Nhớ tiếng gọi lô tô quê mẹ

17/02/2021 - 05:50

PNO - Ở quê tôi, xứ cù lao 3 đảo dừa xanh, có một nơi ai cũng ghé mỗi khi xuân về, không phải chợ hoa, mà là những hội chợ xuân rộn rã.

Hình như không chỉ Bến Tre, mà hội chợ xuân có khắp lục tỉnh Nam kỳ. 15 năm xa quê, đón tết ở thành phố, điều làm tôi nhớ nhất là những gian hàng, các anh giả gái, mời gọi người mua phiếu chơi trò chơi, hay chơi lô tô ở khu cuối cùng của hội chợ.

Bạn đừng nhầm hội chợ xuân quê tôi với những hội xuân như hội xuân Tao Đàn, hay là những hội chợ bán hàng. Ở đó cũng có bán, nhưng là bán trò chơi. Hội chợ cũng được chia thành các gian hàng như các hội chợ thương mại. Có khác chăng là thường được tổ chức ở các sân vận động, ngoài trời thay vì trong nhà.

Các trò chơi thường có như phóng phi tiêu, thảy banh, ném lon… các trò chơi dễ bày ra để người chơi thích thú. Dễ chơi là vậy, nhưng không dễ trúng. Tôi nhớ có lần, vì muốn có một con gấu bông mà tôi phải mất nhiều tiền hơn là mua con gấu đó. Các giải thưởng cũng tùy loại, bột ngọt nè, sữa nè, nước ngọt là phổ biến. Tất nhiên, để chiêu dụ khách thì cũng có các món đặc biệt như gấu bông, bộ nồi…

Một gian hàng trò chơi. Ảnh minh họa
Một gian hàng trò chơi ở hội xuân - Ảnh minh họa

Tôi với em trai tôi năm nào cũng tha về nào sữa, nào nước ngọt, bột ngọt… tất nhiên, tiền để chơi không gì khác, chính là tiền lì xì. Nếu đến vào buổi tối muộn, tầm 19 giờ, bạn sẽ được thưởng thức một tiết mục vui nhất của hội chợ: kêu lô tô!

Lô tô ở hội chợ khác lô tô ở nhà. Các chị (thực ra là các anh đồng tính, giả nữ) mời gọi rất ngọt ngào. Họ đẹp, dễ thương, mời mua một phiếu lô tô không mấy giá trị, nhưng bù lại có thể cho người ta một cơ hội lớn hơn. Chỉ cần "kinh" trước, sẽ được một phần quà giá trị.

Tôi thì không nhớ quà là gì vì cơ bản chưa khi nào mình trúng. Cái sân khấu đơn sơ ấy, ánh đèn cũng không phải quá rực rỡ, nhưng với một đứa trẻ nhà quê thì đó là một nơi lấp lánh, hào nhoáng và rất quyến rũ.

Đoàn Lô Tô Sài Gòn Tân Thời cũng tái hiện một phần nào gian hàng lô tô ở các hội chợ.
Đoàn Lô Tô Sài Gòn Tân Thời cũng tái hiện một phần nào gian hàng lô tô ở các hội chợ

Nhạc lô tô ồn ào, nhưng vui tai. Mấy vần đọc với nhau nghe dễ thương, ví dụ như: “Lẳng lặng mà nghe/ Tôi kêu con cờ ra/ Cờ ra mà con mấy/ Con mấy gì đây/ Cô ơi cô/ Cô đừng đi lấy chồng/ Về Tây Đô bên dòng sông/ Tui ngồi hát cô nghe/ Trời ơi, cô đừng đi lấy chồng/ Để hai thằng buồn bên bài hát lý cây bông/ Con số 0, con số 0….”

Một bài đơn giản vậy thôi mà tôi nhớ hoài, mấy cô hát ngọt lịm, nhạc thì xập xình, chúng bạn cười đùa, ai cũng biết khả năng trúng giải là thấp nhưng vẫn chơi. Vẫn ngồi để khu lô tô đông đúc thì xôm tụ.

Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đó với phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã có những thước phim tài tình về người chuyển giới hát lô tô, sống nơi này nơi khác theo những gánh hội chợ. Tôi chỉ biết về những điều đó sau này, nhưng khi còn nhỏ, tôi ngưỡng mộ họ như những diễn viên trên tivi.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - Một bộ phim hiếm hoi về người chuyển giới hát lô tô.
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - Một bộ phim hiếm hoi về người chuyển giới hát lô tô

Hội chợ diễn ra ở sân vận động vì nó rộng, sức chứa người, hàng lớn, nhưng còn cái lý do nữa là vì sân vận động sẽ bắn pháo bông. Ở Sài Gòn người ta hay nói là bắn pháo hoa, nhưng dân miền tây thì cứ pháo bông thôi.

Tôi nhớ một năm nào đó, tôi đã 17 tuổi, tức là ở cái tuổi đã biết thẹn thùng khi nhìn người con trai mình thích. Năm đó, tôi có bạn trai, anh từ Sài Gòn xuống, tôi đi cùng với bạn gái và một người đàn anh. Anh này cũng thích bạn tôi, chúng tôi thành hai cặp. Đêm ấy, pháo bông nổ đầy trời, tôi cũng như mọi người, ngửa cổ mà ngóng vì pháo bông đâu phải dễ có ở cái huyện tỉnh lẻ. Anh ấy hôn má tôi, cái hôn rụt rè vì những năm đó, người ta ngại công khai những cử chỉ âu yếm nơi công cộng, nhất là ở xứ nhà quê.

Cứ mỗi tết về, tôi lại nhớ cái gánh lô tô, nhớ mấy trò chơi mà biết chắc mình chơi cũng thua nhưng vẫn cố thử. Ừ, ngày xuân mà, thử vận may, trúng thì vui, thua thì cũng vui vì cũng chỉ mất dăm đồng. 

Nam nay COVID-19, chúng tôi kẹt lại Sài Gòn, không dắt con về xem lô tô được. Ừ hẹn nhé hội chợ xuân năm sau, mình về nghe câu hát dễ thương của các chị: “Cờ ra con mấy, con mấy cờ ra….”

Đoàn Kim Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI