Giá cả leo thang, du khách nản lòng

19/05/2025 - 16:33

PNO - Chi phí tăng vọt tại nhiều điểm nghỉ dưỡng từng được ưa chuộng trên thế giới đang làm nản lòng du khách.

Không còn là điểm du lịch giá rẻ

Mùa hè đang đến gần, nhiều du khách bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi nghỉ của mình. Tuy nhiên một số người cảm thấy “sợ hãi” khi phải đối mặt với chi phí tăng cao ở những điểm đến từng có giá cả phải chăng. Nhiều người đi nghỉ đã chia sẻ video và trải nghiệm về giá cả tăng vọt, nhất là tại những khu du lịch nổi tiếng như Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ).

Trong một video, du khách tên Tez đã bày tỏ sự thất vọng. Anh nói giá cả ở một số khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng ngoài tầm kiểm soát và du khách đang bị tính phí cao một cách bất công. Hầu hết những phần ăn ngoài khách sạn tại Antalya đều có giá từ 6 euro trở lên. Những người thích lướt ván phản lực có thể sẽ ngạc nhiên khi giá dịch vụ này lên tới 117 euro cho chưa đầy 1 giờ. Video của Tez nhanh chóng thu hút sự chú ý. Nhiều người cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự.

Du khách nước ngoài chụp ảnh với hoa anh đào tại quận Higashiyama của Kyoto, Nhật Bản vào ngày 5/4/2025 - ẢNH: KENJIRO SATO (Mainichi)
Du khách nước ngoài chụp ảnh với hoa anh đào tại quận Higashiyama của Kyoto, Nhật Bản vào ngày 5/4/2025 - ẢNH: KENJIRO SATO (Mainichi)

Theo dữ liệu gần đây từ Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, lượng du khách đến quốc gia này đã giảm mạnh, còn 2,99 triệu vào tháng 3/2025 (giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước). Các lãnh đạo của ngành du lịch cho rằng sự biến động của tiền tệ và chi phí dịch vụ tăng đã đẩy chi phí du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ lên cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Ai Cập hoặc Tunisia.

Hiện tại, chi phí du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ đã ngang bằng với các điểm đến nổi tiếng ở Nam Âu như Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp. Theo trang Statista, áp lực lạm phát là một trong những lý do chính khiến du khách thấy giá cả ở Thổ Nhĩ Kỳ trở nên cao hơn. Khi nền kinh tế địa phương phải đối mặt với những biến động, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá để theo kịp chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng cao.

Thái Lan - điểm đến hấp dẫn đối với những người du lịch tiết kiệm và những người thích tắm nắng - cũng đang phải đối mặt với sự phản ứng ngày càng tăng từ khách du lịch quốc tế. Một làn sóng chỉ trích trực tuyến với gần 2.000 bình luận dưới một bài đăng trên trang Bangkok Post Learning cho thấy sự bất mãn của du khách đã lan rộng. Họ ngày càng lo ngại về giá cả tăng cao, hệ thống giá 2 tầng phân biệt đối xử giữa người trong nước và du khách quốc tế và cả về mùi cần sa tràn ngập các điểm nóng du lịch.

Một du khách đến Koh Samui nói: “Cùng một khách sạn mà tôi đã trả 2.000 baht/đêm cách đây 5 năm, giờ đòi 6.000 baht/đêm”. Một du khách châu Âu ở Pattaya cũng cho biết hóa đơn lên đến 180 euro (khoảng 7.000 baht) cho bữa tối 2 người, không bao gồm rượu.

Mặc dù thừa nhận về tình trạng lạm phát toàn cầu nhưng nhiều người cảm thấy giá cả ở Thái Lan đã vượt xa áp lực lạm phát thông thường. Một du khách châu Âu lên tiếng: “Việc khách sạn tăng giá từ 100 USD lên 200-300 USD/đêm thì không thể chỉ vì lạm phát”.

Khách trong nước cũng cảm thấy áp lực

Theo truyền thống, Tuần lễ Vàng (bao gồm 3 ngày lễ liên tiếp trong thời gian từ 29/4 đến 5/5) mang đến cho người lao động Nhật Bản một trong những kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Nhiều người đã tận dụng cơ hội này để khám phá nhiều nơi trên đất nước hoặc du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, năm nay, người dân Nhật Bản đang cảm thấy lo lắng vì giá cả các mặt hàng tăng cao. Trong Tuần lễ Vàng, lượng khách du lịch tăng khiến giá phòng tại 5 thành phố lớn của Nhật cũng tăng khoảng 16% so với năm 2024 - theo báo Nikkei.

Atsushi Tanaka - giáo sư nghiên cứu du lịch tại Đại học Yamanashi (Nhật Bản) - giải thích: “Do du lịch trong nước đang bùng nổ nên các khách sạn không cần phải hạ giá phòng. Điều này khiến người Nhật Bản khó đi du lịch hơn”. Công ty nghiên cứu thị trường Tokyo Shoko Research nhận xét: “Giá phòng dự kiến ​​sẽ còn tăng cao hơn nữa, cuộc chiến giành phòng giữa khách nội và khách quốc tế dự kiến ​​sẽ trở nên gay gắt hơn”.

Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một số biện pháp để hạn chế số lượng du khách tăng đột biến, bao gồm nộp phí bắt buộc để leo núi Phú Sĩ, lệnh cấm du khách ở khu Geisha của Kyoto và giới hạn số lượng khách du lịch hằng ngày tại Ginza Onsen. Nhật Bản cũng chuẩn bị triển khai hệ thống giá kép, theo đó du khách nước ngoài sẽ phải trả phí vào cửa cao hơn cư dân địa phương tại các địa danh văn hóa, di tích lịch sử và công viên giải trí.

Linh La (theo Turkiye Today, The Nation, Mainichi, Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI