Đáp ứng nhu cầu, phụ nữ sẽ gắn bó với Hội

21/11/2015 - 11:52

PNO - Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - dẫn đầu đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến về đời sống hội viên, phụ nữ tại TP. HCM.

Từ ngày 15 - 18/11, Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN do bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - dẫn đầu đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến về đời sống hội viên, phụ nữ (HV, PN) tại Hội LHPN P.Tân Hưng, Q.7 và Hội LHPN xã Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM.

Trong các buổi làm việc, đoàn đã trực tiếp trao đổi và thảo luận với đại diện cán bộ Hội, nữ trí thức, nữ công nhân, nữ tiểu thương, nữ lao động tự do… xoay quanh các vấn đề về hoạt động Hội, những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống; các nhu cầu, mong muốn của nữ giới…

Bàn về hoạt động Hội, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay số lượng các câu lạc bộ, tổ, nhóm triển khai nhiều, một số chồng chéo nội dung khiến chất lượng hoạt động giảm. Việc ra đời nhiều mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm kéo theo yêu cầu nhân lực quản lý, làm báo cáo, sổ sách… rất tốn kém và nhiêu khê. Do đó, Hội cần tập trung vào chất lượng hoạt động thay vì dàn trải về số lượng.

Dap ung nhu cau, phu nu se gan bo voi Hoi
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa kiểm tra hoạt động tại TP. HCM

Một vấn đề cũng được đoàn khảo sát đặt ra để tìm cách tháo gỡ chính là việc thu hút HV tham gia sinh hoạt Hội và công tác tuyên truyền trên địa bàn dân cư. Chị Ngọc Hà - công chức của P. Tân Hưng, Q.7 nói: “PN ở phường đa số là người nhập cư, đời sống chật vật; họ lo kinh tế là chính nên ít quan tâm đến sinh hoạt Hội. Nếu Hội tạo được việc làm, giúp chị em ổn định kinh tế thì đây là cách để lôi kéo chị em vào Hội”.

Về công tác tuyên truyền của Hội, chị Lê Nguyễn Thanh Hương - Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Hưng, Q.7 cho biết: “Do người làm công tác Hội còn hạn chế về trình độ, khả năng truyền đạt, nên việc phổ biến kiến thức, các chính sách pháp luật chưa tác động hiệu quả đến HV. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, cần có sự góp sức của các báo cáo viên thuộc các ban ngành, đoàn thể khác để hỗ trợ Hội làm tốt công tác tuyên truyền”.

Một HV xã Long Thới, H.Nhà Bè đề xuất: “Trong số chị em ngồi đây, có người hạn chế khả năng đọc, viết; có người thậm chí không có phương tiện đi lại. Hội có tuyên truyền, vận động gì thì nên đến khu dân cư nói chuyện trực tiếp cho chị em nghe. Nên hạn chế các buổi tuyên truyền “xa rời” khu dân cư, nên tăng cường phát tờ rơi, tài liệu… để công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả. Tùy trình độ, điều kiện của HV mà Hội có phương thức làm việc phù hợp”.

Xoay quanh vấn đề bạo lực gia đình, bà Phan Thị Hồng Yến - Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Long Thới trăn trở: “Địa bàn xã gần khu công nghiệp, nữ công nhân thuê trọ đông; do đặc thù công việc, chị em sớm đi tối về, ít tiếp xúc với người xung quanh, lại thêm tâm lý xấu hổ, cam chịu… nên nếu có xảy ra các vụ bị bạo hành, chính quyền địa phương cũng khó phát hiện để xử lý”.

Đồng tình với ý kiến trên, chị Ngọc Thanh (P.Tân Hưng, Q.7) góp ý: “Hội nên có phương án tăng cường nhận thức cho PN về vấn đề bạo lực gia đình như tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng, bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, nếu pháp luật mạnh tay hơn nữa trong xử phạt thì kẻ bạo hành mới chùn tay”.

Qua các phiên làm việc, chị em đã giãi bày rất nhiều khó khăn, nguyện vọng, trong đó phần đông nêu mong muốn cải thiện cuộc sống, ổn định thu nhập. Hình thức cho vay vốn của Hội được xem là phương án tối ưu để giải quyết bài toán kinh tế, tuy nhiên, theo một tiểu thương chợ Tân Kiểng (Q.7), bên cạnh việc cho vay vốn, Hội nên có thêm các buổi hướng dẫn người vay về cách sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả.

Dap ung nhu cau, phu nu se gan bo voi Hoi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI