Níu muôn dặm về

31/01/2022 - 06:58

PNO - Máy móc công nghệ có thể kéo người ta gần nhau, dễ dàng tạo ra những cuộc gặp mặt, nhưng không thể thay thế được ý nghĩa của sum họp. Sum họp chỉ được cảm nhận đủ đầy, trọn vẹn bằng các giác quan giữa các thành viên với nhau chứ không dừng lại trước những màn hình có kết nối.

1. Vé máy bay được đặt từ gần một năm trước, chuyển đổi lịch bay dăm lần bảy lượt, cho đến lần này thì ông bà đinh ninh sẽ được về quê. 

Tin có chuyến bay từ Canada về Việt Nam nối tuyến tại Nhật Bản 19 tiếng làm cho ông náo nức và âu lo đến mất ăn mất ngủ. Trước đó, sự đổi dời, trì hoãn của kế hoạch bay cũng khiến ông phấp phỏng đến suy sụp vì mỗi đêm chỉ chợp mắt được một, hai giờ đồng hồ, tới mức phải lệ thuộc vào thuốc an thần của bác sĩ. 

Rồi lịch bay tết cũng đến. Ông bà ríu rít gọi con cháu, bạn bè chuẩn bị đón mình ở TPHCM, sau đó cùng về quê hưởng cái tết sum vầy đoàn viên. Bà chuẩn bị mấy thùng hàng lớn làm quà cáp cho bà con bạn bè ở quê nhà, là quần áo, đồ chơi cho các cháu ở Việt Nam. Ông chuẩn bị những món nhắm, mấy chai rượu ngon và nhạc cụ mà trước khi đi đã hứa sẽ tìm mua để về ráp vào “ban nhạc nghiệp dư” cùng mấy ông bạn già nơi quê nhà. 

Ông bà đi xét nghiệm lấy kết quả âm tính để đảm bảo trong 72 giờ đáp xuống Sài Gòn là được về nhà tự cách ly. Cô con gái ở Canada cũng kịp đặt cho ông bà hai phòng ngủ để chợp mắt vì thời gian quá cảnh tại sân bay Nhật quá dài. Con trai ở Việt Nam cũng đã lên kế hoạch cách ly cho ba mẹ, làm sẵn thông báo với phường cho chu đáo. Ông còn dặn anh cài luôn app khai báo y tế theo đúng quy định của từng địa phương. 

Kế hoạch đâu vào đó, thế nhưng…

Ông bật khóc qua điện thoại với đứa cháu ở Việt Nam: “Ông bà không về được rồi. Người ta không cho ông bà bay…”. 

Ngày ông bà kéo vali đến sân bay, tuyết bay trắng trời. Quầy vé báo cho ông bà biết rằng chuyến bay đã gián đoạn khi sân bay Nhật đột ngột đổi quy định, không cho phép quá cảnh lâu.

Như vậy là “gãy” chặng bay Nhật Bản - Việt Nam. Ông bà không muốn tin vào sự thật bẽ bàng vào phút chót. Ông bà lại thức đêm lên mạng tính toán “vớt vát” bằng một số hành trình khác, trong đó tính đến cả việc bay về Campuchia rồi đi xe buýt về Việt Nam, nhưng kế hoạch ấy cũng không xong. 

Một lần nữa, hành trình trở về quê nhà trở nên xa thăm thẳm và quá nhiều quan ngại. Quan ngại lớn nhất mà ông bà lo nghĩ từng ngày, đó không chỉ là những run rủi trì hoãn trong việc di chuyển, mà còn là cuộc chạy đua giữa lúc sức khỏe tuổi già đang sa sút từng ngày với những chuyến đi lại đầy run rủi.

Gói bánh chưng, bánh tét là hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền
Gói bánh chưng, bánh tét là hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền

2. Suốt mấy tháng trời, mẹ tôi một mình trong mảnh vườn quê giữa dịch bệnh thập diện mai phục. Các con cái đều đi làm ăn xa. Mẹ vươn những lo âu về phía thành phố, nơi mà nhiều lần bà từ chối thích nghi sinh sống dù con cái ra sức thuyết phục để tiện trong việc phụng dưỡng. “Cho mẹ về quê, không nơi đâu bằng nhà mẹ. Các con, đứa nào rảnh thì về với mẹ chứ mẹ không chịu được tù túng của cuộc sống thành phố…”. 

Có lẽ cũng như những ông bà già quê khác, neo đậu cuộc sống thành phố là “cực chẳng đã”, mẹ luôn kể lể với xóm giềng rằng các con mình tốt lắm, thương mẹ, lo cho mẹ, rằng sống ở phố như cục nợ của con cháu. 

“Tụi nó phải đi làm, lo cho con, rồi lại phải chăm sóc mình mà mình chẳng chủ động được gì. Đến như nấu nồi cơm ở quê xem ra đơn giản, chỉ chụm củi thổi là cơm chín, còn động tới máy móc nhà bếp hiện đại bây giờ tuổi mình mắt mũi kèm nhèm “học không vô”, cơm canh bữa chín bữa sống, tội tụi nó”. Nhìn cảnh mẹ ngồi một góc trong bóng tối ban công với tràng chuỗi hạt trên tay chờ con cái đi làm về để dọn bữa tối, anh con cả nhiều lần rơi nước mắt. 

Rồi cũng đành tiễn mẹ ra bến xe, dặn dò mẹ nhớ bảo trọng khi không có con cái bên cạnh, tuổi già trái gió trở trời…

Suốt mấy tháng trời Sài Gòn giãn cách, cuộc gọi mỗi ngày với con cái làm cho mẹ thấy đỡ âu lo, căng thẳng. Có những thời điểm, nghe đứa này sổ mũi, đứa kia hắt hơi, đứa nọ viêm họng vì cảm mạo bình thường là bà mẹ quê mất ngủ, không biết có rủi ro vướng phải bệnh dịch khi mà số ca nhiễm, ca tử vong tăng vọt từng ngày. 

Lũ con cũng chia phiên gọi về an ủi và dặn dò mẹ ở yên trong nhà, trong vườn vì dịch bệnh đã vây quanh tứ phía. Mẹ cũng cố làm cho con cái yên lòng, khoe mấy tháng dịch chỉ ở trong vườn nhà, đã trồng được nhiều cây trái, rau hoa, quen với đời sống tự cung tự cấp không phải đi chợ.

Mẹ lại còn khoe trồng nhiều rau sạch để cho hàng xóm, trả ơn họ vì có lúc cậy nhờ chuyện chăm sóc thuốc men khi trái gió trở trời, gửi gắm chợ búa khi khớp chân đau nhức không đi lại được…

Mẹ cũng nói các con yên tâm đi, ở đây xóm giềng đứng bên này rào nói chuyện bên kia rào cũng dễ. Lo là lo cho các con, đứa ở chung cư, đứa ở phòng trọ, “nghe nói gió thổi con virus bay nơi nọ qua nơi kia dữ lắm”…

Rồi cái tết cũng đến. Nói chuyện đi về sum họp gia đình. Dù thèm cháu chắt, con cái vây quanh sau hơn nửa năm trời một mình vò võ, nhưng mẹ cũng lại nói: “Thôi tụi con thấy tình hình không ổn thì đừng về, để qua tết ổn mẹ đi xe vô thăm cũng được!”.

Anh con cả nói chuyện một lúc, thì mẹ cũng bộc bạch mong muốn thẳm sâu về một cuộc sum vầy giữa lúc dịch bệnh còn bủa vây: “Mẹ thấy tụi nhỏ trong xóm đi làm ăn xa cũng có ý định về tết. Hàng xóm bây giờ khoe với nhau là tết này con ai sẽ về thăm…”.

Mẹ khoe mua được mớ gừng ngon để làm mứt, mớ dưa kiệu, đu đủ ngon để làm dưa món và đã đặt mấy đòn bánh tét… “Tết xong cho mỗi đứa một vài hũ dưa kiệu, bánh mứt mang vào Sài Gòn ăn dần”, mẹ nói như thể đã chắc rằng các con rồi sẽ hội tụ đông đủ trong cái tết này sau quãng thời gian dài đằng đẵng cách ly, không có chuyện dịch bệnh ngăn trở những chuyến trở về.

3. Người già cảm thấy an tâm khi thuộc về quê nhà. Họ không chỉ gắn bó với nơi chốn bằng cảm xúc và nếp sống quen thuộc mà còn với mong muốn giữ cho con cái một chốn về như cái nôi vững vàng khi mọi cuộc kiếm tìm sự nghiệp và công danh không được như ý.

Họ cũng tìm cho mình một điểm dừng trong cuộc đời êm đềm để làm sao cho tuổi già được hài hòa với người và cảnh chung quanh, để không khiến con cháu phải bận tâm. Họ trở về như vốn dĩ cội rễ cuộc sống của họ là nơi đó. Dù cho thế giới có xáo trộn xê dịch tới đâu thì cũng cố giữ một cội rễ để lá rụng về, không thể chia lìa. 

Chỉ có nơi thôn quê thân thuộc, họ mới tìm thấy từng mùa xuân đi qua và ở lại miên viễn. Và bằng tình yêu thương, họ kéo con cái trở về với tâm thức nguồn cội qua những cuộc sum họp ngày tết. Lũ trẻ thế hệ nhập cư thứ hai, thứ ba ở thành phố và hay cả sinh trưởng ở ngoại quốc vẫn biết dõi trông quê hương mỗi khi xuân về tết đến; thấy ấm áp thiêng liêng khi có một miền quê để trở về, hay chí ít là hướng lòng về. 

Nguyễn An Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI