Đại biểu Quốc hội băn khoăn quy định thu hồi đất làm dự án đô thị

14/11/2022 - 11:41

PNO - ĐBQH băn khoăn về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và cho rằng quy định này còn rộng, dễ dẫn tới lạm quyền.

ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, quy định tại điều 86 hiện còn rất rộng
 

ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, quy định tại điều 86 hiện còn rất rộng vì rất dễ bị lạm dụng

Sáng 14/11, Quốc hội đã thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi). Có nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh quy định thu hồi đất tại điều 86 của dự thảo luật.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) chỉ ra, quá trình thu hồi đất gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đối với quá trình phát triển đô thị, công bằng xã hội. Điều 86 của dự thảo luật quy định: “Thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” là rất rộng, cần quy định cụ thể. Phải xác định, quy định rõ giá đất khi giải tỏa, đền bù. Nếu Nhà nước thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng, giao thông, bệnh viện, trường học công lập thì phải có quy hoạch và đền bù theo bảng giá đất quy định, theo bảng giá đất công bố hàng năm. Nếu doanh nghiệp thu hồi thì phải trả theo giá thị trường, thỏa thuận với dân. Việc này nên để chủ đầu tư trực tiếp làm, chính quyền không nên tham gia, vì sẽ nảy sinh rất nhiều khiến kiện.

“Nói như vậy không phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng phải bình đẳng giữa doanh nghiệp - người dân”, ĐB Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

ĐBQH nêu, qua khảo sát cho thấy, khung giá đất Nhà nước chỉ bằng 20% khung giá đất thị trường, nên khi thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện và thẩm quyền vì hiện nay nhiều trường hợp bị lạm dụng, chỉ nên áp dụng thu hồi với đất quốc phòng. 

Thực tế cho thấy, dù đối tượng thu hồi đất do Nhà nước quản lý nhưng thiệt hại do người dân gánh chịu không chỉ bao hàm quyền sử dụng đất mà còn nhiều tài sản khác gắn liền hoặc liên quan tới thiệt hại về sinh kế. “Việc người dân phố cổ chen chúc, sống tạm bợ trong ngôi nhà vài mét vuông/đầu người cho thấy không phải do thiếu chỗ ở tốt hơn mà chính là sinh kế, việc làm”, ĐB lấy dẫn chứng và đề nghị cần quy định khi thu hồi đất của người dân, tổ chức, ngoài bồi thường theo quy định cần hỗ trợ thêm như hỗ trợ vốn ưu đãi, đào tạo nghề…

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) kiến nghị chỉ thu hồi đất với các dự án quốc phòng, an ninh, dự án phát triển kinh tế mang tính chiến lược của cả một vùng, khu vực.
 ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) kiến nghị chỉ thu hồi đất với các dự án quốc phòng, an ninh, dự án phát triển kinh tế mang tính chiến lược của cả một vùng, khu vực

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Trích báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo, ĐBQH cho thấy khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo. Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu đất bị thu hồi để phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, họ sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất để mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp, vì điều này mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vì “nhiều nguy cơ lạm quyền gây bức xúc trong nhân dân”.

Đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng thu hồi đất với những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hay các công trình công cộng. Với các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại, hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Trước đó, cũng tại phiên thảo luận, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đánh giá, các quy định về điều kiện thu hồi đất còn chung chung, chưa đầy đủ, chưa cụ thể. Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Trong đó, cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động.

Ngoài ra, cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư để người dân bị thu hồi đất không thiệt thòi. Về các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu cho biết, dự thảo luật lần này có mở rộng thêm các trường hợp thu hồi đất, hoặc mở rộng phạm vi so với các trường hợp đã quy định trong luật hiện hành. Cần phải đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai.

Điều 86. Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là các dự án phát huy nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, phân bổ công bằng, hài hòa giá trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhằm phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bao gồm:

1. Dự án công trình đầu tư công hoặc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch.

2. Dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp;

b) Dự án xây dựng công trình thu gom, xử lý chất thải;

c) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư;

d) Dự án xây dựng cơ sở tôn giáo;

đ) Dự án xây dựng chợ tại các xã vùng nông thôn;

e) Dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

g) Dự án khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung;

h) Dự án đô thị;

i) Dự án khu dân cư nông thôn.

3. Các dự án, công trình phải đáp ứng tiêu chí, điều kiện của theo quy định tại khoản 4 Điều này bao gồm:

a) Dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở;

b) Dự án lấn biển;

c) Dự án khai thác khoáng sản;

d) Dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn.

4. Tiêu chí, điều kiện thu hồi đất đối với các quy định tại khoản 3 Điều này gồm:

a) Các dự án quy định tại điểm a khoản 3 Điều này chỉ thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất;

b)  Dự án lấn biển do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư;

c) Dự án sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động khoáng sản;

d) Dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn gồm dự án để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân; hoặc để di dời các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định hoặc để bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch.

H.Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI