Tiền gửi vào ngân hàng giảm mạnh

02/05/2024 - 15:02

PNO - Theo số liệu tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 1/2024 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tiền gửi tiết kiệm của cư dân và các tổ chức kinh tế đều giảm.

Cụ thể, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 1/2024 đạt 13,17 triệu tỉ đồng, giảm 210.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023.

Trong đó, tiền gửi của cư dân hiện ở mức 6,49 triệu tỉ đồng, giảm khoảng 40.000 tỉ đồng so với tháng 12/2023. Đây là tháng đầu tiên tiền gửi của cư dân quay đầu giảm sau 25 tháng liên tục tăng trưởng dương.

Còn tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế hiện là 6,67 triệu tỉ đồng, giảm gần 170.000 tỉ đồng so với tháng 12/2023, mức giảm tương đương là 2,41%. Trong khi tháng 12/2023, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng đột biến hơn 457.000 tỉ đồng.

Từ tháng 2/2024 đến nay, nhiều ngân hàng đều tăng lãi suất huy động nhưng mức tăng không quá cao - Ảnh: Thanh Hoa
Từ tháng 2/2024 đến nay, nhiều ngân hàng đều tăng lãi suất huy động nhưng mức tăng không quá cao - Ảnh: Thanh Hoa

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh – Nguyên giảng viên Học viện Tài chính - lượng tiền gửi của khách hàng giảm là do thời gian qua lãi suất huy động từ mức cao đã giảm sâu xuống mức đáy.

Cụ thể, trong khoảng thời gian tháng 1 và 2/2023, lãi suất huy động lên mức khá cao từ 10-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Đến tháng 3/2023, sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm còn 9,4 – 10%/năm.

Đến tháng 4/2023, NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ hai vào ngày 3/4, lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục giảm, chỉ còn 7,2 – 8,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Bước sang tháng 5/2023, lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 7,2 - 8,4%/năm.

Sau nhiều tháng tăng trưởng dương, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng bất ngờ giảm - Ảnh: NHNN
Sau nhiều tháng tăng trưởng dương, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng bất ngờ giảm - Ảnh: NHNN

Trong tháng 6/2023, NHNN tiếp tục giảm thêm 2 lần lãi suất điều hành, dẫn đến lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 6,8 – 8,1%/năm.

Sau đó, trong tháng 7/2023, lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 6,3 – 7,9%/năm.

Tháng 8/2023, lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 tháng là 7,7%; tháng 9/2023 là 7%/năm; tháng 10/2023 còn 6,5%/năm; tháng 11 còn 6,2%/năm; tháng 12 chỉ còn 5-5,7%/năm.

Như vậy, trong năm 2023, lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ mức đỉnh 12%/năm đã giảm chỉ còn dưới 5%/năm. Hiện lãi suất huy động đang có chiều hướng tăng trở lại từ tháng 2/2024 nhưng mức tăng còn khá thấp. Hơn nữa, theo tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán đang có dấu hiệu phục hồi lại nên dòng vốn đang rời khỏi ngân hàng, chảy vào các kênh khác.

Như trong tháng 3-4/2024, có hơn 10 ngân hàng đã thông báo tăng lãi suất ngân hàng nhưng chỉ tăng trong khoảng 0,1 - 0,3%/năm.

Bước sang tháng 5/2024, tiếp tục có một số ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,2%/năm. Như ngày 2/5, ACB thông báo tăng thêm lãi suất 0,2% ở các kỳ hạn từ 1, 2 và 3 tháng, lãi suất lần lượt là 2,5%/năm, 2,7%/năm và 2,9%/năm. Với các khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng dưới 1 tỉ đồng thì người gửi tiền sẽ được cộng thêm 0,1% điểm, còn khoản tiền từ 1-5 tỉ đồng sẽ được cộng thêm 0,15% điểm; khoản tiền gửi từ 5 tỉ đồng trở lên sẽ được cộng thêm 0,2% điểm.

Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng cao nhất là 3,2%/năm thuộc về ngân hàng Ngân hàng Quốc dân (NCB); 3%/năm thuộc về Ngân hàng Xây dựng (CB Bank), Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Thấp nhất kỳ hạn 1 tháng là 1,6%/năm thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank); Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 4,6 - 4,7%/năm thuộc về các ngân hàng Kienlongbank, OCB, HDbank; còn thấp nhất là 2,9-3%/năm thuộc về Vietcombank, Agribank và SCB.

Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cao nhất thị trường hiện nay là 5,2%/năm thuộc về Kienlongbank, Vietbank; cao vị trí thứ hai là 5,1% thuộc về NamABank. Còn lãi suất thấp nhất là 3,7%/năm thuộc về SCB, xếp vị trí thấp thứ hai là 4,6% thuộc về Vietcombank và xếp vị trí thấp thứ ba là 4,7% thuộc về Agribank và Vietinbank.

“Chủ trương của Chính phủ và NHNN là vẫn duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế nên trong thời gian tới, lãi suất huy động có tăng nhưng sẽ không tăng quá cao” – Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI