ sở vật chất thì tiêu chí khu vực vệ sinh an toàn, sạch sẽ, có thiết bị cơ bản có số điểm đánh giá thấp nhất.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI