Nhớ hoài viên pháo lép

14/02/2024 - 07:36

PNO - Tết năm đó, tôi phải ở trong nhà thương với một bên bắp vế phải bị may mấy mũi chỉ do 1 viên pháo lép phát nổ.

Chỉ là viên pháo lép nhưng nó đã đi vào giấc mơ của cậu bé 12 tuổi và bây giờ ngồi nhớ lại ở tuổi 72...

Ơ! Mà viên pháo, phong pháo, gốc gác từ đâu nhỉ? Tỉ mỉ, tằn mằn tìm đọc trên các sách báo, thì ra pháo có từ thời cổ xưa, xa lơ, xa lắc.

Theo sử sách ghi chép, ở Trung Hoa xưa, cách nay chừng trên 2.000 năm, pháo có tên là “bộc trúc” hay còn gọi là “tiên pháo”, “pháo trượng”. Pháo khởi đầu là từ cây đuốc lớn thời cổ, được làm từ thân cây trúc, gọi là đình liêu. “Đình liêu” nghĩa đen là cháy sém đình.

Sách Kinh thi có chép rằng: “Đình liêu chi quang”, nghĩa là ánh sáng của ngọn đuốc lớn. Điều đó được giải thích, khi cây trúc bị cháy, không khí trong các đốt trúc bị nóng nở ra, làm nứt ống trúc, gây thành tiếng nổ lẹt đẹt, tí tách.

Thời xưa, người ta dùng cách này để đuổi ma, trừ ôn dịch. Đây chính là “phát minh” sớm nhất về pháo, hay còn gọi là “bộc can”. Và cứ đến mùng Một tháng Giêng âm lịch hằng năm, người ta lại cùng nhau đốt các ống tre, trúc để xua đuổi tà ma, ác quỷ và duy trì thành tục lệ.

Đến khi người Trung Hoa tìm ra thuốc nổ, lưu huỳnh được trộn thêm vào các ống tre, trúc, than củi để gây tiếng nổ lớn, sau đó được quấn chặt vào giấy dày. Mãi đến thời Nam Bắc triều (khoảng năm 420-589 sau Công nguyên), đốt pháo được quy định thành tập tục đón mừng năm mới cho đến ngày nay.

Ngày xưa múa lân và đốt pháo luôn song hành mỗi độ xuân về
Ngày xưa, múa lân và đốt pháo luôn song hành mỗi độ xuân về. Nguồn ảnh: internet

Pháo cũng đã được du nhập vào xứ mình kể từ thời Bắc thuộc, và cũng được coi là vật xua đuổi tà ma, đón mừng năm mới, rước tài lộc, may mắn vào nhà, nhất là khi những viên pháo được quấn bằng giấy nhuộm hồng điều, khi đốt thì xác nổ tung, bay ngập tràn một màu đỏ hồng - màu của tài lộc và may mắn.

Pháo cũng có mặt rất sớm trong ca dao, thơ, nhạc, họa của người Việt Nam. Hình ảnh pháo được nêu trong câu đối cổ xưa “Thịt mỡ, dưa hành, câu, đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tiếng pháo nổ giòn, vui, nhưng cũng làm kinh sợ ma quỷ, kể cả gia súc: “Chạy như chó nghe pháo”.

Trở lại chuyện viên pháo lép. Thuở ấy, đâu vào những năm đầu của thập niên 1960, cha tôi chuyển cả gia đình lên cao nguyên Trung phần, ở trên một căn phố nhỏ trên đường Tôn Thất Thuyết, thành phố Buôn Ma Thuột, nơi chúng tôi hay gọi vui là “Bụi mù trời” hay “Buồn mà thương”. Đó là thành phố nhỏ hiền hòa mà trung tâm là xã Lạc Giao có rạp hát Lodo và một cái chợ, quanh năm sền sệt bùn đỏ.

Khu phố nơi gia đình tôi ở gồm có vài gia đình người Pháp làm ở sở cao su tận Buôn Hô, gần chục hàng quán của Hoa kiều cùng hơn chục gia đình người Việt, đa số là công chức và mua bán. Lũ trẻ chúng tôi lúc đó chơi nghịch, đùa giỡn với nhau không phân biệt, Tàu, Tây hay ta gì cả. Từ những trò chơi năm mười, rượt bắt đến đánh khăng, đánh đáo, u mọi, đánh trận giả đều có nhau.

Mỗi năm, tết đến, cả khu phố đều vui như tết mặc dù đám trẻ Tây đã có cái tết riêng vào đầu năm dương lịch. Các trò chơi lúc ấy chủ yếu là xóc bầu cua cá cọp”, lô tô nhưng vui nhất, mạo hiểm nhất vẫn là trò chơi, đi lượm pháo lép và đốt pháo với nhiều "sáng kiến" khiến người lớn cũng phải lắc đầu, xách roi ra dọa và răn đe song không bao giờ đánh vì sợ xui cả năm.

Thuở ấy, trẻ con để dành tiền hoặc có tiền lì xì là nghĩ ngay đến việc mua pháo chuột để đốt. Pháo chuột là viên pháo nhỏ bằng chiếc đũa, dài khoảng 2 đốt tay người lớn. Khi đốt, pháo này thường xịt khói và chạy ngoằn ngoèo trên nên gạch trông rất vui, nếu có nổ thành tiếng thì chỉ là những tiếng lốp bốp, không nổ vang như pháo thường thấy.

Chỉ có những đứa nghịch ngợm, gan lì - mà bọn nhóc hay gọi là “chì” - mới dám mua và đốt pháo bình thường, bởi lẽ pháo thường nổ có thể gây nguy hiểm nếu đốt không cẩn thận, có thể tét tay, mù mắt như chơi.

Phố nhỏ lúc ấy có mấy nhóc thuộc loại “chì” như Minh mập, Nghị nẫu, Hen mắt xanh, Tình lé, Cự Ba Tàu và... tôi, kéo theo một đám đệ tử chừng dăm đứa nữa. Mỗi khi con phố có nhà nào đốt pháo là náo động cả lên, bọn tôi tranh giành pháo lép, la hét inh ỏi.

Tết năm ấy, có lẽ tình hình chiến sự ở nhiều nơi yên ắng, việc đốt pháo không bị hạn chế nên cả phố thi nhau đốt pháo. Chưa đến Giao thừa, đã có vài nhà lẹt đẹt, đì đùng tiếng pháo, rồi thì phố Ba Tàu bắt đầu khai hỏa, có nhà dây pháo dài từ lầu 3, lầu 4 xuống gần chạm đất, pháo nổ inh tai, xen với những viên pháo đại đùng đoàng như đạn súng cối. Cả khu phố nhỏ nồng mùi thuốc pháo.

Nhà của các ông Tây xưa nay không đốt pháo nổ, nay ông “Tây ba toong” (vì đi đâu cũng chống cây ba toong) cũng làm luôn mấy phong pháo to đùng. Bọn trẻ chúng tôi ai cũng nôn nao, rạo rực, muốn phóng chạy ra khỏi nhà để lượm pháo lép, nhưng tất cả hình như bị cấm cửa vì đêm tối, nguy hiểm. Nằm mà thao thức chờ sáng, sớm mai đi thu lộc pháo.

Sáng sớm hôm sau, mới tờ mờ đất, sau màn chúc tết ông bà, cha mẹ và nhận tiền lì xì xong, lũ nhóc chúng tôi chạy ùa ra khỏi nhà, theo tiếng trống lân rộn rã từ xa. Cả con phố, trước cửa nhà nào cũng nhuộm đỏ xác pháo, báo hiệu một năm làm ăn an lành, khấm khá.

Thằng Minh mập, Nghị nẫu và đám đệ tử khoe mỗi đứa một túi pháo lép, tôi lúc đó chỉ được vài ba viên, buồn thiu. Thằng Nghị kiếm đâu ra cái lon sữa bò, dưới đáy lon có đục một lỗ nhỏ, bày trò phóng phi thuyền. Nó lấy ra 1 viên pháo còn nguyên ngòi, nhét ngòi pháo vào cái lỗ nhỏ ở đáy lon, xong úp cái lon xuống, còn thò ra cái đầu ngòi pháo, nó kéo tụi nhỏ dang xa ra và lấy cây nhang đang cháy đỏ, dí vào ngòi pháo. Khói xì lên, một tiếng nổ đùng, cái lon bị sức hất của pháo, vụt bay lên như phi thuyền, cả bọn reo hò hớn hở. Cùng lúc, chiếc xe ngựa chở đoàn lân của chú Bảy Cỏn ghé trước cửa nhà ông Hai lục lộ. Nhà ông cúng đầu năm, rước đoàn lân đến múa vui. Đám con nít lại xúm xít bu quanh con lân và ông Địa.

Pháo từng là nỗi ham thích lẫn ám ảnh của lũ trẻ. Ảnh: Internet
Pháo từng là nỗi ham thích lẫn sợ hãi của lũ trẻ. Nguồn ảnh: internet

Trong lúc không ai để ý, đứa nào đó chơi nghịch, đốt viên pháo quăng vào đống... phân ngựa do con ngựa kéo xe vừa mới thải ra lúc nãy. Tiếng pháo nổ vang lên, phân ngựa bắn tung tóe như mưa làm đám con nít đang bu quanh lãnh đủ. Tiếng la, tiếng chửi vang rân.

Chú Bảy Cỏn cười nghiêng ngửa, luôn miệng “Hảo lớ. Hảo lớ. Đầu năm dính hên nghe bây”. Cùng lúc, chủ nhà cho châm phong pháo để lân rước lộc. Pháo rộ lên, bọn nhóc thôi la chửi, ào vào tìm pháo lép. Những viên pháo văng ra, bay xuống chân, chưa nổ, tụi nhóc đã đưa chân lên dụi tắt mồi lửa, nhanh chóng lượm, bỏ túi. Tôi cũng cúi xuống, lượm 1 viên, chà vội ngòi pháo xuống nền gạch và nhét đại vào túi quần đang chứa mấy viên pháo vừa lượm hồi sáng.

Tôi đứng lên, nghe tiếng thanh la, chập chõa vang rền cùng một tiếng pháo nổ vang dội. Khi con lân đang há miệng rước lộc, tôi  có cảm giác một bên bắp vế mình rát bỏng, một bên túi của chiếc quần ka ki mới keng vừa thay sau Giao thừa văng mất. Tôi thét lên. Ông Địa đang đứng gần tôi xoay người lại, quạt lia lịa vào người tôi...

Mọi người xúm lại rồi chạy kêu ba má tôi. Mùng Một tết năm đó, tôi phải ở trong nhà thương với một bên bắp vế phải bị may mấy mũi chỉ do 1 viên pháo lép phát nổ.

Từ đó, cứ đến tết là nhớ, và mỗi khi thay đồ cũng nhớ...

Trần Hoàng Vy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI