"Một người không thể sống trong xã hội mà tách mình khỏi xã hội đó"

22/04/2020 - 04:41

PNO - Trong suốt cuộc đời mình, Vladimir Ilyich Lenin đã kiên định con đường cách mạng vô sản, đấu tranh cho công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động.

Sinh ngày 22/4/1870, cuộc đời của cậu bé Vladimir Ilyich Ulyanov (Lenin) có lẽ là giấc mơ bình yên của bao người sống dưới sự cai trị của Nga hoàng Aleksandr III. Cha ông - Ilya Nikolaevich Ulyanov là một viên chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại chúng miễn phí ở Nga. Từ thuở nhỏ, Lenin đã nổi tiếng học giỏi, đặc biệt ở môn tiếng La tinh và Hy Lạp.

Bức tranh Chúng ta sẽ đi theo một con đường khác của Belousov, tả cảnh cậu thiếu niên Lenin cùng mẹ đau buồn khi mất người anh, người con trai

Bi kịch cuộc đời Lenin xảy ra vào năm ông 16 tuổi, cha ông qua đời vì xuất huyết não. Bức tranh Chúng ta sẽ đi theo một con đường khác của Belousov, từng được in lại hàng triệu bản dưới thời Xô Viết, vẽ chàng thiếu niên Lenin cương nghị đang an ủi người mẹ đau buồn vì mất con trai. Anh trai ông - Aleksandr Ilyich Ulyanov - bị treo cổ vì đã tham gia kế hoạch ám sát Nga hoàng vào năm 1887. Các tài liệu về cuộc đời Lenin lẫn các sử gia đều đồng thuận rằng, đây là sự kiện đã ảnh hưởng rất lớn đến con đường cách mạng của ông. Cái nắm tay đấm xuống mặt bàn như thể hiện quyết tâm sắt đá của Lenin - chọn chủ nghĩa Marx để tiến hành cách mạng nhân dân.

Cũng trong năm 1887 này, Lenin tốt nghiệp trung học với thành tích xuất sắc, được nhận Huy chương vàng nên có quyền chọn vào thẳng trường đại học bất kỳ ở Nga. Đã xác định con đường cách mạng, Vladimir Ilyich Lenin quyết định theo học Khoa luật, Đại học tổng hợp Kazan và tham gia nhóm cách mạng sinh viên, là thành viên Hội đồng hương bí mật Samarsko - Simbirskoe.

Bị phát hiện hoạt động tuyên truyền cách mạng trong giới sinh viên, tháng 12/1887, Lenin bị bắt, bị đuổi học và bị lưu đày đến làng Kokushino để rồi gần một năm sau ông trở về Kazan, gia nhập nhóm Maxist. Trong thời gian này, ông tiếp tục tự học và đến năm 1891, Lenin thi đậu tất cả các môn thuộc chương trình 4 năm của Khoa luật, Đại học Kazan với tư cách thí sinh tự do, có được giấy phép hành nghề luật và làm trợ lý luật sư ở Samara.

Thành phố Saint Petersburg - kinh đô của Đế quốc Nga - từng được đặt tên theo tên ông: Leningrad, sau khi Lenin qua đời vào năm 1924. Hiện nay, tỉnh Leningrad (Leningrad Oblast) là một tỉnh thuộc Liên bang Nga

Năm 1893, Lenin chuyển đến Saint Petersburg - kinh đô của Đế quốc Nga, tiếp tục hoạt động cách mạng. Tại đây, ông đã thành lập Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, tập hợp các nhóm cách mạng trong thành phố. Theo gương ông, các nhóm cách mạng tương tự cũng được lập ra ở Moscow, Kiep... và hoạt động rất mạnh để gia tăng lực lượng.

Lenin và các đồng chí bị tố giác, bị bắt giam vào năm 1895. Sau 14 tháng tù, ông bị lưu đày đến làng Shushenkoe, miền đông Siberia trong 3 năm. Trong những năm tháng lưu đày, Lenin đã dành thời gian hoàn thành hơn 30 tác phẩm về con đường đấu tranh, hoạt động cách mạng mà tác phẩm đồ sộ nhất trong số đó là Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở nước Nga (1899).

Thế kỷ XX bắt đầu, thời hạn lưu đày của Lenin cũng kết thúc. Ông lại tập hợp những đồng chí Marxist thành lập đảng. Tuy nhiên, do bị chính quyền Nga hoàng cấm ở Thủ đô lẫn các thành phố lớn nên Lenin buộc phải rời nước Nga, chuyển sang tây Âu. Ngay trong năm 1900, ông cùng Plekhanov lập ra tờ báo Tia Lửa và trở thành nhà lý luận chính trị nổi bật.

Lenin tại Đại hội lần II của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga năm 1903

Đại hội lần thứ II của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga tổ chức tại London năm 1903, Lenin đã có bài phát biểu đanh thép, yêu cầu phải xây dựng một đảng Marxist kiểu mới, có kỷ luật nghiêm minh, có khả năng tổ chức, lãnh đạo các cuộc cách mạng của quần chúng. Số đông những người ủng hộ Lenin trở thành những người Bolshevik trong khi số khác - những người Menshevik vẫn chủ trương thành lập đảng và đấu tranh theo con đường Nghị viện.

Giai đoạn 1905 - 1907, Lenin khuyến khích các cuộc nổi dậy của công nhân, nông dân từ thành thị đến nông thôn. Ông cũng đã phát triển tư tưởng độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản thành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội III của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga năm 1905, Vladimir Ilyich Lenin được bầu làm Chủ tịch đại hội, trở thành người đứng đầu Ủy ban Trung ương và trong cùng năm đó ông bí mật trở về Saint Peterburg để lãnh đạo cách mạng Nga. Trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908), Lenin phê phán sự xét lại về mặt triết học đối với chủ nghĩa Marx và tiếp tục phát triển những cơ sở triết học của chủ nghĩa Marx.

Cách mạng không thể thiếu sự đóng góp của truyền thông. Năm 1912, Lenin từ Paris về Krakov lãnh đạo báo Pravda (Sự thật) và hoàn thành Đề cương Marxist về vấn đề dân tộc.

Chiến tranh Thế giới thứ I nổ ra, Lenin xem đó là cơ hội để lật đổ Chủ nghĩa tư bản và thay thế bằng Chủ nghĩa xã hội tiến bộ hơn. Cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1917 ở Nga đã lật đổ Sa hoàng và thành lập Chính phủ lâm thời tư sản, xung đột với bên kia là các đại biểu công nhân và binh sĩ Xô Viết. Những mâu thuẫn gay gắt về kinh tế và chính trị ở nước Nga lúc bấy giờ đòi hỏi một cuộc cách mạng triệt để làm thay đổi đời sống chính trị Nga.

Lenin trở về nước lãnh đạo cách mạng với khẩu hiệu "Toàn bộ chính quyền về tay các Xô Viết". Ông chủ trương khởi nghĩa vũ trang và đến đêm 7/11/1917, cuộc Cách mạng tháng Mười đã hoàn toàn thắng lợi. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo ra đời. Ruộng đất được phân phối cho dân nghèo. Các ngân hàng và các ngành công nghiệp lớn do Nhà nước quản lý.

Quốc tế Cộng sản do Lenin sáng lập năm 1919 trở thành nơi những nhà cách mạng khắp thế giới quy tụ với cùng một ước vọng chung: giải phóng dân tộc, xóa bỏ áp bức, đấu tranh giành quyền lợi cho công nhân và nhân dân lao động.

Nước Nga rút khỏi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ I để tập trung tái thiết. Lenin khuyến khích phát triển kinh tế thông qua mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cho đến năm 1922, các chính sách của Lenin đã thu được kết quả tốt và giúp nước Nga dần ổn định. Cùng năm này, Lenin bệnh nặng, trở về Gorki cùng người vợ thủy chung và qua đời năm 1924.

Nhận xét về Lenin, văn hào Maxim Gorky nói: "Giống như cái kim địa bàn, (tư tưởng của Lenin - PV) bao giờ cũng chỉ về lợi ích giai cấp của nhân dân lao động". Đối với tệ quan liêu trong hàng ngũ lãnh đạo, Lenin cực kỳ nghiêm khắc. Ông từng nhận xét thẳng thừng: “Tình hình bộ máy Nhà nước của chúng ta thật đáng buồn… Xin nói thêm trong ngoặc rằng bọn quan liêu ấy ở nước ta không những có trong các cơ quan Xô viết, mà còn có cả trong những cơ quan của Đảng nữa”. Chú trọng đến xây dựng đảng, phát triển đất nước, ông cũng đặc biệt lưu tâm đến yếu tố con người. Ông xác định: "Một người không thể sống trong xã hội mà tách mình khỏi xã hội đó" (Tuyển tập Lenin).

Thành Nhân

 
TIN MỚI