Mối liên hệ phụ huynh - giáo viên: Cây cầu đang gãy nhịp

18/11/2015 - 10:52

PNO - Để giáo dục trẻ, đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội, không "khoán" trẻ cho một bên nào.

Thế nhưng thực tế mối liên hệ lẽ ra phải xuyên suốt, "keo sơn" này lại vô cùng lỏng lẻo.

Mối liên kết lỏng lẻo

Thời gian gần đây, những hộ dân xung quanh trường tiểu học Nguyễn Hiền (Q.2, TP.HCM) thấy cứ tầm giờ nghỉ trưa, một số học sinh (HS) của trường lại lang thang, ăn vặt, vạ vật quanh cổng trường để chờ vào học buổi hai.

Những HS này đều học hai buổi nhưng gia đình không cho học bán trú. Theo lý giải của nhà trường thì do các em không chịu vào ngủ trưa chứ không phải trường không cho vào.

Nhiều HS thuộc diện khó khăn, phụ huynh (PH) có làm đơn đều được hỗ trợ ăn bán trú miễn phí, nhưng cũng có những trường hợp PH không nói gì. Điều đáng nói là, việc trẻ lang thang diễn ra không phải ngày một ngày hai mà gia đình không hay biết.

Nhận định về trường hợp này, một hiệu trưởng cho biết: không bàn chuyện đúng sai, nhưng dường như nhà trường và gia đình đã thiếu liên kết để giải quyết một sự việc rất nhỏ, chỉ cần một cuộc điện thoại.

Những PH thiếu quan tâm đến tình hình của con, không hợp tác với nhà trường thì trường nào cũng có. Lẽ ra giáo viên chủ nhiệm (GVCN) khi biết sự việc có thể chủ động điện thoại, liên lạc cho PH biết chuyện rồi cùng nhau đưa ra giải pháp, hoặc là buổi trưa bắt trẻ phải ở nhà ngủ, hoặc bố mẹ bận đi làm thì báo cho ban giám hiệu để giải quyết cho ăn ngủ bán trú.

Ở nhiều trường có nội trú, tình trạng “khoán” con càng phổ biến hơn. ThS Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp) kể: Trường công lập ít ra PH còn chịu quan tâm, đưa đón con đi học hàng ngày. Ở các trường có nội trú, rất nhiều PH “khoán trắng” con mình cho nhà trường rồi đi làm mà không thèm liên lạc để nắm tình hình hay trò chuyện với con.

PH chỉ đóng đủ học phí, họp PH cũng không đi, GV gọi điện thoại nhiều lần không bắt máy, có chuyện liên quan đến HS cần ý kiến phải liên hệ bằng email để chờ trả lời, có khi GV tự giải quyết xong vẫn chưa thấy PH hồi âm. Thậm chí, ngày lễ, ngày nghỉ họ cũng không đón con về, nhà trường phải bố trí xe đưa các em về tận nơi hoặc đi khu vui chơi theo nhu cầu của các em.

Moi lien he phu huynh - giao vien: Cay cau dang gay nhip
Học sinh rủ rê nhau đi chơi sau giờ học trong trường liệu nhà trường và phụ huynh có hay biết - Ảnh: P.Huy

Không tìm được tiếng nói chung

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.4 cho biết, nhiều lúc PH khiến nhà trường rất khó xử do không chịu hợp tác. Có lần thấy HS bị nóng sốt và nổi mụt, GVCN gọi điện thoại cho PH. Cha của HS còn nghĩ cô “làm quá”, phải giải thích đủ điều thì vị này mới đến trường đón con về.

Hoặc khi GV bàn bạc điều gì với PH, chỉ cần không đồng ý, họ có thể lớn tiếng, la lối. Lớp có hoạt động sau giờ học, hệ thống tin nhắn đã báo PH đến đón trễ 30 phút, có ghi hẳn vào sổ báo bài hàng ngày, thế nhưng khi chờ con ra trễ, PH không ngại chửi con, chửi cả GV, nhà trường… Một năm có hai-ba lần họp PH nhưng không bao giờ đến dự, GV tìm hiểu lý do thì bảo bận.

Tuy nhiên, ở phía PH cũng không ít những bức xúc với nhà trường. Nhiều cha mẹ phàn nàn rất khó để chia sẻ cùng GV tình hình cụ thể của con mình, còn những buổi họp PH chủ yếu cũng chỉ để… phổ biến chuyện tiền nong.

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh) cho biết: “Trường con tôi học mỗi năm chỉ họp PH hai lần, mỗi lần kéo dài chưa đầy hai tiếng. Phần đầu cô nói sơ lược tình hình của lớp, điểm số của HS và một số em đáng lưu ý… Phần thời gian còn lại toàn bàn chuyện các khoản phải đóng góp.

Trong khi, tôi thật sự muốn biết những vấn đề như biểu hiện, thói quen của con ở lớp; sở trường các môn học hoặc con thích chơi với bạn nào, hoạt động gì trong lớp… nhưng dường như GV không thể giải thích được những chuyện như vậy, mà cũng không đủ thời gian vì có đến hàng chục PH bu quanh cô để hỏi.

Họp PH đã thế, vào giờ đưa trẻ và tan học, PH càng khó có cơ hội để hỏi thăm tình hình của con. Ở các trường, HS thường tự di chuyển xuống sân, có bảo mẫu, bảo vệ trông coi, ổn định lớp, chứ không phải GV. Vì thế, chỉ một vài PH thân mới có thể nói chuyện, trao đổi thường xuyên với cô”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI