Mảnh vườn xuân của ngoại

25/01/2023 - 18:46

PNO - Cận tết, bông nở rộ, hừng hực trong gió xuân lồng lộng, hàng xóm ai đi ngang cũng trầm trồ vườn xuân của ngoại.

 

mẹ tôi đã gieo lại mùa Xuân từ mảnh đất xưa của ngoại
Mẹ tôi đã gieo lại mùa xuân từ mảnh đất xưa của ngoại

Hồi ngoại còn sống, miếng đất 5 công vườn trồng cây ăn trái, ngoại rào riêng 1 khoảnh đất chừng 50m2 để dành cho... tết. Ở đó, ngoại không cho trồng bất cứ thứ gì, để đất trống suốt từ tháng Giêng cho tới đầu tháng Mười âm lịch. Ấy là giai đoạn giao mùa từ thu qua đông, là khi có gió chướng non lao rao trên sông, là lúc nắng bắt đầu chuyển màu vàng ruộm ngang hiên nhà. Nhớ cứ vào thời điểm này ngoại ưa ngâm nga câu ca dao:

Gió lao rao tàu cau nhỏng nhảnh

Em thương anh rồi, thọ lãnh đôi bông (1)

Đó cũng là lúc ngoại lục đục xách cây cuốc nhỏ dành riêng cho mình ra “mảnh vườn riêng của ngoại” xới đất thành luống, làm giàn, quấn bầu để chuẩn bị cho mùa tết của gia đình.

Sớm nhất là ngoại gieo hột đậu rồng. Đậu rồng giống được ngoại chọn lựa trái tốt nhất phơi khô để dành cho mùa sau. Đây là loại đậu rồng mùa, chỉ ra bông và đậu trái vào lúc gió bấc từ phía Bắc khuếch tán xuống phương Nam (không như đậu rồng tứ quý hiện được trồng đại trà, mùa nào cũng có trái). Đậu rồng nhú bông tim tím, đậu trái, cũng là lúc cá lòng tong vào mùa. Canh chua cá lòng tong với đậu rồng là món "chống ngán" cực kỳ hiệu quả trong ba ngày tết thịt thà thừa mứa.

Cạnh giàn đậu rồng là giàn bầu và mướp nằm gie ra mé sông. 2 loại trái này là dành để ra Giêng, khi các loại thực phẩm xa xỉ nhìn là “ngán tới cổ”, thì canh mướp nấu tép, bầu luộc chấm chao là “cứu cánh” cho quý ông sau những ngày tết khách khứa rượu bia. Dưới chân các giàn mướp, bầu, đậu rồng là rau răm, húng lủi, ngò, hành, ớt, tía tô… Những gia vị rất cần thiết cho mấy ngày xuân.

Kế luống rau các loại là luống cải bẹ (hay còn gọi là cải tòa sại, hoặc cải tòa xoại). Cải này trồng để làm dưa tết. 25 tháng Chạp sẽ nhổ cải phơi héo. Để 27, 28 tết đem nhận cải vào khạp nước muối, ủ vài ngày vớt ra sẽ có một món dưa cải rất ngon miệng. Dưa cải chấm với thịt kho rệu là món ăn truyền thống lâu đời của người dân đất Việt. Và bây giờ, gần như tết, nhà nào dù nghèo hay giàu đều chuẩn bị cho mình một nồi thịt heo kho rệu và ít dưa cải.

Nhưng, nhìn thích mắt và gây cảm giác háo hức nhất là những luống bông của ngoại. Rằm tháng Mười âm lịch bà “xuống giống” vạn thọ và cúc. Cũng như đậu rồng, vạn thọ giống được ngoại chọn lọc kỹ càng từ mùa xuân trước. Những bông “cái”  (bông to nhất trên cây bông) được ngoại đem phơi khô rồi bỏ vào bọc ni lông treo giàn bếp chờ mùa sau gieo tiếp. Thời đó thì có biết F1, F2 gì đâu, cứ để giống bông xoay chuyền qua các năm như vậy, khi gieo lên cây, chọn cây khỏe, tươi tốt thì đem vô chậu trồng.

Bây giờ, bông vạn thọ Pháp được nhập từ Thái Lan, bông to, ngắn ngày thịnh hành hơn, bông vạn thọ cổ điển của ngoại ít thấy ai trồng nữa. Nhìn ngoại ngồi tỉ mẫn khoanh bầu bằng lá chuối, nhét tro trấu vào đó rồi gieo từng hột giống vạn thọ thấy thương gì đâu.

Giữa tháng Mười âm lịch hàng năm ngoại đã bắt đầu gieo cho mình “mùa xuân”, và cuối tháng Mười thì nhổ cây con từ bầu để vô chậu, chăm bón cho nó lớn từ từ.

Ở quê, cứ thấy từng chậu vạn thọ con được xếp hàng trước sân nhà, sau vườn thì biết rằng xuân đã dần tới, cảm giác náo nức, nôn nao tết cũng từ đó lớn dần ra. Đến giữa tháng Chạp, mảnh vườn xuân của ngoại hiển lộ trọn vẹn, mướp bầu đã đâm bông, ra nụ, rau cải xanh um, mướt mát, vạn thọ, cúc, sống đời, mồng gà vàng xanh đỏ lốm đốm chực nở trong nắng quái chiều châu thổ. Cận tết, bông nở rộ, hừng hực trong gió xuân lồng lộng, hàng xóm ai đi ngang cũng trầm trồ vườn xuân của ngoại.

Ngoại mất đã 13 năm, 13 năm, cận tết người ta đi ngang “mảnh vườn xuân của ngoại” thường tiếc nuối ngoái nhìn, vì lâu rồi nó vắng vẻ, đìu hiu. 50m2 đất cỏ mọc um tùm, chỉ 29, 30 tết mới được dọn dẹp sạch sẽ một chút.

Mẹ tôi không may mắn, ra riêng chỉ có cái nền nhà và ít đất cặp mé sông. Thế nhưng, mẹ “di truyền” từ ngoại, năm nào cũng trồng một ít rau, một ít bông trên khoảnh đất chỉ 5m2. Mẹ nói trồng để nhớ ngoại, và cũng có để tết sử dụng, khỏi mua.

Đột ngột, đầu tháng Mười năm nay, cậu tôi gọi mẹ, bảo: "Em coi miếng đất “của má” trồng được gì thì trồng, để có cái mà ăn, mà chưng tết". Mắt mẹ tôi rơm rớm nước.

Vậy là, người dân xóm tôi năm nay lại có cái để mà háo hức, nôn nao tết khi đi ngang “mảnh vườn xuân của ngoại”, mẹ tôi đã gieo lại mùa xuân từ mảnh đất xưa của ngoại, và chờ.  

Đào Ngọc Vinh

(1) Bông: hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với “đôi” thành “đôi bông”.   

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI