Cuối tuần đi chợ nhà quê

26/11/2017 - 11:23

PNO - Một nhóm người, vốn là những nhân viên văn phòng ở khu vực quận 1, 3… mỗi người một quê, mỗi quê có một loại nông sản được nuôi trồng tự nhiên, họ hẹn nhau lập phiên chợ nhỏ để bán hàng.

Phiên chợ có thể diễn ra tại công viên hoặc quán cà phê, có khi ngay tại chung cư… đều đặn họp mỗi tuần một buổi, mang những món quê dân dã, sạch, xanh đến người tiêu dùng.

Cuoi tuan di cho nha que
Đi chợ “nhà quê”, tha hồ thử sản phẩm “cây nhà lá vườn”.

Cây nhà lá vườn

Dù gần trưa, chợ phiên Tâm Dân (149 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM) mới bắt đầu nhưng từ sáng sớm, chợ phiên đã rộn rã cảnh bày hàng bán mua. Khoảng sân trống của một công ty chừng 50m2 được các gian hàng bày biện hệt như phiên chợ quê theo kiểu có gì bán nấy: góc bên này là mấy nải chuối, bên kia là thùng cá tươi, buồng chuối múp rụp, những trái bưởi, đu đủ mơn mởn còn dính đầy bụi phấn và sương đêm...

Thứ Sáu bận rộn nhưng không ít dân công sở lẫn các bà nội trợ hào hứng ghé vào. Dừng trước gian hàng bán chôm chôm, xoài, rồi quay qua gian hàng bán đủ loại rau từ lá lốt, rau dền đến sả cây, bí đỏ… chị Trần Thị Phương (nhân viên kế toán, Q.3) mua mỗi thứ một ít.

Chị vui vẻ: “Tôi đến đây hai - ba lần rồi, lần nào cũng đi thật sớm vì sợ hết hàng. Hàng hóa ở đây tươi ngon, giá chấp nhận được, như các loại rau giá chừng 40.000 - 50.000 đồng/kg, cá cỡ 70.000 đồng/kg...”.

Càng về trưa khách càng đông. Trong đó phần nhiều là khách quen, “đến ngày lại ra chợ” mua hàng, hầu hết đều hài lòng với hàng hóa mình mua được. Hơn 13g, mặt hàng rau củ quả, thịt cá đã hết sạch.

Hai ngày cuối tuần, phiên chợ Xanh - Tử tế (tại 163 Pasteur, Q.3, TP.HCM) của trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) luôn tấp nập người ra kẻ vào.

Khoảng 20 gian hàng bán đủ loại nông sản do nông dân cả ba miền đem đến, từ đặc sản Cần Giờ, Phan Thiết đến tận Cà Mau. Anh Đức Hiền (ngụ Q.10) ghé mua bó rau dền, khô cá lóc ở gian hàng của nông dân Bến Tre và nho xanh của gian hàng Ninh Thuận.

Anh cho hay: “Tuần nào tôi cũng ghé đây mua hàng, giá có hơi đắt một chút nhưng thực phẩm tươi ngon, chất lượng. Chỉ một phiên chợ mà mình được thưởng thức gần hết đặc sản của các địa phương cũng đáng đồng tiền lắm chứ”.

Sáng chủ nhật nào cũng có phiên chợ nông sản an toàn với không gian mở ngay tại khuôn viên Nhà hàng Đông Hồ (Q.10), công viên Lê Văn Tám (Q.1), công viên Lê Thị Riêng (Q.10) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức. Tất cả sản phẩm rau củ quả, trái cây, thịt, trứng, hải sản đều có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc chuỗi thực phẩm an toàn của thành phố.

Tham gia chợ phiên có nhiều thương hiệu đã được người tiêu dùng biết đến như các hợp tác xã: rau Phú Lộc, Phước An, Thỏ Việt, Nhuận Đức, Ngã Ba Giồng, DalatGAP, thịt heo An Hạ... Bà Hạnh Chi (58 tuổi, giáo viên về hưu) bộc bạch: “Chợ phiên ở công viên tiện lợi lắm.

Sáng sáng, những người già như chúng tôi sau khi tập thể dục xong, tạt qua chợ mua được thực phẩm tươi ngon về chế biến món ăn. Tự tay lựa rau quả tươi ngon như vầy cũng thú vị. Hơn nữa, mua trực tiếp của người trồng thấy an tâm hơn, có thắc mắc gì về hàng hóa đều được giải đáp tận tình”.

Kết nối nông sản

Tại TP.HCM đang có gần 10 chợ phiên nông sản theo hình thức “ai trồng được gì bán nấy”. Đa số khách đến chợ do người quen giới thiệu và dựa vào lòng tin.

Hàng hóa ở phiên chợ nông sản cực kỳ đa dạng. Đó có thể là tâm huyết của những bạn trẻ đang chập chững khởi nghiệp từ nông nghiệp. Chàng thanh niên Võ Văn Tiếng (Đồng Tháp) say sưa giới thiệu gạo hữu cơ, chia sẻ, anh khởi điểm mô hình trồng lúa sạch, nói không với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Quy trình trồng lúa của Tiếng khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, anh tự xay xát lúa và đóng gói gạo của mình với thương hiệu Tâm Việt.

Còn chị Phạm Thị Tuyết Mai (ngụ H. Củ Chi, TP.HCM) cùng hai người bạn cũng khởi nghiệp với sản phẩm rau hữu cơ từ những phiên chợ nông sản “nhà quê” này. 

Cuoi tuan di cho nha que
Phiên chợ quê luôn tấp nập, “cháy” hàng chỉ trong vòng vài giờ.

Có người tham gia phiên chợ vì phong trào, muốn chia sẻ thực phẩm sạch đến mọi người.

Sản phẩm của họ là những giỏ trứng gà ta gửi từ quê lên, có người đem rau lang, rau muống nhà trồng; người mang gà tre từ Phú Yên cùng những loại cây nhà lá vườn như lá giang, ớt, lá é, bột nghệ; người khác lại mang theo thịt heo, cá hồi nhập từ mối tin tưởng…

Hai, ba chục người ngồi đợi cả buổi sáng để được mua hàng. Chỉ trong hơn một giờ mọi thứ được bán hết sạch. Mọi người lại hẹn tới phiên sau cách vài tuần nữa, khi gom đủ hàng hóa.

Điểm chung ở nhà “nông dân” thành phố này rất ý nghĩa: kết nối các sản phẩm sạch đến người tiêu dùng đô thị. Tham gia phiên chợ, những nhà nông nhận ra họ sẽ được lợi nhiều hơn nếu liên kết cả trong khâu sản xuất và tiêu thụ.

Nhóm trồng rau hữu cơ của chị Nguyễn Thị Loan (Bến Tre) có bốn người, họ hỗ trợ nhau khá tốt khi bán hàng. Ở quê nhà, họ thường xuyên gặp nhau để nắm tình hình trồng tỉa, để khi người này thiếu hàng hoặc người kia còn dư sẽ san sẻ cho nhau.

Kênh tiện ích

Bà Nghiêm Thị Thảo - “đầu mối” liên kết những nông dân tại phiên chợ Tâm Dân cho biết: “Tôi sống ở Sài Gòn, không có đất trồng trọt nhưng rất hứng thú với nông sản sạch. Qua Facebook, tôi kết nối và tìm đến những người có cùng mong muốn sử dụng thực phẩm sạch như mình, rồi mở chợ phiên Lương Nông”.

Từ ý định ban đầu chỉ là nơi trao đổi thực phẩm sạch giữa những người nông dân với nhau, phiên chợ dần nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khách hàng. Càng về sau, chợ kết nối nhiều hơn với những người trồng rau củ sạch ở các tỉnh thành, có người quê tận Đồng Tháp, Kon Tum, Bến Tre...

Bà Vũ Kim Anh - chủ nhiệm câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp của BSA, tâm tình: “Thông qua phiên chợ này, chúng tôi giúp người sản xuất có cơ hội nâng cao kỹ năng bán hàng, hiểu nhu cầu người mua để có cách trồng trọt, chế biến phù hợp. Để có những sản phẩm chất lượng, chúng tôi đến tận nơi kiểm tra; đồng thời mở các khóa tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm để nông dân nâng cao trình độ”.

Cuoi tuan di cho nha que
Kiểm tra chất lượng ngay tại chỗ, không lo thực phẩm bẩn.

Ông Dương Hoa Xô - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, gần đây, người dân thành phố có thêm một kênh mua nông sản tại các chợ.

Đây là hình thức mới lạ và thu hút khá nhiều người mua, hình thức này cũng giúp gắn kết giữa người mua đô thị và người bán là nông dân sản xuất. Bởi những sản phẩm tại chợ phiên đa số do những nông dân, nhà sản xuất từ các tỉnh, thành lân cận đem về thành phố bán.

Quy mô của các chợ này khá nhỏ, chỉ khoảng 5 - 10 gian hàng, nhưng sản phẩm khá phong phú, từ các sản phẩm thiết yếu như rau muống, cải xanh, xà lách, thịt heo, trứng gà… đến các sản phẩm đặc sản như măng tre, rau rừng… 

  Phúc Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI