(8/2) Góp tin yêu cho đời

Góp tin yêu cho đời

09/02/2021 - 07:11

PNO - Cần mẫn, nhẹ nhàng, đôi khi lại quyết liệt, hành trình của những người phụ nữ làm công tác tư vấn cộng đồng đã thổi nguồn năng lượng tích cực vào các gia đình đang lao đao vì nghèo khó, bệnh tật, mất mát.

Vun vén ước mơ

Một buổi sáng, bà Lê Thị Lang, 64 tuổi, khệ nệ bưng thùng mì gói, túi gạo quẹo vô hẻm 632 Kha Vạn Cân, khu phố 8, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức. Con hẻm nhỏ này có bảy căn nhà liền kề dành cho những lao động khuyết tật và hộ gia đình chính sách. Gần hai năm qua, bà Lang là gương mặt thân quen ở đây. Cứ dăm bữa, nửa tháng bà lại ghé vào. Thấy bà, em Phan Thị Kim Ngân, 19 tuổi, lật đật chạy ra khoe: “Bữa nay nhà con đã sửa sang tươm tất”.

Ngân vốn là đứa trẻ ít nói, học hết lớp Chín thì em nghỉ học, ở nhà, lúc nào cũng thui thủi một mình, đến độ có người quở “bị bệnh tự kỷ”. Nhưng em nói: “Em không có bệnh gì cả, chỉ là buồn thôi. Mẹ mất khi em mới hơn một tuổi. Ba nuôi em rất cực, đã vậy còn bị người ta lừa gạt phải gánh một đống nợ trả hoài chưa xong”, Ngân giãi bày.

Anh Phan Tấn Tài, 51 tuổi, ba của Ngân, bước thấp bước cao dắt xe đạp về tới cửa, thả người ngồi nghỉ mệt. Ngó vô nhà thấy bà Lang, gương mặt anh rạng rỡ khoe rằng, lúc này Ngân đi làm đã được trả lương, hai cha con cũng đã bắt đầu nói chuyện thoải mái với nhau. “Từ ngày cô Lang đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh, cuộc sống cha con tôi mới bắt đầu sáng sủa, cảm giác như là thở được rồi”, anh Tài tâm sự.

Bà Lê Thị Lang (thứ 2, từ trái qua) tới thăm, tặng nhu yếu phẩm cho cha con anh Tài.

Anh Tài xuất thân là trẻ mồ côi, khuyết tật, không biết gốc gác của mình ở đâu nên hết nương nhờ cửa Phật lại vào các mái ấm. Lớn lên, anh theo nghề sơn mài rồi quen mẹ Ngân, cũng là cô gái mồ côi, khuyết tật, cùng nghề, nên duyên chồng vợ rồi được về sống trong dãy nhà này. Năm 2003, mẹ Ngân qua đời vì đột quỵ, anh Tài vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi con nhỏ.

Khi Ngân học cấp II thì một người bạn “tình nghĩa lâu năm” đến nhờ anh Tài vay 25 triệu đồng để đầu tư mở quán cà phê. Tin bạn, anh sốt sắng giúp. Nhưng chỉ trả góp được vài tháng thì bạn bỏ trốn biệt tăm. “Tôi có lỗi với con. Lúc đó quá tuyệt vọng, Ngân bỏ học. Mỗi tháng phải trả nợ hơn 1,3 triệu đồng, tôi không kham nổi nên lãi chồng lên lãi. Tôi lân la bán vé số và thấy rằng nếu mình ráng đội nắng đội mưa, bán cả ngày lẫn đêm thì thu nhập cao hơn lương thợ sơn mài, vậy là đổi nghề. Thú thật với cô, nhiều lúc quẫn bách quá, tôi đã nghĩ quẩn hay là giải thoát khỏi đoạn trường trớ trêu này đi. May mà có cô Lang đến”.

Là thành viên Tổ tư vấn cộng đồng khu phố 8, P.Linh Đông, khi nghe mọi người nói về hoàn cảnh éo le của cha con anh Tài, bà Lang đã tìm đến nhà. Ngại ngần người lạ, mất niềm tin với cả người quen, hai cha con anh Tài ai cũng ủ rũ, chẳng chịu nói gì. Phải mất rất nhiều lần lui tới bà Lang mới khiến Ngân mở lòng: “Con muốn học làm bánh, nhưng tiền đâu đóng học phí”.

Câu nói đó xảy ra vào một ngày đầu tháng 9/2018. Ngay trong buổi chiều, bà Lang gọi điện thoại tới một trường nghiệp vụ để hỏi lịch học, học phí nghề làm bánh, rồi lại chạy qua nhà hướng dẫn hai cha con anh Tài viết lý lịch và đơn trình bày hoàn cảnh, xin xác nhận của chính quyền địa phương... Thế là, ngay ngày hôm sau, Ngân được nhập học miễn phí. Khoản nợ ngân hàng cũng không bị thúc ép như trước. “Tuy chưa biết mọi việc có được suôn sẻ và có kết quả gì không, nhưng với trách nhiệm của người làm công tác tư vấn cộng đồng, bước đầu được như vậy, tôi nghĩ là có hy vọng”, bà Lang bộc bạch.

Nhờ có bà Lang giúp từng mà cuộc sống của cha con anh Tài đã dễ thở hơn.

Sau sáu tháng học nghề, Ngân trở thành nhân viên tiệm bánh Đức Phát và chắt chiu mua được chiếc xe máy cũ. Ngân bày tỏ ước ao tiếp tục được học chữ, học nghề để từng bước trở thành một Pastry Chef (bếp trưởng, người quản lý bếp bánh) thực thụ. Hiện tại, anh Tài vẫn bán vé số, nhưng con gái đã có việc làm, có lương nên cuộc sống của cha con họ không còn quá bí bách như thuở trước.

Sẻ chia khi khó

Hơn một năm nay, tuần nào bà Nguyễn Phong Phú, cùng mấy chị em phụ nữ trong khu phố cũng đến nhà bà Kiều Thị Xuân, 64 tuổi, vài lần. Có bữa họ mang theo gạo, mắm; có bữa họ lại mang cuốc để dọn cỏ, rồi chở phân, chở đất tới nhà bà Xuân. Bà Phú 57 tuổi, là thành viên Tổ tư vấn cộng đồng khu phố Mỹ Thành, P.Long Thạnh Mỹ, Q.9.

Chuyện là Cả hai vợ chồng bà Xuân đều là cán bộ về hưu. Cuối tháng 6/2019, chồng bà Xuân bị đột quỵ, qua đời, bà Xuân suy sụp, ngày nào cũng lang thang ra đường ngóng… chồng về. Bản thân bà Xuân đã bị tai biến hai lần, cử động khó khăn. Phước Hà, con trai bà Xuân, tâm thần cũng không ổn định, từng lập gia đình, có con, rồi vợ bỏ khiến bệnh tình càng thêm nặng. Nhà toàn người bệnh nhưng chỉ trông chờ vào đồng lương hưu 3 triệu đồng của bà Xuân khiến bà Phú cảm thấy canh cánh trong lòng. “Chứng kiến cảnh ấy, lòng tôi ngổn nang, nhưng chẳng biết gỡ nút thắt từ đâu. Tôi thấy nhà chị Xuân có đất rộng nhưng không ai làm gì, chỉ để cỏ mọc, nên nghĩ: hay là cùng nhau làm vườn, biết đâu khi có người tới lui mỗi ngày sẽ giúp chị khuây khỏa tinh thần”, bà Phú bộc bạch.

Bà Phú (bìa phải) góp sức tạo nên khu vườn xanh mát này cho gia đình bà Xuân (thứ 2, từ trái qua).

Vậy là bà Phú cùng với cán bộ, hội viên phụ nữ khu phố lặng lẽ góp công, góp tiền tạo ra một khu vườn xanh mát với những luống khoai lang, rau muống, rau dền, mồng tơi, bầu, bí, gấc, chuối, mít. Từ chỗ dửng dưng với tất cả mọi người, khi rau lên xanh, mẹ con bà Xuân đã chịu bước ra vườn, có bữa anh Phước Hà còn chủ động cầm vòi xịt nước tưới cây. “Tôi rủ cắt rau tặng cho bà con lối xóm, chị Xuân gật đầu. Tôi cũng hướng dẫn Phước Hà làm thủ tục nhận trợ cấp hàng tháng, đề xuất phường cấp học bổng cho bé Vân Anh con gái Hà và rủ cháu tham gia đội văn nghệ thiếu nhi khu phố. Từ đầu năm tới nay, tháng nào chi hội cũng có nhu yếu phẩm tặng gia đình”, bà Phú chia sẻ quá trình kết nối giúp gia đình bà Xuân.

Bây giờ thì cửa nhà bà Xuân đã rộng mở, bên trong đã có tiếng nói cười. Anh Phước Hà không còn một mình la lối hay rì rầm, biết gật đầu chào “cô Phú” và siêng năng ra thăm vườn... Bà Xuân xúc động: “50 năm nghĩa vợ chồng, cùng nhau nếm trải bao khốn khó, ông ấy đi đột ngột, thế giới của tôi cũng sụp đổ theo. Phước Hà cần tôi, Vân Anh cũng cần có tôi, biết vậy, nhưng lòng tôi trống rỗng, tay chân thừa thải. Tôi chẳng biết đâu là đường để mà dò dẫm. Cô Phú đã cứu cả nhà tôi”.

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI