Khẩn trương “tiếp sức” cho doanh nghiệp nội

24/05/2024 - 06:06

PNO - Phát biểu trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội sáng 23/5, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn và chịu áp lực, thách thức cả trong lẫn ngoài, nên rất cần chính sách hỗ trợ.

Theo ông, số doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường tăng theo từng năm: năm 2019 có 89.200 doanh nghiệp, năm 2020 có 101.700 doanh nghiệp, năm 2021 có 219.800 doanh nghiệp, năm 2022 có 143.200 doanh nghiệp, năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp… Đây là khu vực chiếm tỉ trọng cao trong đầu tư phát triển (45 - 50%), cho nên phải có chính sách hỗ trợ, “tiếp sức” cho doanh nghiệp Việt Nam bằng cách ban hành thêm các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, thuế đất…

Công nhân làm việc tại Công ty May mặc Dony (TPHCM) - ẢNH: THANH HOA
Công nhân làm việc tại Công ty May mặc Dony (TPHCM) - Ảnh: Thanh Hoa

Theo ông Trần Hoàng Ngân, yêu cầu chuyển đổi xanh của nền kinh tế thế giới tác động lớn tới nhiều quốc gia. Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo sẽ thực hiện “cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM)”, theo đó sẽ đánh thuế các bon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại. Nhiều ngành nghề như thép, nhôm, xi măng, phân bón của Việt Nam sẽ chịu mức thuế rất cao. Hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội (40.000 tỉ đồng) mới giải ngân khoảng 1.218 tỉ đồng (tương đương 3,05% tổng quy mô chính sách). Ông đề xuất, số tiền còn lại nên hỗ trợ để các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh, đáp ứng nhu cầu mới.

Cùng mối quan tâm trên, đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) thông tin, trong những tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới có tăng nhưng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng tăng cao. Nguyên nhân do các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả tích cực, chưa khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, thành lập mới. Các doanh nghiệp được hỗ trợ nhưng thủ tục nhiêu khê, mất nhiều thời gian. Do đó, cần sự thay đổi mạnh mẽ trong thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, có nhiều công trình triển khai dở dang, nơi có đường, không có cầu và ngược lại; công trình trơ trọi nhiều năm; tài sản đất công bỏ hoang… khiến cử tri bức xúc. Ông đề nghị xem xét, thành lập cơ quan đặc biệt gồm các thành viên của Chính phủ, địa phương, Quốc hội nhằm rà soát lại các dự án chưa hoàn thành.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa chỉ ra những rào cản phát triển kinh tế - xã hội - ẢNH: MINH QUANG
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa chỉ ra những rào cản phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: Minh Quang

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói: “Trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, thì lãng phí thời cơ là lãng phí lớn nhất, bởi nhiều thời cơ đi qua không trở lại, trong khi các nước đang phát triển đi lên”. Ông phân tích, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội. Sau những nỗ lực ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà đầu tư hồ hởi với thị trường Việt Nam nhưng họ phải đối diện với không ít ngần ngại, trong đó nổi bật là việc chậm trễ phê duyệt các dự án đầu tư, các dự án hợp tác có vốn tài trợ từ nước ngoài.

Ông trích dẫn khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, Việt Nam được xếp hạng là quốc gia có triển vọng thứ hai trên thế giới để các công ty Nhật Bản mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính phức tạp được coi là rủi ro lớn nhất trong môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cũng than phiền, quy trình phê duyệt còn chậm, thủ tục hành chính còn mất thời gian, gây cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án, đồng thời tác động đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Chẳng hạn, việc sử dụng chính phủ điện tử chưa thực sự nhất quán, nhiều thủ tục hành chính như báo cáo, thông báo… vẫn phải nộp bằng giấy, thậm chí phải bằng cả giấy và điện tử. Thêm vào đó là việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, chậm giải quyết các sáng kiến, đề xuất, khiếu nại của chuyên gia và người dân.

“Chúng ta có rất nhiều sáng kiến hay nhưng không biết đi vào cuộc sống thế nào. Điển hình như, ở TPHCM, có các dự án nhà tái định cư hàng chục năm không có người ở. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị có chính sách để chuyển đổi những căn nhà tái định cư này sang nhà ở xã hội nhằm thúc đẩy bất động sản phát triển và giải quyết nhà ở cho người dân. Có rất nhiều sáng kiến như thế này nhưng cần xắn tay giải quyết. Ngoài ra, việc chậm thi công và giải ngân đầu tư với các dự án liên quan tới vốn nhà nước cũng là vấn đề cần giải quyết” - ông Trương Trọng Nghĩa nói.

Bắt tay để giảm giá vé máy bay

Thảo luận tại đoàn, đại biểu Bùi Hoài Sơn (TP Hà Nội) nhìn nhận, giá vé máy bay tăng cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội. Theo ông, so với đường bay tương đương, Thái Lan rẻ hơn Việt Nam rất nhiều. Ví dụ đi từ Bangkok đến Phuket, chặng bay 869km có giá vé 768.000 đồng, trong khi chặng từ Hà Nội - Đà Nẵng dài 757km, giá vé Vietjet là 1.112.000 đồng, còn Vietnam Airlines là 1.508.000 đồng.

Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, giá vé máy bay cao là do thiếu tính cạnh tranh, chi phí bảo trì, bảo dưỡng ở nước ngoài cao. Một điểm đáng lưu ý khác là ngành hàng không và du lịch Việt Nam đang thiếu sự kết nối, liên kết với nhau, thậm chí “mạnh ai nấy làm”. Ông đề nghị có gói hỗ trợ hàng không, du lịch, như hỗ trợ phí dịch vụ ở các sân bay, vì dịch vụ này đang chiếm từ 10 - 30% giá vé. Một số vấn đề cần tính xa hơn là đầu tư cho các trung tâm bảo dưỡng máy bay ở Việt Nam; việc hợp tác phát triển giữa ngành du lịch và hàng không. Một khi hàng không, nhà hàng, khách sạn hỗ trợ lẫn nhau sẽ tạo ra “combo du lịch” để hạ giá vé máy bay, lợi cho du lịch, phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEanlanhsongmanhvi /strCate=anlanhsongmanh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthitruongvi /strCate=thitruong