Virginia Woolf - “nàng thơ” trầm mặc của làng mốt

11/04/2021 - 13:25

PNO - Giới tạo mẫu không chỉ học hỏi ở Woolf tầm nhìn cấp tiến đối với trang phục mà còn tìm cảm hứng sáng tạo từ lối sống của bà.

Naomi Campbell trong một thiết kế của  Kim Jones. Series thời trang cao cấp xuân 2021  từ thương hiệu Fendi - Ảnh: Harper’s Bazaar
Naomi Campbell trong một thiết kế của Kim Jones. Series thời trang cao cấp xuân 2021 từ thương hiệu Fendi - Ảnh: Harper’s Bazaar

“Dẫu trông như những món đồ vô tri vặt vãnh, quần áo được ban cho chức năng quan trọng hơn việc giữ ấm con người. Chúng thay đổi cách nhìn của chúng ta về thế giới và ngược lại, về cách thế giới nhìn nhận chúng ta”. Khi Virginia Woolf viết những dòng nhận xét trên trong Orlando (năm 1928) - tác phẩm văn học bất hủ nổi tiếng của bà - hẳn nữ nhà văn không thể hình dung nhiều nghệ sĩ cũng chia sẻ quan điểm tương tự.

Oscar Wilde từng đưa ra bình phẩm thậm chí còn gay gắt hơn: “Thời trang là một hình thái biểu đạt sự xấu xí. Nó gây khó chịu đến mức chúng ta cứ phải liên tục làm mới sau mỗi sáu tháng”.

1.

Gần một thế kỷ trôi qua, lời văn thẳng thắn của Woolf vẫn mang giá trị dự báo thú vị, ẩn chứa trong vô số bài luận, bài báo, phê bình về thời trang - hay nói đúng hơn, về sức ảnh hưởng của trang phục chúng ta khoác lên người. 

Bằng ngòi bút xuất chúng, nữ văn sĩ người Anh đã phản ánh quan điểm cá nhân tinh tế trước nhiều đề tài xã hội phức tạp, kể cả thời trang. “Tôi luôn bị lôi cuốn khi nghĩ về tình yêu mình dành cho quần áo, duy đây không phải một “mối tình” đúng nghĩa” - trích trong một trang nhật ký Woolf viết năm 1925. 

Christy Turlington và Kate Moss trong show trình diễn của Fendi - Ảnh: Getty Image
Christy Turlington và Kate Moss trong show trình diễn của Fendi - Ảnh: Getty Image

Bà có hứng thú đặc biệt trước sự tác động do trang phục tạo ra, không chỉ đến vẻ ngoài, mà cả tâm trạng, tính cách của mỗi người. 

Mùa xuân năm nay, nhà thiết kế Kim Jones đã dùng những dòng văn lý thú của Woolf như lời mở đầu show thời trang cao cấp từ thương hiệu Fendi. Sự kiện quy tụ dàn ngôi sao khách mời đình đám, giúp Jones có màn ra mắt thành công trong vai trò tân giám đốc sáng tạo của hãng. Như nhiều nhà tạo mẫu tài năng trước đó, Jones lấy cảm hứng từ Woolf và Bloomsbury Group - nhóm văn sĩ cấp tiến nổi danh vào đầu thế kỷ XX, bao gồm nhiều thành viên lỗi lạc như Virginia Woolf, John Maynard Keynes và E. M. Forster.

Lớn lên ở một thôn trang xinh đẹp thuộc khu East Sussex, miền nam nước Anh, Jones chia sẻ, từ nhỏ anh đã bị mê hoặc trước những trang văn truyền cảm cùng năng lượng, lối tư duy hiện thực và cởi mở nơi Woolf. 

Chân dung Woolf năm 1902 - Ảnh: Getty image
Chân dung Woolf năm 1902 - Ảnh: Getty image

Trong show trình diễn đặc sắc của Fendi cuối tháng Một vừa qua, dấu ấn nghệ thuật trong tiểu thuyết Orlando trở thành nét trọng tâm được Jones tích cực khai thác. Series trang phục và phụ kiện sang trọng, đa sắc thái, phong cách mềm rủ với lối cắt may cá tính được tô điểm bởi những trang thư tình giữa Woolf và nữ tác gia Vita Sackville-West - nhân vật chính đã truyền cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết.

2.

Ngày nay, tái hiện một chuyện tình tươi vui, lãng mạn như Woolf từng phác họa đang trở thành xu hướng với không ít nhà tạo mẫu ưa chuộng nét “uyển chuyển” phi giới tính của thời trang hiện đại. Điều đó có thể được minh chứng qua những bộ sưu tập nổi bật, lấy cảm hứng từ một loạt dự án văn học kinh điển khác như Breakfast at Tiffany’s và Frankenstein. 

Hiển nhiên, giới tạo mẫu không chỉ học hỏi ở Woolf tầm nhìn cấp tiến đối với trang phục mà còn tìm cảm hứng sáng tạo từ lối sống lẫn cảm quan nghệ thuật của bà.

Dấu ấn tự do trong tư duy, tình yêu, tận hưởng cuộc sống ở một văn sĩ theo đuổi chủ nghĩa hiện đại, biểu thị qua những dự án lấy cảm hứng từ Woolf, trên thực tế đã trở thành trào lưu phổ biến trong ngành thời trang vài thập niên qua. 

Dries van Noten, nhà tạo mẫu tài danh gốc Bỉ, từng trình làng một số mẫu thiết kế đặc sắc, gợi lên ấn tượng trang nhã mà vẫn gần gũi, phóng khoáng. Năm 2016, Christopher Bailey, Giám đốc sáng tạo của Burberry, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Orlando tạo nên series thời trang mùa thu thanh lịch với chân váy bồng nữ tính, sơ mi và quần âu lụa nền nã, có gam sắc nhu - trầm đi cùng phụ kiện đính đá. 

Mối tình thăng trầm giữa Woolf và Sackville-West được lột tả sống động trong Vita & Virginia,  tác phẩm màn bạc ra mắt năm 2018. Minh tinh người Úc Elizabeth Debicki (phải) thủ vai  cố nhà văn nổi tiếng - Ảnh: IMDB
Mối tình thăng trầm giữa Woolf và Sackville-West được lột tả sống động trong Vita & Virginia, tác phẩm màn bạc ra mắt năm 2018. Minh tinh người Úc Elizabeth Debicki (phải) thủ vai cố nhà văn nổi tiếng - Ảnh: IMDB

Gần đây, làn sóng thời trang mang tên Virginia Woolf càng có khuynh hướng dâng cao, mang đậm chất riêng cũng như sức hút đa giới tính. 

 “Đi đầu” trong trào lưu này phải kể đến một số thương hiệu lớn ở châu Âu: Alexa Chung, Hades Wool, Preen, Givenchy. Năm 2019, Rei Kawakubo, nhà sáng lập Comme des Garçons tham gia thiết kế phục trang cho dự án sân khấu chuyển thể từ Orlando, thực hiện bởi Nhà hát Opera Quốc gia Vienna (Áo). Năm 2020, Woolf được “hồi sinh” dưới vai trò người dẫn truyện trong show triển lãm nghệ thuật thời trang About Time: Fashion and Duration tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York, Mỹ).  

Bộ sưu tập thời trang cao cấp mùa xuân của Fendi là “cột mốc” nổi bật kế tiếp thuộc danh sách trên. Thế nhưng vì sao lại là Woolf mà không phải nhà văn nữ nào khác?

Một số nhà thiết kế thừa nhận họ ngưỡng mộ nữ văn sĩ vì nhiều ý tưởng, tư duy cách tân. Số khác ca ngợi nét kết nối linh hoạt, đa sắc thái trong hoạt động nghệ thuật của nhóm nhà văn người Anh mà Woolf là cá nhân tiêu biểu. Minh chứng cụ thể cho điều này đến từ những dự án kết hợp lý thú giữa ngành thủ công và nghệ thuật may mặc. Tuy vậy, với Orlando - dự án văn học ẩn hiện sắc màu LGBT, cũng được xem là tác phẩm thành công nhất Woolf chấp bút. Quyển tiểu thuyết châm biếm phản ánh chân thật góc nhìn ngày một “đa giới tính” của thời trang đương đại.

Bella Hadid trong thiết kế đầm cổ yếm  của nhà tạo mẫu Kim Jones tại show thời trang Fendi 2021 - Ảnh: Getty image
Bella Hadid trong thiết kế đầm cổ yếm của nhà tạo mẫu Kim Jones tại show thời trang Fendi 2021 - Ảnh: Getty image

Trong show trình diễn mới đây của Fendi, một số lá thư tình giữa Woolf và nữ nhà báo, tác gia Sackville-West lần nữa được đọc lên như một nỗ lực hồi tưởng đặc biệt. Lời văn dù thân mật, ngọt ngào vẫn tiềm ẩn sự mập mờ kiên định, như những thiết kế được Kim Jones giới thiệu - đủ “mềm mại” trước mắt nhìn nhưng vẫn thể hiện nét kín đáo trang nhã. Vì lẽ đó, Orlando vốn phản ánh mối tình từng chịu bó buộc trong định kiến giới tính của Woolf, giờ đây lại trở thành một “quyển sách tham khảo” lý tưởng cho nhiều nhà tạo mẫu đương thời. 

Ở địa hạt thời trang, dẫu là cái tên không mới nhưng câu chuyện về Virginia Woolf vẫn tạo nên sức hút rất riêng, đủ khiến chúng ta suy ngẫm về đề tài giới tính và cá tính thời trang, tựa dòng văn đầy ẩn ý trong Orlando: “Quần áo, suy cho cùng, biểu trưng cho thứ gì đó chúng ta thích ẩn giấu sâu trong lòng”. 

Như Ý (theo Refinery29) 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI