'Người tiếp sức' cho trẻ khuyết tật Thị Nghè

02/11/2018 - 07:30

PNO - Để giúp một đứa trẻ hơn 10 tuổi biết tự mặc quần, tự ngồi yên trên ghế, cô Mai Huỳnh Bích Thơ cùng đồng nghiệp ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè phải trải qua hành trình 2 năm đằng đẵng.

Mỗi một tiến bộ nhỏ nhoi như thế của từng em học trò cũng đủ cho các cô mừng vui rơi nước mắt…

'Nguoi tiep suc' cho tre khuyet tat Thi Nghe
Cô Thơ trong “vòng vây” của các học trò.

Tiếng vọng yêu thương níu gọi quay về với nghề

Mỗi sáng, vợ chồng cô Bích Thơ lại rời căn nhà nhỏ ở đường Chu Văn An (P.12, Q. Bình Thạnh) với mỗi người một chiếc xe gắn máy chở theo hai đứa con. Bốn người trong gia đình lại cùng đến đích là địa điểm quen thuộc từ nhiều năm qua - Trung tâm Thị Nghè, để bắt đầu công việc trong ngày mới.

Hai đứa trẻ đi cùng vợ chồng cô Thơ, một đứa là con ruột, bị chậm phát triển, nay đã 12 tuổi; đứa còn lại là con của một gia đình ngư dân nghèo ở Kiên Giang, bị bệnh đầu nhỏ và tăng động, được vợ chồng cô Thơ nhận chăm chút từ nhà tới trường đã mấy năm nay. Chồng cô Thơ làm nhân viên kỹ thuật, còn cô là giáo viên chủ nhiệm tại Trung tâm. Lương của cả hai vợ chồng cô Thơ là hơn 8 triệu đồng mỗi tháng.

Hiện cô Thơ cùng hai đồng nghiệp khác đang chăm sóc, dạy dỗ một lớp học có hơn 20 học trò. Học trò các cô ở nhiều độ tuổi, từ 6 đến 12; có đủ dạng tật bệnh: câm điếc, hội chứng Down, bại não, bại liệt, tự kỷ, tăng động, chậm nói… 

Mẹ cô Thơ cũng từng có thời gian công tác tại Trung tâm hơn 20 năm. Quãng đời tuổi thơ của cô vẫn thường lẽo đẽo theo mẹ đến nơi làm việc, chơi đùa cùng các bạn, quẩn quanh cùng các cô các chú ở bếp dinh dưỡng phụ nhặt rau. Tâm hồn non nớt của cô bé Thơ lúc đó chưa thể hình dung được những khác biệt giữa các bạn mà mẹ chăm sóc với mình, nhưng hình ảnh các bạn nhỏ bị khuyết tật đã đậm sâu trong ký ức.

Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, dạy học một thời gian ngắn nhưng vì đời sống kinh tế quá khó khăn, cô Thơ buộc phải tạm nghỉ dạy để lao vào đủ thứ công việc nhằm đỡ đần cho gia đình. Bất kể công việc gì, dù là “trái tay” cô Thơ vẫn nhận làm, từ dạy kèm, thủ kho, kế toán… Cô nhớ về bục giảng, nhớ những đứa trẻ, về những “bạn nhỏ” thuở xưa để làm nguồn an ủi cho mình vượt qua những lúc khó khăn. Thẳm sâu, những tiếng kêu “ú ớ”, dáng hình dặt dẹo của những đứa trẻ như tiếng kêu “riết róng” thường vọng về cô mỗi tối.

“Dạy một trẻ bình thường vốn đã khó. Dạy các em khuyết tật còn khó khăn hơn gấp bội lần”, các thầy cô ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè thường tự nhủ với nhau như thế để cùng cố gắng hơn, đỡ đần nhau trong công việc.

Mỗi đứa trẻ vào đây sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng; điều trị và giáo dục phục hồi; huấn luyện vào đời. Ở đây, dạy trẻ bao gồm cả dạy kiến thức, kỹ năng và chăm sóc. Chăm sóc một đứa trẻ  cũng mất cả ngày, từ chăm lo ăn uống, vệ sinh cá nhân, trò chuyện, tập kỹ năng, rèn vận động…

Đối với trẻ tật nhẹ, một cô có thể quán xuyến được 4 em, riêng với trẻ tự kỷ thì phải “1 kèm 1”. Gặp trường hợp trẻ tật nặng, thời gian đầu các cô phải quần quật từ sáng tới chiều mà vẫn chưa hết việc cho mỗi đứa học trò. Như cháu Nguyễn Tấn Hoàng Nhật, 10 tuổi, bị bại não, liệt chi dưới. Để cháu biết kêu “ú ớ” khi muốn đi vệ sinh, các cô đã phải rèn kỹ năng kiểm soát hành vi nhỏ này cho cháu trong thời gian tính bằng tháng, bằng năm.

Ngày Nhật tự chuyển từ chiếc xe lăn chuyển sang ngồi được trên chiếc ghế gỗ cũng đủ cho các cô mừng vui ôm chầm lấy nhau mà rơi nước mắt. Thời gian để Nhật “đi qua hành trình kỳ diệu” này mất đến 2 năm rèn luyện. “Mà ở Trung tâm này, các thầy cô, nhân viên công tác xã hội, ai cũng đều phải làm như vậy hết”, cô Thơ chia sẻ.

Bên cạnh công việc thường ngày, cô Thơ còn là thành viên ban chuyên ngành của Trung tâm. Trước khi tiếp nhận học viên mới, các thành viên bắt đầu lấy thông tin, kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, phục vụ, vận động, sức khỏe… để có thể đề xuất tiếp nhận hay hướng nuôi dạy, chăm sóc một cách tốt nhất cho trẻ.

Gắn kết những yêu thương

Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) hiện có khoảng 250 cán bộ - công nhân viên, tổ chức tiếp nhận, chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho gần 400 trẻ mồ côi, khuyết tật từ sơ sinh đến 16 tuổi; đồng thời tiếp nhận giáo dục phục hồi cho 200 trẻ khuyết tật tại cộng đồng. Bên cạnh 2 cơ sở tại TP.HCM, Trung tâm còn có cơ sở tại tỉnh Lâm Đồng để nuôi dưỡng, dạy nghề cho những trẻ đã trưởng thành, không nơi nương tựa.

Học viên ở Trung tâm, bên cạnh mồ côi, đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, hoàn cảnh kinh tế gia đình phần lớn đều quá khó khăn. Đã nhiều lần, cô Thơ cùng đồng nghiệp chứng kiến cảnh gia đình học trò không đủ tiền để mua chiếc xe lăn cho con tập vận động, chiếc nẹp chuyên dùng để tập đứng vững… Trăn trở mãi, vậy là cô Thơ “đánh liều” đăng ký tham dự một chương trình truyền hình để thực hiện ước mơ. Hôm cô đứng trên sân khấu chuẩn bị hát bài “Cô nuôi dạy trẻ”, đôi chân run run không trụ được. Học trò bên dưới khán đài cổ vũ cô bằng cách huơ huơ cách tay gầy cố vỗ vào nhau. Với cô Thơ, đó là sự động viên “sẽ nhớ mãi trong đời”.

Hành trình dự thi kéo dài hơn năm trời, 50 triệu đồng từ giải thưởng được cô dành hết mua sắm các vật dụng, trang thiết bị để rèn luyện kỹ năng cho học trò của mình.

Theo cô Thơ, việc chăm lo cho trẻ khuyết tật tuy vất vả nhưng cái khó khăn lớn nhất chính là việc kết nối với phụ huynh của các em. Phần nhà xa, kinh tế khó khăn, không ít phụ huynh chán nản, ít quan tâm đến các em, phó mặc cho Trung tâm. Tâm lý chỉ lo làm việc đủ đóng học phí, lo đưa rước… cũng đủ khiến cha mẹ các em mệt nhọc.

Chính vì điều đó, từ nhiều năm qua, cô Thơ tiến hành tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng em, cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm tổ chức gắn kết mối quan hệ với phụ huynh để cùng hợp tác, giữa các phụ huynh với nhau để cùng quan tâm. Cũng có phụ huynh vì quan tâm quá mức, sợ con bị thiệt thòi nên đòi hỏi cao, giáo viên chủ nhiệm lại phải tìm mọi cách để giải thích, tìm dẫn chứng, hỗ trợ…

“Nếu phụ huynh quan tâm thì việc giáo dục cho các em sẽ tiến bộ, thuận lợi hơn rất nhiều. Lắm khi, chỉ cần các em duy trì thôi, không bị tụt lùi cũng đã là một thành công”, cô Thơ khẳng định.

Với mỗi trẻ, các cô phải lên chương trình chăm lo “đồng nhất trong khác biệt”, với mỗi phụ huynh là cách tiếp cận và trao đổi thông tin khác nhau. Chính cô Thơ cũng có đứa con bị khuyết tật nên sự cảm thông, chia sẻ với phụ huynh, với học trò khiếm khuyết càng có “độ sâu". “Chỉ cần phụ huynh ngày càng dành nhiều thời gian với trẻ cũng là một thành công trong kết nối giáo dục tiến bộ từng bước cho các em”. Như mới đây, vào dịp cuối tuần, phụ huynh gọi điện báo tin “Con giờ ở nhà đã có thể bỏ tã luôn được rồi” cũng đủ cho các cô vui hết tháng.

Nhiều năm qua, cô Thơ cùng các đồng nghiệp vẫn tự bỏ công sức, góp chút đỉnh tiền để làm đồ chơi cho trẻ, tổ chức các buổi vui chơi, ăn uống mỗi khi có dịp. Với cô, “đó là niềm hạnh phúc giản dị mà mình không dễ tìm kiếm được”.

'Nguoi tiep suc' cho tre khuyet tat Thi Nghe

Vợ chồng cô Mai Huỳnh Bích Thơ.

Hai vợ chồng cô Bích Thơ vẫn ở trong căn nhà nhỏ, thu nhập của cả hai chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Căn nhà nhỏ vẫn là mái ấm của nhiều trẻ khác khi cha mẹ bận việc nhiều ngày hay phải đi làm ăn xa, gửi con cho cô giáo nhờ coi sóc. Căn nhà đó vẫn là nơi em Hoàng Bách, 9 tuổi, con gia đình ngư dân nghèo ở Kiên Giang gửi nhờ, được vợ chồng cô Thơ chăm sóc. Ba năm trước, từ đứa trẻ bệnh đầu nhỏ và tăng động, “luôn tỏ ra hung dữ, gào khóc”, giờ Bách đã trở nên ngoan hiền, luôn mỉm cười, biết chào hỏi khi gặp người lớn, chịu ngồi yên phía sau xe một cách an toàn mỗi sáng đến lớp…

Vợ chồng cô Thơ có một nguyên tắc: Mọi nỗi buồn luôn bỏ lại sau cánh cửa, từ ở nhà cho đến nơi làm việc. Thế nên, cứ nghe tiếng chào của học trò là mọi mệt nhọc dường như tan biến. Để có thể trang trải cho cuộc sống gia đình, mỗi tối cô Thơ vẫn thường đến các quận gần nhà để dạy kèm, dạy thêm cho các học trò khác.

“Hạnh phúc của tôi chính là sự ủng hộ của gia đình, của đồng nghiệp. Hạnh phúc được đáp đền bằng chính sự trưởng thành từng ngày của các em”, cô Thơ mỉm cười.

Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI