Bao giờ vi phạm bản quyền âm nhạc chấm dứt?

19/06/2022 - 07:24

PNO - Sau thời gian im ắng, gần đây, một loạt vụ tố vi phạm bản quyền với các tác phẩm âm nhạc lại khiến dư luận xôn xao.

Liên tiếp những vụ ồn ào

Ca sĩ Đan Trường bị tố “xài chùa” bài Từng yêu (tác giả Đình Dũng) trong hai năm. Phía ca sĩ Đan Trường từng xin phép sử dụng ca khúc này qua tin nhắn và được tác giả cho phép cover chia sẻ YouTube kèm theo một số điều kiện. Nhưng Đan Trường đã tự ý mang đi biểu diễn.

Ca sĩ Lệ Quyên cũng bị phản ứng khi biểu diễn ca khúc Ai chung tình được mãi (tác giả Đông Thiên Đức) nhưng không xin phép tại Nha Trang, Đà Lạt. Còn ca sĩ Tùng Dương, cũng hát bài này, trong đêm nhạc do Đông Đô Show tổ chức, không xin phép tác giả, chủ sở hữu.

Ca sĩ Đan Trường bị tố “xài chùa” ca khúc Từng yêu
Ca sĩ Đan Trường bị tố “xài chùa” ca khúc Từng yêu

Trước đó, nhạc sĩ Kai Đinh cũng bức xúc với Nam Em vì tự ý hát Mình yêu đến đây thôi vẫn còn trong thời hạn bán độc quyền cho ca sĩ Tóc Tiên. Nam Em thậm chí còn ghi hình lại, chia sẻ video trên YouTube sau đó mới gửi mail xin phép tác giả. Tác giả Trần Duy Khang, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền cũng lên tiếng, phản ánh Nam Em tự ý sử dụng ca khúc của họ không  xin phép. 

Cuối tháng Năm, nghệ sĩ Trinh Hương - đại diện gia đình nhạc sĩ Phú Quang - đã lên tiếng khi Đông Đô Show sử dụng các nhạc phẩm của nhạc sĩ quá cố nhưng không được sự đồng ý trong đêm nhạc Hà Nội phố 2. Đơn vị này giải thích không mang các bài hát của nhạc sĩ Phú Quang vào chương trình, nhưng khán giả yêu cầu nên khó lòng từ chối (?). Sau đó Đông Đô Show gửi tiền thanh toán bản quyền cho gia đình nhạc sĩ, nhưng bị trả lại. Nhiều ca sĩ cũng tự ý sử dụng ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang để hát ở phòng trà nhưng không hề xin phép gia đình suốt thời gian qua.

Luật đã có nhưng sao cứ phạm?

Hiện, nhiều tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) để khai thác các ca khúc. Người sử dụng chỉ cần liên hệ VCPMC, ký hợp đồng, thanh toán theo hướng dẫn. Trường hợp tác giả không ủy quyền cho VCPMC thì có thể liên hệ trực tiếp để xin phép, thanh toán. 

Nam Em bị tố không xin phép nhưng tự ý biểu diễn ca khúc Mình yêu đến đây thôi của tác giả Kai Đinh
Nam Em bị tố không xin phép nhưng tự ý biểu diễn ca khúc Mình yêu đến đây thôi của tác giả Kai Đinh

Dù tiền tác quyền để cover bài hát chia sẻ trên YouTube, biểu diễn không cao, nhưng văn hóa, ý thức tuân thủ luật pháp là vấn đề lớn trong việc tôn trọng bản quyền. Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), ở nhiều quốc gia, vi phạm bản quyền được nhận thức là hành vi nghiêm trọng, nhưng tại Việt Nam vẫn bị xem nhẹ. Tâm lý ngại kiện tụng, ngại va chạm pháp luật khiến việc vi phạm cứ diễn ra. Phần lớn những vụ vi phạm tác quyền trước đây, người vi phạm chỉ lên tiếng xin lỗi, đóng tiền tác quyền bù. Mới nhất, tác giả Đình Dũng dẫu bức xúc với cách làm việc của phía Đan Trường, nhưng cũng không khởi kiện để đòi đền bù về vật chất.

“Pháp luật Việt Nam cho phép các chủ thể quyền tác giả được tự bảo vệ mình khi bị xâm phạm tác quyền. Nhưng để thực hiện quyền tự bảo vệ, chẳng hạn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết, phức tạp và tốn rất nhiều công sức, thời gian. Việc đưa vi phạm ra đến tòa án, có thể sẽ phải tính bằng năm. Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, những thiệt hại mà tác giả phải chịu khi tác phẩm của họ bị xâm phạm là không thể tính được”

Luật sư Lê Ngọc Luân

Ngoài ra, luật hiện tại cũng có kẽ hở. Luật sư Trương Thị Dạ Thảo (Công ty Phan Law) phân tích, theo quy định tại khoản 5, điều 1, Nghị định 15/2016/NĐ-CP, trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang phải có “một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng, hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả, hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Tuy nhiên hiện Nghị định 144/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 15/2016/NĐ-CP) đã không còn quy định yêu cầu cung cấp văn bản cam kết/thỏa thuận nói trên.

Hành vi biểu diễn tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 13 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP. Mức phạt đến 15 triệu đồng với cá nhân vi phạm và tăng gấp hai lần nếu là tổ chức. Bên cạnh đó, còn buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình vi phạm. Theo luật sư Lê Ngọc Luân (Công ty Gold Key Law Firm), mức chế tài này vẫn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.  

Không dừng lại ở việc xài chùa

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết cách đây không lâu, VCPMC thông báo có một công ty tự nhận đã mua độc quyền vĩnh viễn một số ca khúc của anh, yêu cầu VCPMC chuyển tác quyền thu được cho họ. Đến khi anh đòi hợp đồng chứng minh thì họ mới thôi hành vi trên. 

Tác giả Viên Nghiệp tố Quang Lập lừa anh để lấy 17 ca khúc. Ban đầu, Viên Nghiệp có ý định tặng Quang Lập, nhưng lại bị lừa ký vào các hợp đồng để chuyển nhượng hẳn các sáng tác trên. Anh cũng kiện ca sĩ Lâm Chấn Khang vì vi phạm bản quyền ca khúc Lạy tình. Viên Nghiệp nói anh sáng tác, sau đó gửi Lâm Chấn Khang, nhưng sau này Lâm Chấn Khang cho rằng ca khúc này do chính mình sáng tác, cho ra album, mang đi biểu diễn, khai thác nhạc chuông, nhạc chờ. Hiện, vụ kiện Quang Lập đã được Tòa án nhân dân Q.1 thụ lý, còn vụ kiện ca sĩ Lâm Chấn Khang đã nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân TP.HCM.

Ca khúc Ai chung tình được mãi :

 

 

Luật sư Nguyễn Quốc Cường cho biết quyền tác giả được bảo hộ khi tác phẩm ra đời. Tuy nhiên, các tác giả nên đăng ký tác quyền tại Cục Bản quyền tác giả, lưu trữ các tài liệu sáng tác tác phẩm (có thời gian rõ ràng) để bảo vệ quyền lợi cho mình. Khi tặng, mua, bán đều cần có giấy tờ hợp lệ, nội dung quy định rõ ràng để tránh những thiệt hại về sau. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI