Thương mùa cải cúc trong vườn

17/01/2021 - 18:41

PNO - Cải cúc lặng lẽ đơm hoa. Những đóa hoa cánh trắng mảnh mai, nhị vàng thanh tao xòe ra như những mặt trời nhỏ.

Ở quê tôi, mỗi ngôi nhà đều có một mảnh vườn, dù to nhỏ thế nào thì đến thời điểm cuối đông đầu xuân cũng đều xanh mướt những loài rau khác nhau. Cuối đông, những cơn mưa dầm dề đã qua, cái nắng gay gắt của mùa hạ cũng chưa tới, gió xuân len về trong không khí se lạnh hanh hao, ấy là thời điểm cho các loài cây bung chồi nảy lộc.

Bà tôi lấy những hạt giống treo trên gác bếp từ mùa trước đem gieo. Cải, ngò thơm, ngò sàng, xà lách, cải cúc… cứ thế mà lên xanh từ những luống đất phủ rơm mục quanh nhà. 

Những loài rau bình dị, quen thuộc, có thể dùng nấu canh, ăn sống. Đặc biệt vào dịp tết, những bữa ăn thịnh soạn hơn hẳn ngày thường, thịt kho giò chả ăm ắp ăn hoài cũng ngán, thì rổ rau sống hái trong vườn lại càng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Cái hăng hắc, đăng đắng, thơm cay, ngọt mát của những lá rau tươi non làm cho bữa ăn thêm màu sắc và hương vị. 

Cải cúc, còn có tên là cây tần ô, người dân quê tôi chỉ gọi đơn giản là rau cúc. Cải cúc thân mảnh, lá có hình răng cưa, màu xanh bình dị. Cải cúc có vị đăng đắng, nên hái ăn sống là lúc cây nhỏ, lá còn non. Đến khi cây lớn, có thể hái để nấu canh. Thiên nhiên có sự kết hợp diệu kỳ, khi mùa cải cúc lên cũng là mùa cá khoai bắt đầu. Cá khoai là một loài cá thơm ngon bổ dưỡng, nấu canh với cải cúc hợp đến lạ lùng.

Mùa cải cúc cũng là mùa tép về. Những con tép nhỏ tươi hồng roi rói, lại rẻ vô cùng, nấu với cải cúc theo một công thức đơn giản mà có được món ăn ngon ngọt. Ngày tết, người xa quê từ phố về, thấy nhớ thèm những món ăn bình dị quê hương. Vậy là nồi cá bống kho tiêu vàng óng, bát canh rau cúc ngọt xanh, đĩa rau sống thơm cay, chén nước mắm tỏi ớt đỏ tươi… trở thành những món ăn gây thương nhớ. 

Mọi người thường thấy rau cải cúc ngon, ít người để ý hoa cải cúc đẹp. Nhà thơ Xuân Diệu có lần nhận ra vẻ đẹp bình dị ấy và đưa vào thơ: Thứ cải cúc ăn kia/ Nở những hoa hiền đẹp (Hoa cải cúc). Xuân Diệu còn hái mang về cắm, và ông hài lòng lắm: Đến thăm em hôm trước/ Về mấy đóa cầm tay/ Trong lành trong cốc nước/ Còn đẹp đến hôm nay.

Đúng là cải cúc hiền và đẹp. Ngày xuân, trăm hoa được chưng vào bình, ít ai để ý đến cây cải cúc mảnh mai quanh nhà. Mấy ngày tết rồi cũng chóng vánh trôi qua, người ở phố thì về phố, người ở quê trở lại với nhịp điệu cuộc sống thường ngày. Ấy là thời điểm luống rau quanh nhà sáng lên vẻ đẹp riêng.

Bà tôi hái rau, thường chừa lại mỗi khoảnh rau một ít, để dành làm giống mùa sau. Một ít cải, một ít ngò thơm, ngò sàng, xà lách… và cải cúc.

Những cây được chừa lại cứ thế lớn lên, thân cứng dần, cao dần, ra những ngồng hoa. Sắc rực rỡ của hoa cải vàng là nổi bật nhất. Khi mỗi cơn gió đưa qua, hoa rung rinh như cánh bướm. Xà lách ra những bông nhỏ vàng tươi chi chít trên thân vươn thẳng cứng cáp. Hoa ngò bé xíu vàng nhạt kết thành từng chùm xòe ra yêu kiều. Cải cúc cũng lặng lẽ đơm hoa. Những đóa hoa cánh trắng mảnh mai, nhị vàng thanh tao xòe ra như những mặt trời nhỏ. Khí xuân vẫn ấm, trong cái nắng vàng lung linh, loài hoa rau nhỏ bé góp thêm vẻ đẹp tinh khôi trong vô tận đất trời. 

Hoa cải cúc đẹp đến nao lòng
Hoa cải cúc đẹp đến nao lòng

Không ai nghĩ đến việc bẻ hoa rau cắm vào bình. Những đóa hoa cứ thế tàn nhanh, khô đi, rồi hạt tựu hình. Lá cây cũng khô dần, quắt lại. Bà lại nhổ cây lên phơi, rồi gom hạt cất lên gác bếp. Đợi đến mùa xuân năm sau, hạt lại gieo, rau lại lên xanh, hoa lại nở đầy. Cứ thế mà neo giữ vẻ đẹp đơn sơ của làng quê Việt. 

An Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI