Phiên bản mới, sao bắt phải sao chép cái cũ?

29/03/2023 - 09:45

PNO - Mấy ngày qua, thông tin đạo diễn Nguyễn Quang Dũng xác nhận diễn viên Mai Tài Phến vào vai Võ Tòng trong phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" đã gây ra làn sóng tranh cãi từ phía công chúng.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng vẻ ngoài non, thư sinh, lãng tử của nam diễn viên 9X không phù hợp với hình ảnh một Võ Tòng cứng cỏi, hoang dã, bặm trợn, xù xì vốn đã quen thuộc với khán giả trong phiên bản truyền hình. Trước Mai Tài Phến, thông tin Trấn Thành thủ vai bác Ba Phi cũng tạo nên làn sóng phản đối vì nam MC - diễn viên hài quá trẻ so với nhân vật một lão nông. Thêm nữa, phong cách hài của anh theo kiểu phê phán gay gắt, trực diện vấn đề không hợp với lối hài nhẹ nhàng, chân phương của bác Ba Phi...

Việc đoàn làm phim chọn Mai Tài Phến (phải) vào vai diễn Võ Tòng từng làm nên tên tuổi của diễn viên Lê Quang (trái) gây nhiều tranh cãi
Việc đoàn làm phim chọn Mai Tài Phến (phải) vào vai diễn Võ Tòng từng làm nên tên tuổi của diễn viên Lê Quang (trái) gây nhiều tranh cãi

Một tác phẩm điện ảnh làm lại từ phim cũ thường rất dễ “dậy sóng” dư luận, bắt đầu từ khâu chọn diễn viên. Tâm lý đa số khán giả đều mong muốn người vào vai phải có nét tương đồng với hình mẫu trong bản phim cũ, nhất là ngoại hình. Điều này dễ hiểu vì những phim được làm lại là những tác phẩm nổi tiếng, các nhân vật trong phim đã “đóng đinh” trong trí nhớ người xem qua màn hóa thân của dàn diễn viên cũ. Phiên bản mới vì vậy luôn bị đặt vào thế bị so sánh và chê bai dù phim chỉ mới khởi động chọn diễn viên, tác phẩm còn chưa thành hình. Tất nhiên, sự quan tâm của công chúng xuất phát từ tình yêu đối với bộ phim, nhưng điều đó cũng tạo nên áp lực tinh thần lớn với đoàn phim. 

Mỗi bộ phim phản ánh góc nhìn, sáng tạo của đạo diễn nên rất khó đòi hỏi sự giống nhau ở 2 phim dù là cùng khai thác từ một tác phẩm gốc. Phiên bản làm lại nghĩa là phiên bản mới, do đó không thể đòi hỏi những người làm phim sau phải rập khuôn người đi trước. Đối tượng xem bản phim mới đâu chỉ có lớp khán giả của bản phim cũ mà còn có cả những người mới, những người trẻ nên phim cần sự mới mẻ để tiếp cận với họ, giúp họ hiểu thêm tác phẩm gốc.

Hơn hết, phiên bản điện ảnh Đất rừng phương Nam chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi chứ không làm lại từ phim truyền hình Đất phương Nam nên không thể yêu cầu ê kíp mới chọn diễn viên theo khung đã định sẵn từ phim truyền hình. Thêm nữa, diễn viên khi lên màn ảnh còn có sự trợ giúp của diễn xuất, hóa trang, phục trang, thậm chí kỹ xảo. Chỉ nhìn diễn viên rồi phán xét không hợp vai e là vội vàng, phiến diện.

Trong truyện, ngoại hình nhân vật Võ Tòng cũng chỉ được mô tả “đen như cột nhà cháy, cao lêu nghêu, hố mắt sâu hoắm, cặp tròng mắt trắng dã, mái tóc hung hung như bờm ngựa phủ dài xuống gáy, bộ ngực chắc nịch”. Diễn viên Lê Quang - người để đời với vai diễn Võ Tòng trong bản phim truyền hình - đâu hẳn trùng khớp với miêu tả này.

Đạo diễn là người hơn ai hết hiểu bộ phim của mình.

Nguyễn Quang Dũng cũng đã có nhiều phim thành công, phát hiện ra nhiều gương mặt mới cho điện ảnh. Anh có cái lý khi chọn người. Đất rừng phương Nam là tác phẩm được đầu tư lớn, ê kíp thực hiện chắc chắn phải “chọn mặt gửi vàng” dàn diễn viên. Yêu thích tiểu thuyết Đất rừng phương Nam, tốt nhất hãy chờ phim ra rạp nhận xét cũng chưa muộn. Mọi sự chê bai khi bộ phim chưa thành hình sẽ là thiếu cởi mở, chủ quan. 

 Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI