Dạy kỹ năng sống cho trẻ: Đối phó với động đất, bão

05/08/2016 - 00:00

PNO - Làm thế nào để trẻ có kỹ năng ứng phó, biết cách bảo vệ mình trước những tình huống khẩn cấp do bão, động đất?

Dưới đây là lời khuyên của ông Ngô Kỳ Nam - nhà nghiên cứu giáo dục và tư vấn kỹ năng, Giám đốc công ty cổ phần Naka - Trung tâm huấn luyện kỹ năng thiết yếu Naka.

Động đất

Động đất là hiện tượng ít phổ biến ở nước ta, nhưng không phải là không có. Bên cạnh đó, nhiều gia đình thường xuyên đi du lịch nước ngoài, tới cả những vùng có nguy cơ xảy ra động đất. Vì vậy, trang bị cho trẻ kiến thức cũng như kỹ năng ứng phó với động đất là không thừa.

Trước hết, giúp trẻ nhận biết những dấu hiệu thường thấy khi sắp có động đất:

Đó là xuất hiện những luồng sáng lạ trên bầu trời. Trong giới khoa học, người ta gọi các luồng sáng ấy là “ánh sáng động đất” (Earthquake light). Ánh sáng động đất có thể kéo dài vài giây, thậm chí hàng chục phút tùy từng trường hợp.

Nếu ở gần biển, trẻ sẽ nghe tiếng “đại dương gầm gừ” trước khi động đất.

Dấu hiệu lạ từ mèo: chúng trở nên run rẩy, bồn chồn và muốn chạy ra khỏi cửa, một số khác thì cực kỳ kích động. Mèo là loài có các giác quan nhạy cảm gấp nhiều lần con người. Vì thế, chúng có thể cảm nhận được những tín hiệu báo trước động đất như sự thay đổi trong áp suất khí quyển, sự biến dạng mặt đất (thay đổi trong độ nghiêng, dốc), sự thay đổi mực nước ngầm...

Kiến đỏ “thức đêm”: Thông thường, kiến đỏ hoạt động ban ngày và tới đêm sẽ trở về tổ. Tuy nhiên nếu sắp sửa có động đất, kiến đỏ sẽ thức trắng đêm, không về tổ. Mọi thứ chỉ trở lại bình thường sau khi trận động đất qua đi. Bởi vì kiến đỏ sở hữu các thụ thể thần kinh đặc biệt giúp chúng nhận biết sự thay đổi của lượng khí gas trong lòng đất cũng như thay đổi từ trường trái đất.

Dạy trẻ cách ứng phó để thoát nạn:

Nếu đang ở nhà, đặc biệt là các chung cư cao tầng: trẻ nên chui ngay xuống gầm bàn (gầm ghế hoặc gầm giường) chắc chắn, để tránh các đồ vật rơi xuống làm bị thương. Nhắc trẻ không nên tìm cách chạy ra khỏi nhà vì không kịp (động đất xảy ra chỉ trong vài giây). Hãy dùng tay ôm lấy mặt, đầu và ngồi ở một góc nhà; tránh xa cửa kính, cửa ra vào và bất cứ vật gì có thể đổ. Nếu đang ở trên giường, hãy ở nguyên tại đó, bảo vệ đầu bằng một chiếc gối. Tuy nhiên, khi một cơn động đất mạnh qua đi, nếu trẻ ở nhà một mình, hoặc với người giúp việc, trẻ nên tìm cách đi ra xa khỏi tòa nhà để tránh dư chấn tiếp tục xảy ra. Lưu ý, nhắc trẻ không sử dụng thang máy, vì thang máy có thể mất điện.

Day ky nang song cho tre: Doi pho voi dong dat, bao
Trẻ học cách ứng phó khi động đất xảy ra

Nếu đang đi ngoài đường: Trẻ nên dừng lại, tránh xa các khu nhà cao tầng, đường điện và các công trình có thể sụp đổ. Tuyệt đối không nên chạy vào trong nhà, tránh xa các cột đèn đường hay dây điện và ở nguyên ngoài trời cho đến khi mặt đất ngừng rung.

Nếu bị mắc kẹt dưới đống đổ nát: Dạ y trẻ không bật diêm hay hộp quẹt; không di chuyển hoặc làm tung bụi lên mù mịt; che miệng bằng khăn tay hoặc một mảnh vải; gõ vào một đường ống hoặc mảnh tường để nhân viên cứu hộ có thể xác định vị trí bị mắc kẹt. Hô lớn chỉ là giải pháp cuối cùng.

Nếu trẻ đang ở trong siêu thị đông người: Không nên đổ xô đến lối ra. Tránh xa những kệ hàng chứa các vật dễ rơi.

Bão

Cha mẹ nên giải thích đơn giản cho con biết thế nào là bão.

Bão là một cơn gió xoáy có phạm vi rộng, có thể ảnh hưởng tới một vùng có bán kính từ 200-500km. Chúng thường gây ra gió lớn và mưa rất to.

Dạy trẻ cách xử lý để an toàn

Nếu trẻ đang ở trong nhà: Không dùng các thiệt bị điện và điện thoại. Đóng tất cả cửa sổ, cửa chính. Không đứng gần cửa sổ, cửa kính và những khu vực ẩm ướt trong nhà như nhà vệ sinh, phòng tắm, nhà bếp. Không tắm hoặc sử dụng vòi nước. Ở yên nơi trú ẩn trong nhà cho đến khi cơn giông qua khỏi. Khi thấy mọi thứ đã an toàn mới gọi điện cho người thân. Dạy trẻ biết và nhớ những số điện thoại cần thiết như cứu hộ, cứu thương, cứu hỏa…

Nếu trẻ đang ở ngoài đường, khu đất trống: Ngừng ngay các hoạt động và tìm nơi trú ẩn trong nhà kiên cố hoặc phương tiện chắc chắn như xe hơi và đóng kín cửa. Nếu nghe thấy tiếng sấm, phải ở nơi trú ẩn ít nhất trong vòng 30 phút. Tuyệt đối không gọi điện thoại khi đang đứng ngoài trời mưa (kể cả trong nhà) vì điện thoại có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị sét đánh. Hãy tránh các khu vực đất cao, đồi trống, rãnh nước chảy hay vũng nước nhỏ bởi nó có thể trở thành chiếc hồ lớn nhấn chìm người ta khi mưa to.

Tránh xa những cây cao đứng riêng lẻ và những vật dẫn điện như hàng rào kim loại, xe cộ hay dụng cụ cá nhân có thể dẫn điện. Nhắc trẻ đừng trốn trong nhà kho hoặc lều dã ngoại bởi đó không phải là những nơi an toàn. Không nên che dù, vì đỉnh dù có thể thu điện từ tia sét. Nếu trẻ đang đứng với một nhóm người, hãy tách xa nhau khoảng 4,5 - 5m. Cúi gập người, hạn chế tiếp xúc mặt đất, hai tay ôm sát vào tai để hạn chế thương vong khi có sét đánh. 

Trường Sơn (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI