"Thương ngư dân quá”
Phóng viên: Sau 17 tập, bộ phim Mẹ biển (phát sóng lúc 21g từ thứ Hai đến thứ Sáu trên VTV1) đang thu hút sự quan tâm của khán giả. Cảm xúc của 2 chị thế nào sau mỗi tập phát sóng, đọc bình luận của người xem?
Biên kịch Kim: Chúng tôi hạnh phúc khi phim được khán giả đón nhận với những niềm thương, sự đồng cảm dành cho câu chuyện, nhân vật. Chúng tôi thường xuyên đọc bình luận qua mỗi tập và xúc động khi phim được khen chân thật và đời. Có khán giả xem xong cảnh Hai Thơ và những phụ nữ làng chài khóc chồng bên mộ gió đã viết: “Cảnh này ngày xưa má tui từng trải qua. Chắc lúc đó má tui đau đớn lắm”.
 |
Biên kịch Kim (phải) và Toto Chan (trái) luôn đồng hành cùng nhau qua nhiều kịch bản phim - Nguồn ảnh: VTV |
Biên kịch Toto Chan: Chúng tôi thấy cả tình cảm của khán giả từ những vùng khác dành cho người dân vùng biển qua những bình luận như: “Thương người dân vùng biển quá”, “Xem phim này xong muốn ra chợ mua hải sản khỏi trả giá luôn. Thương ngư dân quá”, “Giờ mới hiểu vì sao hải sản đắt… Vì ngư dân đã phải đổi cả sinh mạng”… Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của người viết.
* Mẹ biển đánh dấu sự tái hợp của 2 chị với đạo diễn Phương Điền sau thành công của Mẹ Rơm. Lần hợp tác này hẳn diễn ra ăn ý hơn phim trước?
Biên kịch Kim: Khi viết Mẹ biển, chúng tôi và anh Phương Điền xác định đây là cuộc chơi lớn cả về chiều kích câu chuyện và quy mô thực hiện. 3 anh em xác định ngoài việc khai thác hệ thống nhân vật với những diễn biến tâm lý chiều sâu, mặt hình ảnh phải làm cho “tới” sự hiện diện của cơn siêu bão cũng như tác động khủng khiếp của bão. Việc này tương đối khó với kinh phí hạn chế của một phim truyền hình nên khi viết, chúng tôi đã cân nhắc và tương đối do dự. Tôi hỏi dò anh Phương Điền: “Tụi em bày biện khá nhiều đó. Được không anh? Hay làm gọn lại, chọn ngôn ngữ ước lệ”. Anh Phương Điền nói ngay: “Không, 2 em nghĩ gì cứ viết hết ra đi. Để anh tính”. Những gì chúng tôi viết trong kịch bản đã được anh dàn dựng và thực hiện với hiệu quả vượt ngoài mong đợi. Hình ảnh cơn bão đổ bộ thực sự gây chấn động với khán giả. Ngay cả anh em trong nghề cũng thán phục.
Các tình tiết quan trọng sắp tới trong Mẹ biển 20 năm sau sẽ là một câu chuyện chữa lành đẹp đẽ với tuyến nhân vật là những đứa trẻ làng chài ngày ấy nay đã lớn như Lụa, Quân, Bến. Biển trở về sau 20 năm mất tích dài đằng đẵng và sẽ đối diện với người mẹ hóa điên vì mất con. Bất ngờ Huệ trở về làng chài. Lụa phải đối diện với 2 người mẹ. Đại - người chồng ghen tuông của Hai Thơ - cũng trở về khiến cuộc trùng phùng trở nên cay đắng vì Hai Thơ đã lấy Ba Sịa - kẻ thù truyền kiếp của Đại… Biên kịch Toto Chan |
“Câu chuyện cho chúng tôi cảm xúc lớn lao”
* Mẹ biển là phim truyền hình hiếm hoi đề cập đời sống những ngư dân đánh bắt xa bờ. Vì sao 2 chị chọn chủ đề khó này và đã dụng công ra sao để hoàn thành kịch bản?
Biên kịch Toto Chan: Biển đảo luôn là vấn đề quan tâm của mỗi người Việt. Đời sống ngư dân cũng là điều gì đó rất quen thuộc. Sau thành công của Mẹ Rơm, đạo diễn Phương Điền gợi ý làm một bộ phim chữa lành. Chúng tôi cân nhắc nhiều vấn đề xã hội và tìm hiểu. Tình cờ, chúng tôi đọc được phóng sự Xóm không chồng viết về xóm của những phụ nữ mất chồng con sau cơn bão Linda 1997 đang cố gắng gầy dựng lại cuộc sống. Câu chuyện cho chúng tôi cảm xúc lớn lao và sau khi chia sẻ với Phương Điền, anh chịu ngay.
Biên kịch Kim: Đây là kịch bản khiến chúng tôi rơi nước mắt nhiều nhất. Mẹ biển là đề tài mới lạ và khó vì không chỉ đề cập đến đời sống ngư dân, chuyện đánh bắt xa bờ mà còn cả vấn đề phòng chống thiên tai, kiến thức về khí tượng thủy văn. Chúng tôi đi thực tế rất nhiều, tìm hiểu kiến thức tàu bè, việc đánh cá với các phương pháp từ lưới giã cào đến lưới đáy; cách vận hành tàu; các lỗi kỹ thuật tàu thường gặp khi đi đánh bắt trên biển. Ngoài ra, chúng tôi còn phải kết nối với các cán bộ khí tượng thủy văn tìm hiểu về công việc của họ, về quy trình nhận diện các nguy cơ thiên tai và quy trình báo bão…
* Khán giả xem phim rất ấn tượng với những nhân vật như Ba Sịa với câu cửa miệng “tàn canh gió lạnh”, bà Huệ sống se sua đua đòi phát ghét, ông Bảy Rối khi điên khi tỉnh… còn các chị dành tình cảm cho nhân vật nào nhất?
Biên kịch Kim: Chúng tôi thương đều các nhân vật. Mỗi nhân vật đều có một đời sống riêng, có số phận và sự độc đáo riêng. Tuy nhiên, xét về sự độc đáo là 3 nhân vật kể trên: Huệ (Cao Thái Hà đóng), ông Bảy Rối (Nghệ sĩ ưu tú Việt Anh đóng) và Ba Sịa (Cao Minh Đạt đóng). Họ có những nỗi niềm, tổn thương rất sâu khác hẳn với vẻ ngoài hung dữ, ba trợn, khó ưa. Như Ba Sịa là mẫu đàn ông cà chớn với cả thế giới nhưng dịu dàng duy nhất với Hai Thơ. Ông ta bị cả làng xua đuổi vì những lỗi lầm ngày xưa. Có việc là lỗi lầm thật, có việc Ba Sịa bị oan nhưng nỗi oan ấy lại có nhiều cắc cớ mà mãi sau này ông mới có thể nói ra. Càng về sau, khán giả sẽ càng thấu hiểu và thương Ba Sịa hơn.
 |
Phim Mẹ biển lấy nước mắt người xem vì câu chuyện đau thương nhưng ấm áp tình người - Ảnh do đoàn phim cung cấp |
Được “sống” với khán giả lâu hơn
* Các tác phẩm của 2 chị đều gây ấn tượng vì câu chuyện dễ “chạm”, đặc biệt là lời thoại tự nhiên nhưng “thấm”, chẳng hạn câu thoại trong Mẹ biển: “Không ai vì một cơn giận của cha mẹ mà quên đi nguồn cội của mình, cũng không có ngư dân nào chỉ vì một cơn thịnh nộ của biển mà rời bỏ xứ mình”. 2 chị có bí quyết gì?
Biên kịch Toto Chan: Biên kịch chỉ là người ngồi yên và lắng nghe chuyện thế sự, những tâm tư cuộc đời và kể lại. Chúng tôi thích nghe người già nói chuyện và sử dụng thành ngữ. Phần thoại được hình thành từ thói quen đó. Chúng tôi đọc nhiều để hình thành sự khúc chiết cho các vấn đề và đặt nó vào ngôn ngữ thoại đời sống cho câu thoại tự nhiên nhưng được nâng lên một tầm mới. Việc đọc cũng hữu ích khi xây dựng nhân vật.
* Luôn gắn bó với nhau trong các kịch bản, 2 chị có sự phân công thế nào trong công việc? Viết kịch bản phim truyền hình hay điện ảnh khiến các chị hứng thú hơn?
Biên kịch Kim: Chúng tôi đều từ làm báo chuyển sang viết kịch bản, cùng chơi chung lâu năm nên biết thế mạnh của nhau. Điểm mạnh của tôi là đặt nền tảng cho câu chuyện, hệ thống nhân vật và lý lịch nhân vật. Ngọc Bích mạnh về tiểu tiết và thoại. Bích mạnh về thoại đời sống; tôi mạnh về thoại nền, thoại chiều sâu mang tư tưởng hay thông điệp. Chúng tôi luôn phản biện nhau để tìm ra cái tốt nhất chứ không phải cái gì cũng đồng thuận.
Biên kịch Toto Chan: Viết kịch bản phim truyền hình có cái hay là được sống cùng khán giả lâu hơn trong khi sự yêu ghét của phim điện ảnh chỉ trong vòng 90 hay 120 phút. Xem phim truyền hình, hôm nay khán giả ghét cay ghét đắng nhân vật này nhưng ngày mai lại thương khi mọi tâm tư, bí mật của nhân vật được bày tỏ. Nhưng, vì hành trình đi với khán giả rất lâu nên thử thách với biên kịch cũng lớn. Làm sao để giữ chân khán giả trong hơn 1 tháng phát sóng và để người ta thương, gắn bó cảm xúc với câu chuyện của mình là việc rất khó.
* Phim truyền hình hay điện ảnh hiện nay thường quanh quẩn với chủ đề gia đình, mâu thuẫn người trong nhà. 2 chị làm cách nào để thoát khỏi lối mòn khi viết? Khán giả rất yêu thích dòng phim “chữa lành” nhưng phim Việt ít có, kịch bản dạng này phải chăng khó viết?
Biên kịch Kim: Chữa lành không phải là tìm cách xoa dịu mà là thấu hiểu. Kịch bản “chữa lành” sẽ dễ dàng khi ta đủ thấu hiểu hoặc tìm cách thấu hiểu. Chúng tôi luôn tìm hiểu về các tổn thương xã hội qua góc nhìn xã hội học: những tổn thương gia đình, các tổn thương của cá nhân, những mâu thuẫn trong gia đình, những xung đột giữa các cá nhân trong xã hội… để đặt nhân vật mình vào, tìm hiểu xem tại sao lại có những lỗi lầm, những tổn thương ấy rồi cho nhân vật mình lý do để giãi bày, để mọi người thấu hiểu cho họ.
* Cảm ơn 2 chị đã chia sẻ.
Hương Nhu (thực hiện)