Những con đường ghi dấu ấn phụ nữ

27/03/2024 - 06:19

PNO - Nhiều đường hẻm ở quận 12 và TP Thủ Đức (TPHCM) giờ đây rất rộng rãi, sạch đẹp. Được vậy là nhờ sự kiên trì, bền bỉ của các dì, các chị cán bộ hội phụ nữ.

Chung sức hành động

Chị Bùi Thị Mười (53 tuổi) kiếm sống bằng nghề thu mua ve chai và bán tạp hóa. Còn chị Nguyễn Thị Vân (57 tuổi) đã nghỉ hưu, kiếm thêm đôi đồng bằng nghề sửa quần áo tại nhà. Gia đình họ chuyển tới sinh sống tại hẻm 57/8 đường TX31, tổ 31, khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12 cách đây vài năm.

Hẻm khi ấy còn lồi lõm, gập ghềnh. Chị Vân kể: “Sau hơn 20 năm ở trọ, năm 2018 tôi mới tích cóp mua được căn nhà trong xóm này. Hẻm hồi đó còn hẹp, rất khó đi. Thấy học sinh đạp xe đi học té lọt mương, ướt nhẹp, người lớn phải kéo lên, quần áo bết bùn đen hôi thối. Lúc đó, tôi nghĩ, chắc phải chịu trận thôi chớ biết làm sao. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi cô Mười dọn tới ở vào năm 2020”.

Sau hành trình gian nan làm đường, chị Bùi Thị Mười (bìa trái) cùng chị em vẫn ngày ngày quét dọn làm đẹp đường hẻm
Sau hành trình gian nan làm đường, chị Bùi Thị Mười (bìa trái) cùng chị em vẫn ngày ngày quét dọn làm đẹp đường hẻm

Tính tình xởi lởi nên sau khi định cư tại hẻm, chị Bùi Thị Mười nhanh chóng bắt chuyện với bà con lối xóm. Hằng ngày chạy xe đi thu mua ve chai, chị Mười cảm thấy bứt rứt khi bờ mương ven đường sạt lở nặng nề, mặt đường lồi lõm. Thế là chị tự bỏ tiền mua cừ tràm về gia cố lại một đoạn bờ mương.

Thấy chị Mười hì hục đóng cừ dưới mương, chị Vân ra phụ. Họ trở thành thân quen. Thấy trên Facebook của chị Vũ Thị Xuân ở cùng phường hay chia sẻ những chuyện nâng cấp các tuyến đường, tuyến hẻm, chị Mười liên hệ học hỏi kinh nghiệm. Từ đó, cứ sáng Chủ nhật là chị Mười lại rủ các chị em đi quét rác, phát quang bụi rậm, nhổ cỏ dại, góp tiền mua bóng đèn chiếu sáng cho hẻm của mình.

Thấy vậy, bà con trong hẻm bắt đầu “tiếp sức” cho các chị. Có tiền, các chị mua sắt và xi măng về tự đổ trụ bê tông để gia cố những đoạn bờ mương chưa đóng cừ tràm. “Chị Mai, gần 70 tuổi, góp công gom đất đá. Bác Lợi, hơn 70 tuổi, dành phần lội mương đóng cọc…” - chị Mười kể lại quá trình làm đường hẻm.

Nắm bắt những đóng góp thầm lặng của chị Mười, Hội LHPN phường Thạnh Xuân kết nối chị với tổ chức hội. Chị Mười được chị em bầu làm Tổ trưởng tổ phụ nữ 31, khu phố 2.

Cuối năm 2022, chị Mười kêu gọi cả xóm góp tiền nâng cấp đường hẻm. Nhưng, xóm toàn lao động nhập cư, đa phần làm công nhân, bán hàng rong, phụ hồ, kinh tế còn chật vật, cuộc sống còn trĩu nặng lo âu nên không dễ kêu gọi đóng góp. “Đoạn đường dài 215m, rộng 3,3m, nếu trải bê tông phẳng phiu, chắc chắn tốn kém lắm.

Nhưng yêu cầu là phải làm thật tốt, thật kỹ. Thế là tụi tôi vận động làm từng đoạn. Trong 2 lần trải bê tông năm 2023 chúng tôi mới làm được 150m. Trong năm 2024 này, chúng tôi sẽ nỗ lực làm đoạn còn lại. Nhiều chị em cán bộ, hội viên phụ nữ các khu phố khác cũng đã góp tiền cho con đường này” - chị Mười chia sẻ.

Để hẻm thêm đẹp, chị Vân còn bỏ công trồng và chăm sóc một đoạn hoa chiều tím. Các chị em khác góp tiền treo cờ…

Hẻm đẹp, xóm vui

Từ đầu tháng Hai tới nay, ngang qua hẻm 614, tổ 6, khu phố 1, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, ai cũng trầm trồ vì thấy đường hẻm rộng rãi, sạch sẽ, 2 bên hẻm treo lồng đèn, cờ tổ quốc bay phất phới. Chị Trần Thị Kim Chi - 51 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố 6, khu phố 1, phường Phước Long B - phấn khởi: “Để có con đường đẹp như bây giờ, tôi đã vận động bà con trong xóm hùn tiền nâng cấp 4 lần kể từ năm 2006 tới giữa năm 2023. Cận tết, thấy hẻm thông thoáng, xe cộ qua lại ngon ơ, mấy chị em gọi điện bảo muốn treo cờ tổ quốc, vậy là tôi lại kêu gọi các gia đình góp tiền. Mọi người đều rất vui”.

Chị Trần Thị Kim Chi - người tổ trưởng đã dành nhiều tâm sức cho con đường của xóm gần 20 năm qua
Chị Trần Thị Kim Chi - người tổ trưởng đã dành nhiều tâm sức cho con đường của xóm gần 20 năm qua

Chị Kim Chi kể, hơn 20 năm trước, hẻm 614 chưa có đèn và chỉ đủ cho 1 chiếc xe đạp chạy, 2 bên cỏ mọc um tùm. Hơn 1 năm sau ngày cưới, vợ chồng chị xây nhà ra riêng. Chị ước nơi mình ở có con đường đàng hoàng nhưng cả xóm lúc bấy giờ đều khó khăn, nên cứ tối đến, sau khi đi làm về, 2 vợ chồng chị lại gánh gạch đá, thồ xi măng từ ngoài đường lớn vào làm hẻm.

Năm 2006, khi có chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc mở rộng hẻm 614, là tổ trưởng tổ dân phố, chị Kim Chi tiên phong lùi mặt tiền vào 1,8m, đồng thời gõ cửa từng nhà kêu gọi chung lòng mở rộng hẻm. Sau đó, trong các năm 2010, 2011, 2013 và 2023 chuyện nâng cấp hẻm, đầu tư trụ đèn lại được đem ra bàn.

Chị Kim Chi kể: “Đường đất tuy rộng nhưng đã xuống cấp, nhếch nhác, rác đọng dưới mương nước, chị em phụ nữ dọn hoài vẫn không hết rác. Tôi gặp ủy ban phường và các chú, các anh trong ban điều hành khu phố mong hỗ trợ. Thật may là lãnh đạo địa phương ủng hộ ngay, lại có một doanh nghiệp chuyên kinh doanh đồ gỗ trong xóm cũng sẵn lòng hỗ trợ. Thế là chúng tôi mua đá xanh rải đường, rồi bê tông hóa, lấp mương làm cống thoát nước, lắp đèn năng lượng mặt trời. Rồi hội phụ nữ cho cây giống về trồng. Cứ làm lần hồi cho tới tháng 8/2023 thì thành con đường dài 450m, rộng 5m như bây giờ”.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI