Tết Nguyên đán của người Việt ở Úc đã được "trả lại tên"

08/02/2021 - 13:48

PNO - Năm nay, cộng đồng người Việt Nam tại Úc đã được nghe từ "Tết" một cách thân thương, gần gũi và thuần Việt chứ không còn là cụm từ lạ lẫm vẫn thường được nhắc đi nhắc lại ở các năm trước.

Cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở Úc đang tỏ rõ niềm phấn khởi khi nhận được lời chúc Tết Âm lịch từ những nhà lãnh đạo cấp cao của "xứ sở chuột túi" bằng đúng cái tên thuần Việt: Chúc mừng Tết Nguyên Đán của người Việt Nam (Happy Vietnamese Lunar New Year).

Lễ hội chào đón Tết Nguyên Đán được tổ chức tại Footscray, Melbourne - Ảnh: SBS Radio
Một sự kiện lễ hội chào đón Tết Nguyên đán từng được tổ chức tại Footscray, Melbourne - Ảnh minh họa: SBS Radio

Mới đây, nhiều bà con người Việt định cư tại Úc cũng như du học sinh đang sinh sống và học tập tại tiểu bang New South Wales (NSW) đã hào hứng chia sẻ lên mạng xã hội một bức thư của bà Thủ hiến Gladys Berejiklian với lời chúc mừng năm mới Âm lịch 2021. Điều đặc biệt là bà thủ hiến đã sử dụng một cách “chuẩn không cần chỉnh” về chính tả của cụm từ “Tết Nguyên đán” với đầy đủ các dấu theo ngữ pháp của tiếng Việt.

“Tôi xin phép được chúc tất cả mọi thành viên trong cộng đồng người Việt Nam một cái Tết Nguyên đán thật hạnh phúc để cùng chào đón năm con Trâu (năm Tân Sửu - người dịch)”, bà Thủ hiến mở đầu bức thư ngỏ của mình.

“Thật sự xúc động khi đọc những dòng thư chúc mừng của Thủ hiến tiểu bang. Rõ ràng là bà ấy hiểu người Việt Nam yêu quý cái tết cổ truyền đến thế nào”, bà Linh Tran cư ngụ tại thành phố Sydney hơn 30 năm bày tỏ.

Bức thư ngỏ của bà Gladys Berejiklian, Thủ hiến bang NSW, gửi chúc Tết Nguyên Đán 2021 đến cộng đồng người Việt Nam
Bức thư ngỏ của bà Gladys Berejiklian, Thủ hiến bang NSW, gửi chúc Tết Nguyên đán 2021 đến cộng đồng người Việt Nam

Chỉ trong một bức thư ngắn bằng tiếng Anh chưa tới 100 từ, người đứng đầu cơ quan hành pháp tại tiểu bang đông dân nhất nước Úc đã đề cập từ “tết” đến 5 lần, và nhấn mạnh rằng, sự kiện quan trọng này “là một biểu tượng văn hóa làm nổi bật tinh thần cộng đồng, ẩm thực và văn hóa đặc sắc của người Việt Nam”.

Cô Lan Nguyen, một du học sinh bậc Cử nhân ngành Giáo dục tại Đại học Southern Cross (Sydney) cho biết, cá nhân cô và cộng đồng du học sinh người Việt Nam hoan nghênh cách gọi tên cái tết của người Việt Nam như thế này.

“Không chỉ là một sự thay đổi trong ngôn ngữ; mà quan trọng hơn, đó chính là sự ghi nhận của chính quyền nước Úc đối với bản sắc văn hóa của người Việt Nam”, cô Lan Nguyen nói.

“Điều này cũng thể hiện sự tôn trọng giá trị đặc trưng của các sắc dân khác nhau đang sinh sống và đóng góp cho sự phát triển của nước Úc - một quốc gia có sự đa dạng một cách đặc sắc về văn hóa, ngôn ngữ, và các tài sản tinh thần khác”.

Nước Úc sở hữu một gia tài quý với sự đa dạng các nét văn hóa đặc trưng của nhiều sắc dân trên khắp thế giới - Ảnh: City of Sydney/SBS
Nước Úc sở hữu một "gia tài" quý với sự đa dạng các nét văn hóa đặc trưng của nhiều sắc dân trên khắp thế giới - Ảnh: City of Sydney/SBS Radio

Không chỉ ở cấp tiểu bang mà ngay cả cấp liên bang, tên gọi “Tết Nguyên đán” cũng được chính quyền cấp trung ương chính thức sử dụng trong các tài liệu, văn bản, và sản phẩm truyền thông cho năm 2021 thay cho cụm từ “Tết Trung Quốc” vẫn thường được sử dụng trước đây.

Trong một tấm thiệp có màu đỏ rực rỡ đặc trưng của năm mới mang ý nghĩa của sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng theo quan niệm của nhiều quốc gia châu Á, thủ tướng Úc đương nhiệm Scott Morrison cùng một loạt các Bộ trưởng, nghị sĩ và dân biểu thuộc Đảng Tự do Úc (LNP) đã gửi thông điệp chúc mừng năm mới hoàn toàn bằng tiếng Việt với dòng chữ “Chúc mừng Tết Nguyên đán 2021. Chúc năm Tân Sửu mang đến cho quý vị sức khỏe tốt, hạnh phúc và sự sung túc”.

Thủ tướng Úc Scott Morrison cùng các bộ trưởng, nghị sĩ và dân biểu thuộc Đảng Tự Do Úc gửi lời chúc mừng năm mới bằng tiếng Việt đến cộng đồng người Việt Nam tại Úc
Thủ tướng Úc Scott Morrison cùng các bộ trưởng, nghị sĩ và dân biểu thuộc Đảng Tự Do Úc gửi lời chúc mừng năm mới bằng tiếng Việt đến cộng đồng người Việt Nam tại Úc

Với Cindy Pham, một cô bé 12 tuổi người Úc gốc Việt đang sống ở thành phố Melbourne (bang Victoria) thì lại có một cảm xúc mà em cho là “khác lạ, khó giải thích” khi đọc thông điệp này bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ mà em ít có cơ hội được sử dụng kể cả khi ở nhà.

“Em sinh ra, lớn lên ở Úc và chưa có dịp nào được về thăm quê Việt Nam. Trước đó, thậm chí em quen với câu chúc Happy Chinese New Year mỗi khi đón Tết Âm lịch bởi nó được nói ở mọi nơi: trên báo chí, trên tàu điện, ngoài đường phố, và cả ở trong trường nơi em học”, Cindy kể lại bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ “không tròn vành rõ chữ”.

“Em chưa hề thắc mắc về câu chúc trên cho đến khi mới đây xem truyền hình và nghe được câu chúc Tết bằng tiếng Việt từ chính miệng của người Úc. Em rất hạnh phúc”.

Em bé người Việt Nam đang háo hức đón chờ các hoạt động nghệ thuật được biểu diễn nhân dịp Tết Nguyên Đán tại Sydney năm 2020 - Ảnh: Trần Tư Bình/PNO
Em bé người Việt Nam đang háo hức đón chờ các hoạt động nghệ thuật được biểu diễn nhân dịp Tết Nguyên đán tại Sydney năm 2020 - Ảnh: Trần Tư Bình/PNO

Cô bé Cindy cho biết, bản thân em đã cùng em trai mình dành vài ngày để tìm hiểu về phong tục ngày Tết của dân tộc Việt Nam qua sách báo tiếng Việt tìm được trong thư viện địa phương.

“Giờ đây em có thể tự tin để kể cho bạn bè người nước ngoài của em về Tết Nguyên đán của dân tộc mình”, Cindy nói với giọng đầy tự hào.

Hành trình “đòi lại tên cho em” của Tết Việt

Từ hàng chục năm nay, người Úc thường sử dụng cụm từ “Chinese New Year” (Năm mới của người Trung Quốc) để nói về Tết Nguyên đán của bất cứ quốc gia thuộc khu vực Đông Á nào có nền văn hóa trồng lúa nước. Việc lặp đi lặp lại cụm từ này qua thời gian dài đã khiến không chỉ người Việt Nam mà ngay người dân Úc cũng mặc định hiểu và chấp nhận tên gọi “Chinese New Year” cho sự kiện đặc biệt nhất trong năm của nhiều quốc gia châu Á.

Nhiều người ở thành phố Sydney vẫn còn nhớ, từ khi lễ hội Tết Âm lịch lần đầu tiên được tổ chức năm 1995 tại khu Chinatown nơi tập trung nhiều hoạt động kinh doanh buôn bán của người Hoa thì tên gọi “Chinese New Year Festival” (Lễ hội Năm mới của người Trung Quốc) bắt đầu được sử dụng. Cách gọi tên một sự kiện văn hóa chung của nhiều nước châu Á tập trung vào một nước riêng biệt này kéo dài suốt 22 năm với sự chấp nhận một cách miễn cưỡng của cộng đồng người dân các nước châu Á khác sinh sống tại Úc.

Năm 2015, một người Úc gốc Việt đã phát động cuộc vận động trực tuyến kêu gọi chính quyền thành phố Sydney sử dụng cụm từ Tết Nguyên Đán thay vì Tết Trung Quốc
Năm 2015, một người Úc gốc Việt đã phát động cuộc vận động trực tuyến kêu gọi chính quyền thành phố Sydney sử dụng cụm từ "Tết Nguyên đán" thay vì "Tết Trung Quốc"

Đến năm 2015, một người Úc gốc Việt có tên là Anthony Ngo cư ngụ tại thành phố Sydney đã khởi xướng một cuộc vận động trực tuyến kêu gọi người dân yêu cầu chính quyền thành phố Sydney không sử dụng cụm từ “Tết Trung Quốc” để gọi tên Tết Nguyên đán.

“Chúng tôi tin rằng, người Việt Nam hay người Hàn Quốc không ăn Tết Trung Quốc. Và về khía cạnh văn hóa thì Tết của người Việt Nam hoặc của người Hàn Quốc là khác với Tết của người Trung Quốc”, bản kêu gọi trực tuyến nêu lý lẽ.

Cuộc vận động đã thu hút gần 2.000 ủng hộ viên, phần lớn là cư dân thuộc cộng đồng các quốc gia châu Á ký tên. Tuy nhiên, phải đến năm 2018 thì chính quyền thành phố Sydney mới chịu sử dụng cụm từ “Lễ hội Tết Âm lịch Sydney” trên các sản phẩm truyền thông của mình thay vì cụm từ “Lễ hội Tết Trung Quốc Sydney” như trước đây.

Chính quyền các cấp ở Úc mong muốn cộng đồng các sắc dân khác nhau sẽ phát huy sự đa dạng và đặc sắc của mình thông qua các sự kiện cộng đồng truyền thống - Ảnh: Victoria Chapter/SBS
Chính quyền các cấp ở Úc mong muốn cộng đồng các sắc dân khác nhau sẽ phát huy sự đa dạng và đặc sắc của mình thông qua các sự kiện cộng đồng truyền thống - Ảnh: Victoria Chapter/SBS Radio

Đây là một sự thay đổi mang tính biểu tượng, hàm ý rằng, chính quyền thành phố Sydney mong muốn hướng tới sự đa dạng và bao hàm của nhiều cộng đồng sắc tộc khác nhau cho sự kiện lễ hội đặc biệt này chứ không chỉ dành riêng cho người Trung Quốc như trước nữa.

“Lễ hội Tết Âm lịch Sydney sẽ tôn vinh sự đa dạng văn hóa của tất cả các cộng đồng sắc tộc, cho dù là văn hóa của họ có sử dụng đến lịch Âm hay không. Điều này cũng tạo tiền đề và cơ hội cho sự phát triển của các dịp Tết Âm lịch trong tương lai", theo thông cáo của Hội đồng thành phố Sydney tháng 11/2018.

Nguyễn Thuận

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI