Rộ dịch vụ cầm đồ nhưng không giữ đồ, chỉ “chém” phí

07/07/2023 - 06:09

PNO - Hiện ở TPHCM, có những tiệm cầm đồ không cần giữ tài sản cầm cố, thậm chí nhận cầm cố cả tài sản đang mua trả góp. Đổi lại, khách hàng phải chịu phí “cắt cổ”.

Lãi suất 180%/năm 

Nhân viên tiệm cầm đồ F. trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, cho biết, tiệm có dịch vụ cầm cố nhưng không giữ tài sản đảm bảo. Muốn cầm cố xe máy, ô tô, khách hàng chỉ cần làm hợp đồng cầm cố và vẫn được giữ xe của mình để dùng. 

“Nhiều tài xế xe công nghệ, học sinh, sinh viên chọn dịch vụ này khi cần tiền gấp. Họ vừa có tiền nhanh, vừa giữ lại xe chạy” - nhân viên tiệm F. nói. Theo anh ta, chúng tôi có thể cầm cố chiếc xe Honda Lead sản xuất năm 2014, nhận được khoảng 10 triệu đồng, thời hạn 12, 15 hoặc 18 tháng. Nếu cầm trong 12 tháng, lãi suất là 1,417%/tháng, tương đương là 17%/năm. Chúng tôi vẫn được giữ xe để sử dụng nhưng phải chịu phí bảo hiểm khoản cầm cố gần 1,1 triệu đồng, phí ký gửi hàng hóa (là phí mà chúng tôi phải thuê lại xe trong quá trình cầm cố) là 451.238 đồng/tháng. 

Bảng lãi suất mà tiệm cầm đồ F. giới thiệu cho người muốn cầm cố xe
Bảng lãi suất mà tiệm cầm đồ F. giới thiệu cho người muốn cầm cố xe

Tiệm cầm đồ S.S. trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 nhận cầm cố xe máy với mức cho vay tối đa 40 triệu đồng, kỳ hạn từ 1-40 tháng, lãi suất 0,85%/tháng, tương đương 10,2%/năm nhưng phí thuê xe là 500.000 đồng/tháng.

Tiệm cầm đồ T.P. trên đường An Dương Vương, quận Bình Tân còn nhận cầm cố xe đã cầm cố ở nơi khác. Chủ tiệm này giới thiệu, có dịch vụ cầm xe không có cà vẹt (giấy đăng ký xe), cầm xe đang cầm ở các tiệm cầm đồ khác. Nếu xe có cà vẹt chính chủ thì cứ 1 triệu đồng, tiệm sẽ thu lãi 2.000 đồng/ngày, tương đương 6%/tháng, 72%/năm; nếu xe không có cà vẹt thì mức tiền cầm thấp hơn 50%, xe đang cầm chỗ khác thì mức tiền cầm cũng thấp hơn 50% so với mức đã cầm ở tiệm trước, lãi là 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương 15%/tháng, 180%/năm.

“Nếu em cầm ở tiệm F. thời hạn 12 tháng thì bên anh chỉ nhận cầm từ 1-3 tháng, còn nếu muốn cầm lâu hơn (tối đa 11 tháng) thì lãi suất cao hơn, mỗi tháng em phải đến cửa hàng đáo hạn 1 lần để bên anh kiểm tra là em vẫn thanh toán đầy đủ cho bên tiệm F. Nếu em không thực hiện như cam kết thì bên anh có quyền tịch thu xe, sau đó thay em đến tất toán hợp đồng để lấy cà vẹt ở tiệm F.” - chủ tiệm T.P. nói. 

Các tiệm C.Đ. 2, H.M. còn rao có dịch vụ cầm xe máy, ô tô đang trả góp tại ngân hàng. Theo đó, nếu cầm 10 triệu đồng thì lãi suất 30.000 đồng/ngày (9%/tháng, 108%/năm), phí lưu kho 5.000 đồng/ngày. Riêng với ô tô thì một số cửa hàng chỉ nhận cầm cố tối đa là 30 ngày để tránh gặp rủi ro pháp lý. 

Kiểu biến tướng đáng quan ngại 

Ông Lưu Minh Sang - giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho biết, bên cạnh các cơ sở cầm đồ tuân thủ pháp luật thì vẫn còn nhiều cơ sở cầm đồ hoạt động biến tướng, cho vay với lãi suất cao, cho vay nặng lãi, đòi nợ theo kiểu “luật rừng”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do còn nhiều lỗ hổng pháp lý liên quan đến dịch vụ này. 

Theo ông, Nghị định 96/2016 quy định, lãi suất cho vay cầm đồ không được vượt quá lãi suất cho vay tối đa 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự nhưng lại không nêu rõ lãi suất tối đa được áp dụng là lãi suất danh nghĩa trên hợp đồng hay lãi suất thực tế mà người vay phải trả. Các văn bản quy phạm pháp luật cũng không có quy định về các loại phí mà cơ sở cầm đồ được áp dụng đối với khách hàng. Do đó, một số cơ sở cầm đồ đặt ra nhiều loại phí như phí thẩm định khoản vay, phí quản lý tài sản, phí tư vấn, phí bảo hiểm, phí ký gửi, phí lưu kho… bên cạnh mức lãi suất danh nghĩa.

Một khách hàng đến cầm cố xe máy cho một tiệm cầm đồ trên đường An Dương Vương, quận Bình Tân
Một khách hàng đến cầm cố xe máy cho một tiệm cầm đồ trên đường An Dương Vương, quận Bình Tân

Ông cho hay, luật về dịch vụ cầm đồ của nhiều nước và vùng lãnh thổ khống chế mức lãi suất tối đa và thường ở mức khá thấp. Ví dụ, Thái Lan quy định lãi suất tối đa 2%/tháng đối với khoản vay không quá 2.000 baht (khoảng 1,4 triệu đồng) và 1,25%/tháng đối với khoản vay vượt quá 2.000 . Còn Singapore khống chế lãi suất tối đa ở mức 1,5%/tháng, Đài Loan (Trung Quốc) là 30%/năm. 

Họ cũng quy định rất rõ cơ cấu tiền lãi vay, cách thức thu lãi. Thái Lan quy định, nếu cơ sở cầm đồ thu thêm bất kỳ khoản tiền, tài sản nào khác ngoài tiền lãi thì cũng được xem là tiền lãi. Tại Đài Loan (Trung Quốc), các cơ sở cầm đồ không được thu bất kỳ khoản tiền nào khác ngoài tiền lãi và phí lưu kho không được vượt quá 5% số tiền vay. Luật Singapore thì quy định rõ các khoản tiền, mức phí tối đa của từng khoản mà cơ sở cầm đồ được phép thu, như phí phát hành thẻ cầm cố khi có sự thay đổi thông tin người vay tiền là 2 đô la Singapore. 
Ông Lưu Minh Sang cho rằng, việc các tiệm cầm đồ không giữ tài sản cầm cố mà buộc người cầm cố phải thuê lại tài sản của mình là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ và đòi nợ kiểu “khủng bố”.
Cũng theo ông, do Bộ luật Dân sự quy định các bên được quyền thỏa thuận việc người cầm cố được thuê, mượn lại tài sản nên hoạt động “nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản trong thời gian cầm cố” vẫn đúng pháp luật. Qua đó, có thể thấy, khung pháp lý về dịch vụ cầm đồ ở Việt Nam còn khá sơ sài, vô tình xem dịch vụ cầm đồ giống như dịch vụ cho vay tiêu dùng hay cho vay thế chấp tài sản của tổ chức tín dụng mà lại không chịu sự điều chỉnh của pháp luật ngân hàng. 

Ông nói: “Singapore có quy định, tài sản cầm cố sẽ bị tịch thu sau 1 tháng nếu như bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận. Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) cũng quy định về cơ chế tự động chuyển quyền sở hữu tài sản cầm cố sau một thời gian nhất định. Điểm chung là các cơ sở cầm đồ buộc phải giữ tài sản cầm cố. Muốn dịch vụ cầm đồ tiếp tục phát triển một cách lành mạnh, bền vững thì việc xây dựng một khung pháp lý riêng, cụ thể cho dịch vụ này là yêu cầu cấp thiết”. 

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, khung pháp lý cho hoạt động cầm cố tài sản ở Việt Nam rất lỏng lẻo. Những gì đang xảy ra trong hoạt động cầm đồ ở Việt Nam không thể xảy ra ở Mỹ. Thời học ở Mỹ, ông từng đem cây đàn đi cầm cố; chủ dịch vụ cầm đồ điều tra mã số trên đàn xem đã từng cầm cố ở đâu chưa, điểm tín dụng của người cầm cố tốt hay không. Pháp luật Việt Nam cũng có quy định tài sản đang mua trả góp thì không được đem bán hoặc cầm cố nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều dịch vụ nhận cầm cố xe đang trả góp, thế chấp tại ngân hàng. 

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, ở Mỹ, mỗi công dân đều có số an sinh xã hội (social security number) để sử dụng cho các mục đích cá nhân như xin việc làm, khám sức khỏe, vay tiền, mở tài khoản, mua nhà, nhận trợ cấp an sinh xã hội, cầm cố tài sản… Ở Việt Nam, vẫn chưa có hệ thống toàn diện và nhất quán như vậy, dẫn đến sự kiểm soát còn khó khăn và thiếu sót. Trước mắt, cần phải có một cơ quan đăng ký tài sản thế chấp một cách chặt chẽ. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI