Âm thanh và niềm nhớ

12/02/2022 - 05:50

PNO - Nếu cần định vị Sài Gòn bằng âm thanh, có lẽ đó sẽ là cái… hỗn thanh suốt đêm ngày, ở khắp nơi.

Dải âm thanh vô tận

Nói về ồn thì cái ồn của Sài Gòn phải vượt rất xa câu “ồn như vỡ chợ”. Mới đây thôi, khi đo tiếng ồn tại 30 tuyến đường ở TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Đình Tuấn (Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) kết luận: luôn vượt quá mức cho phép. Ngay cả khi thành phố say giấc ngủ, từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng, các tuyến đường vẫn ồn vượt mức quy định. 

Theo nghiên cứu, âm thanh náo nhiệt của Sài Gòn gồm ba dạng tiếng ồn chính: hoạt động công nghiệp, giao thông, xây dựng dịch vụ. Trong đó, giao thông vai chính và đang không ngừng gia tăng sự đóng góp. Nói chi xa, biết đâu mùa xuân sau, thành phố lại thêm inh ỏi với tiếng metro vun vút. Cơ bản tiếng ồn của Sài Gòn là như vậy, nhưng các tâm hồn yêu Sài Gòn lại nhìn rất khác.

Tranh minh họa sách (họa sĩ Pháp Jean-marc Potlet)
Tranh minh họa sách (họa sĩ Pháp Jean-marc Potlet)

Vài năm trước, bạn trẻ Lâm Hoàng Nhi làm một bộ hình graphic ngộ nghĩnh với chủ đề Âm thanh của Sài Gòn đầy thú vị theo từng quận, huyện, khu vực. Tiếng ồn ở Q.1 còn gì hơn là nhạc xập xình ở phố Tây Bùi Viện. Q.5 là tiếng xe cứu thương vì mật độ tập trung bệnh viện dày đặc. Q.Tân Phú - Q.Gò Vấp là tiếng máy bay lên xuống ở Tân Sơn Nhất…

Sau tiếng ồn là sự sống

Qua hơn 300 năm, khả năng thích ứng tiếng ồn của người Sài Gòn đã lên dạng siêu cấp. Đầu thế kỷ trước, chỉ cần tiếng xe thổ mộ lốc cốc cũng đủ làm người Sài Gòn thao thức. Thời 20 - 30 năm trước, bạn có thể nghe được tiếng chuông leng keng của xe đạp hay tiếng trống tan trường. Còn bây giờ? Cái dải âm thanh đó phải tăng theo cấp số nhân. Đơn cử cái hẻm chợ Bàn Cờ (đường Nguyễn Thiện Thuật, Q.3), chưa qua 0 giờ mà tiếng chuẩn bị sạp chợ như động đất vang dậy khắp nơi. Vậy mà ai ngủ cứ ngủ, ai đang làm gì đó thì cứ tiếp tục làm thôi. Chỉ ai vừa dọn đến mới thấy điên đầu vì sự chuẩn bị họp chợ đấy. Nhưng dăm ba bữa họ cũng mặc kệ nó, còn không thì bán nhà, thế thôi. 

Đến đây, chợt nhớ đến một tùy bút của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Giữa sự ồn ào của chợ và sự huyên náo dị thường của những cái loa vô tội vạ phát thanh về bất cứ vấn đề gì bất chấp người nghe muốn hay không thì tôi chọn sự ồn ào của chợ. Bởi vì đằng sau sự ồn ào còn có thực phẩm trần gian. Nó hứa hẹn bữa ăn ngon trong không khí gia đình sum họp”. Mấy tiếng động ấy bỗng chốc được hợp lý hóa thành cho ta biết trời giữa đêm hay rạng sáng. Họp chợ ồn ào mà an tâm, có người thì bọn trộm cắp cũng kiêng dè. Tiếng ồn chợt hóa thành biểu trưng của sự an toàn. 

Có chị gái lâu ngày quay về xóm cũ chỉ chăm chăm hỏi thăm thằng bé “giọng mái mái” còn hay không? Vì chị nhớ ngày nằm ổ, nghe giọng nó “chửi nhà hàng xóm mà còn phê hơn Thanh Kim Huệ ca vọng cổ”.

Rồi có ai ngờ, một ngày Sài Gòn bị làn sóng COVID-19 nhấn chìm. Thành phố im lặng, mọi người bàng hoàng. Mắt người Sài Gòn bỗng u uẩn trong chiều vì sực nhớ, thèm tiếng ồn ã đã theo mình cả cuộc đời. Mắt bên này vọng sang bên kia, thầm hỏi nhau, bao giờ nơi dung thân mới hết im lặng thở dài và trở lại ồn ào như xưa. Nhiều người chợt nhận ra, thành đô tráng lệ này đã hân hoan nhận tiếng ồn làm dấu, bởi đó là tiếng thở của sự sống.

Điện tử và mộc mạc

Gắn bó cuộc đời mình với Sài Gòn người ta mới hiểu được đặc tính biến hóa liên tục của tạp âm Sài Gòn. Tiếng động, tiếng rao mới năm ngoái, tháng kia, tuần trước, hôm qua mà nay đã biến mất thật rồi. Nó mất tích, được thay thế bằng một điều lạ lẫm rồi thành quen rồi lại biến mất theo chu trình. Sự thay đổi âm thầm, tinh tế đến nỗi thỉnh thoảng người ta tự phản tỉnh mới hay mọi thứ khác đi rồi. 

Sài Gòn là vậy, cuộc biến động vật đổi sao dời đâu chỉ có ở phố xá, con đường, nét mặt người mà cả âm thanh. Dễ dàng nhận thấy nhất là thế giới bay bổng của những tiếng rao trên phố. Tiếng rao từ khoảng một thập niên nay bỗng xa lạ hơn, được điện tử hóa gần hết từ chị “ai bánh giò, bánh gai, bánh chưng đây” cho đến chú “tủ sắt, ghế sắt, âm ly, loa hư cũ bán không”. Người hoài niệm ắt sẽ buồn, còn người tảo tần bán buôn chắc sẽ vui vì cổ họng bớt mệt. 

Cả chợ giờ đầy tiếng loa như bầy ve sầu điện tử. Ai có tâm còn cầm micro rao “live”: “Nay bán, mai nghỉ, mốt đi Mỹ”, không thì quanh quẩn mấy câu thu âm sẵn phát đi phát lại.

Gen Z hẳn không biết tiếng chuông leng keng của ông già đẩy xe bán kem. Thời họ, tiếng chuông ấy bị thay bằng đoạn nhạc hay được hát chế thành “không có tiền, không có tiền là không có kem”. Thế mà giờ cái điệu nhạc đó cũng vắng đi mất rồi. Sài Gòn từng tự hào là nơi dung dưỡng tiếng gõ rao mì, nay cũng đã mất. Gánh hủ tíu gõ hết người bưng tô, cần lắm thì gọi điện, có người tranh thủ mang vào. Tiếng rao mua lông gà lông vịt, dép cũ đổi dép mới, tiếng máy dệt khu Bảy Hiền… cũng theo thời cuộc mà bay vào vùng ký ức.

“Người tình độ lượng"

Dẫu có bể dâu, dẫu chuyển hóa muôn hình vạn trạng, tạp âm Sài Gòn luôn đầy ý nghĩa, lấp lánh sự sống. Mọi tiếng động nơi đây rất đáng được lắng nghe, được chiêm ngưỡng không kém gì công trình kiến trúc, di tích nổi tiếng của Sài Gòn. Tại sao người ta chưa lập một bảo tàng âm thanh để đón khách tìm ký ức nhỉ? Tiếng rao Sài Gòn bây giờ có lười nhác vì loa thùng điện tử đi nữa vẫn là dấu ấn trong lòng kẻ ở người đi, vẫn là nỗi nhọc nhằn mưu sinh một đời áo mẹ áo em.

Giữa trời Sài Gòn nắng như đổ lửa mà nghe “bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm bơ” là mường tượng ra ngay cảnh mồ hôi chảy ròng ròng trên áo người anh trai miền Trung, tết rồi chẳng đủ tiền về thăm quê nhà. Tiếng rao không đơn thuần là lời mời chào mà còn chạm đến lòng trắc ẩn. Ai không nhói lòng khi nghe lẫn trong tiếng mưa đêm là “hột gà nướng, hột vịt lộn, hột vịt dữa, trứng cút lộn, bắp xào đây”. Đời nhọc nhằn như thể để làm mặn nồng thêm tiếng rao trên phố, đúng như tâm tình nhạc sĩ Võ Thiện Thanh gieo trong lời ca: “… Có tiếng rao như lời mẹ tôi, như lời chị tôi, mang quê hương trên đôi vai gầy…”.

Sài Gòn luôn là một “người tình” độ lượng với mọi thứ. Và dĩ nhiên, có hẳn một khía cạnh Sài Gòn bao dung trong cả âm thanh. Ở thời buổi kinh tế khó, người Sài Gòn vẫn sống chung với tiếng xình xịch máy dệt của khu Bảy Hiền, tiếng xay keo nhựa ve chai ầm ĩ của lò phế liệu trong xóm lao động Q.11… Trong bảo tàng ký ức, Sài Gòn vẫn nhớ cả cái giọng rất chói của “trung tâm ứng dụng công nghệ hóa màu”. Cái tiếng nhạc thình thịch của nhóm nhảy các cô giữa công viên xanh ngát đôi lúc làm người ta bực, nhưng có khi cũng thấy vui khỏe. Tất nhiên rồi sẽ có thêm nhiều tiếng, nhiều âm nữa xuất hiện, nhưng với Sài Gòn thì… sao cũng được. Thời gian sẽ xét đoán. Thời cuộc sẽ lựa chọn. 

Yêu Sài Gòn, sống với Sài Gòn thì hãy đón nhận thật nồng nàn “tiếng nói” luôn vượt tần số của “người tình”. Đơn giản là bạn không thể đòi hỏi một thứ tình yêu quá hoàn hảo trong cuộc sống thực tế. Mà khi yêu rồi, sẽ thấy biết bao cái lạ lùng từ tình yêu độc đáo này. 

Phạm Thái Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI